Freitag, 26. April 2013

VĂN & LUẬN V: "BIÊN KHẢO VÀ TIỂU LUẬN 60"


Lời Dẫn:
01:09, 2013-04-27
Tập „Biên khảo“ này được làm vào năm 2009, với chữ số „60“ là muốn kỷ niệm „chu niên“. Nội dung bao gồm các bài:
01:       Nghĩ về nguyên khí
02:       Suy nghĩ về việc học và những người Thày
03:       Người trí thức và lịch sử
04:       Tìm hiểu tư tưởng bành trướng
05:       Biên Cương
06:       Lịch sử: hồi tưởng và hiện tại
07:       Suy nghĩ về bốc-xít Tây Nguyên
08:       Tổ quốc có bao giờ nhục thế này chăng?
09:       Nghĩ về Tri-Thức
10:       Vài trao đổi từ “Vụ Đông La”
11:       Phần phụ lục
Một số bài đã được post lên các Trang riêng khác hoặc được Thân hữu ưu ái đang tải
Nay, nhân đọc một số bài hay trên các Trang nhà thân hữu:
* Bài của Bác Phạm Toàn trên Trang nhà của Nhà Thơ Nguyễn Trọng Tạo:
KẺ LƯỜI BIẾNG ĐANG GÂY XÔN XAO THẾ GIỚI MẠNG (https://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2013/04/26/ke-luoi-bieng-dang-gay-xon-xao-the-gioi-mang/)
* Bài trên Trang nhà của Nhà Văn Thùy Linh:
TƯ CÁCH MỘT NGƯỜI HỌC LUẬT
http://www.buudoan.com/2013/04/tu-cach-mot-nguoi-hoc-luat.html
Bỗng thấy dâng niềm phấn khởi vì gặp lại những trăn trở một thời (Cứ nhớ lời Gauß nói với Janos Bolyai: „Sóng gió đời anh đã qua trên mái đầu tôi“. Thú vị vì hình ảnh gợi lên qua câu nói; Chẳng vì cái gì khác!) – Mình coi lại tập này và đăng taỉ ba bài là các bài số Hai, số Ba và bài số Chín; Vừa là kỷ niệm, nhưng cũng chuẩn bị để trao đổi cùng Thân hữu những đề tài quan trọng cho hiện tài và tương lai xa. (Một số chữ dùng hay cách nhìn nhận có thể cần „đính chính“; Nhưng là „kỷ niệm“ nên xin giữ nguyên, mong Bạn đọc lượng thứ.)

Trân trọng giới thiệu,
Bùi-Viết Văn Đức


Suy nghĩ về việc học và những người Thày[1]

1. Lời dẫn
Giáo dục, xét về hình thức, là quá trình truyền trao và tiếp thu tri thức; nhưng nếu xét riêng tri thức thì xuất xứ và điểm đến của nó lại chính là cuộc sống. Về thực chất, giáo dục là sinh hoạt tri thức và tư tưởng của cộng đồng người: có tranh đấu (tranh luận và đấu lý), thải loại, có phát triển nâng cao. Như vậy, giáo dục giống như mọi sinh hoạt khác của cuộc sống: thoáng mở và sống động; nếu có những khung khổ nào đó thì chỉ là do con người tạo ra cho nó và cũng chỉ mang tính thời gian, thời đại.
Công việc dạy và học, có thể nói, cũng xưa như loài người. Khi nhớ tưởng đến hình ảnh những già làng ngồi bên đống lửa bập bùng nơi hang động, kể cho toàn bộ tộc nghe những kinh nghiệm tìm săn con thú, kinh nghiệm vượt lũ, thoát hiểm rừng già, (1)... thì ta đã có những hình ảnh đầu tiên của việc dạy và học, hình ảnh đầu tiên của sinh hoạt thày-trò. Qua thời gian, xã hội tiến dần đến phân công lao động thì dạy trở thành một nghề trong khi đó học trở thành hoạt động suốt đời gắn chặt với những thói quen và những chủ đích cố hữu hay đổi thay nhiều ít của mỗi cá nhân. Ngày nay, khi văn minh nhân loại phát triển đến trình độ và tốc độ cao, việc học tập và rèn luyện trở thành đòi hỏi sống còn của con người; việc tìm hiểu và bàn thảo về giáo dục, do đó, cũng luôn sống động, đa dạng và chắc chắn không có điểm dừng. Mỗi ý kiến đưa ra trên một diễn đàn nào đó đều là một phần suy tư, trải nghiệm cá nhân, mong làm sáng tỏ, trước hết, cho bản thân và phần nào đóng góp cho nhận thức chung của cộng đồng. Những thiếu sót là không tránh khỏi và được tiếp thu những phê bình, bổ khuyết chắc chắn là mong đợi tâm can của người viết.
Trong phần kế tiếp, chúng tôi thử xem xét đề tài này từ việc quan sát hoạt động của người dạy (ông thày) cũng như quan hệ giữa hai thành tố của nó là thày và trò. Đây cũng là kết quả sau những lần luận bàn cùng bạn hữu; vậy trước hết xin ngỏ lời chân thành cảm ơn những người bạn cũ và mới, cũng xin cảm ơn bạn đọc đã cho cơ hội chia xẻ. Đặc biệt, người viết muốn ngỏ lời tri ân đến một bậc cao niên, xin được gọi là Thày Vũ Paris, là người đầu tiên đã kích lệ và hướng dẫn cách thức trình bày suy tư thành trang viết để hôm nay có được những dòng này; đây cũng là điều người học trò nên một lần nói ra.(2)

2. Thày cũ, trò xưa
Người dạy, ta thường gọi là "ông thày“, là những người qua nghiên cứu, tu tập tri thức rồi do nhu cầu của cuộc sống và lòng nhiệt thành mà đem kiến thức của mình truyền trao lại cho người khác. Dải phân tán (Spectrum, phổ) của khái niệm này khá rộng. Về mức thì có thể kể từ người rất ít "lên lớp“ (nhất tự vi sư, bán tự vi sư) đến người có cả ngàn trò; có người thâu lượm trò không kể hết số, nhưng có người không lên lớp ngày nào cũng vẫn được coi là "đại sư“. Về loại thì có người chỉ dạy, có người vừa dạy vừa đem thuyết của mình ra thực hành, nhưng có người chỉ tập trung trọn đời vào công việc hoàn chỉnh học thuyết; những thế hệ sau gọi họ là thày vì tiếp thu tư tưởng, học thuyết của họ để đem thực hành và ít nhiều bổ sung thêm ý kiến của mình vào học thuyết của thày.
Chúng tôi xem xét một số trường hợp điển hình là Khổng (tử) Khâu, Vương Hủ và Karl Marx. Hai vị Khổng tử và Marx đều là những nhân vật lịch sử và nổi tiếng đến mức không cần giải thích thêm. Riêng trường hợp Vương Hủ, được biết nhiều với tên Quỷ cốc tiên sinh (học sỹ hang quỷ) có thể xem là một sáng tạo văn học của Tàu, nhưng nếu coi văn học là tinh chất mang hình bóng và ấp ủ ước mơ cuộc sống thì câu chuyện về vị này cũng có giá trị để suy gẫm. Đối với tất cả các vị này, chúng tôi chỉ lược ghi những điều quan trọng và cố gắng dẫn nguồn để tiện tham khảo.

2.1. Khổng Khâu
Về Khổng tử, có nhiều sách đã viết. Tài liệu tôi có là cuốn "Khổng tử“ của cụ Nguyễn Hiến Lê: sưu tầm, trích dẫn, phân tích nhiều và dài.(3) Mới đây trong Nho giáo đại cương, tác giả Nguyễn Ước có phác thảo chân dung Khổng tử tuy giản lược nhưng cũng rõ ràng: "nghiêm nghị nhưng thích đàn, mê thơ, học rộng. Ngài triển khai Nho học, hệ thống hóa thành một học thuyết mà bản thân ngài vừa nỗ lực tìm cách ứng dụng vừa hết lòng truyền dạy cho môn đồ.“. Ở đây chỉ bàn chung về các môn học và đôi điều nhận xét về ngài.
Các môn học Khổng tử nghiên cứu và truyền dạy – "lục nghệ: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số“ – hầu như đã đi vào nền nếp tới thời của ngài. Xuất xứ và ứng dụng của các môn học (tri thức thiết yếu cho những người muốn tham chính - làm quan) xin tham khảo các tài liệu đã dẫn, chỉ xin nhận xét rằng khối tri thức mà Khổng tử để lại là khá hoàn chỉnh. Khi xem quan hệ thày-trò Khổng tử ta thấy sinh hoạt trí thức thời đó rất lý thú: không chỉ có việc người thày thuyết giảng, mà việc học trò đặt câu hỏi cũng đóng góp cho sự phát triển tư tưởng của Khổng tử; chưa kể công sức các trò ghi chép lại lời thày. (Trường hợp này cũng xảy ra đối với Cakya Mouni - Bút-đa, Bụt - khi các đệ tử kết tập kinh tạng). Sau đây xin đi sâu vào môn "nhạc“ (môn học đứng hàng thứ 2, tiếp liền "lễ“) là thứ Khổng tử rất say mê.
Khổng tử say mê nghiên cứu lễ nhạc từ nhỏ. Năm 516 trước Công Nguyên, ông tránh nạn sang Tề; "Ở Tề ông nghe nhạc Thiều của vua Thuấn, thích quá, tới nỗi ba tháng không biết mùi thịt; khen là "tận mỹ, tận thiện“, hơn hẳn nhạc Võ của Võ vương chỉ tận mỹ chứ không tận thiện.“(4). Năm 489 trước CN, thày trò Khổng tử bị người Trần, Thái (Sái) vây ở giữa cánh đồng; "bị tuyệt lương, nhiều môn sinh đau ốm liệt giường, trong khi Khổng tử vẫn thản nhiên đọc sách và gẩy đàn“(5). Đây là hoàn cảnh nguy khốn của thày trò, Khổng tử đã phải nói chuyện với từng người và đặt câu hỏi trực tiếp với họ: "Đạo của ta sai chăng?“ rồi với những dẫn dụ thích hợp, ông cố gắng làm họ bình tĩnh xét suy để giữ niềm tin. Cuối đời, ông tập trung vào việc sắp đặt tài liệu, viết sách và san định Kinh Nhạc. Ông bàn về nhạc với nhạc quan nước Lỗ (6): "Có thể biết được phép tấu nhạc: Mới đầu các âm thanh phấn khởi nhiệt liệt; rồi tới lúc khai phóng thì các âm thanh thuần nhiên điều hoà, rõ ràng, lại liên tục nhau, như vậy là thành một khúc“. Nhờ công đính chính của ông, "nhạc Nhã và Tụng được diễn tấu đúng âm luật“.
Tại sao chúng tôi tách riêng và xem xét hoạt động của Khổng tử về bộ môn nhạc? Ngoài việc nhạc đi liền với các hình thức lễ hội, những nghiên cứu mới đây cho biết vai trò to lớn của âm nhạc đối với cuộc sống con người cũng như trong giáo dục. Thời Khổng tử tất nhiên chưa có những nghiên cứu thực nghiệm; nhưng qua kinh nghiệm mà người xưa đã nắm bắt tác dụng của ca nhạc và ứng dụng vào đời sống như thế thì thật là điều đáng ngạc nhiên. Nghiên cứu bộ não, ngày nay ta biết mỗi vùng của nó liên quan đến một phần nhất định của cơ thể và hoạt động của phần này. Con người luôn gảy đàn bằng tay phải và nhấn nốt bằng tay trái vì não bộ có hai vùng điều phối âm thanh và nhịp điệu khác nhau. Xét toàn thể, thì khi một vùng hưng phấn, những vùng khác (chi phối các hoạt động khác) bị ức chế. Chẳng hạn khi hát lên, ta thấy cảm giác sợ hãi giảm thiểu; đó chính là do hoạt động của vùng "âm nhạc“ đã lấn át vùng "âu lo“. Trong hoàn cảnh bị vây giữa đồng mà Khổng tử vẫn gảy đàn là đang thực hành kinh nghiệm đó chăng? Tác dụng này, ngày nay, còn được ứng dụng cho nhiều trị liệu và cả trong việc học ngoại ngữ bằng cách nghe băng phát trong lúc ngủ, vân vân.(7) 
Phần Khổng tử xin chỉ được trình bày đủ để chứng tỏ ông là nhà nghiên cứu, học rộng và sâu, một ông thày tận tâm với nghề và người, đồng thời sinh hoạt học thuật của thày-trò cũng thật là khoáng đạt và dân chủ; còn việc cố gắng thực hành của ông thì cụ Nguyễn Hiến Lê đã viết và bình rất sâu sắc.

2.2. Vương Hủ
Quỷ Cốc tiên sinh (8) có mấy thứ học vấn:
1. Số học: nhật nguyệt tượng vĩ thu cả trong lòng bàn tay; xem trước đoán sau, nói gì cũng linh nghiệm;
2. Binh học: lục thao tam lược biến hoá vô cùng, bày trận hành binh quỷ thần không biết;
3. Du (thuyết) học – (Rhetorik): nhớ rộng nghe nhiều, hiểu rõ lý thế; buông lời hùng biện, muôn miệng khôn đương;
4. Xuất thế học: giữ toàn chân tinh, luyện thuốc nuôi mình; không ốm không chết, đắc đạo thành tiên.
Mục đích dạy học của tiên sinh là "gây dựng một số nhân tài giúp việc cho 7 nước“, nhưng tối hậu là "siêu độ cho mấy người đệ tử thông minh, cùng về tiên cảnh“ (Lên tiên cảnh cũng sợ buồn, mong có bạn; đúng là chuyện Tàu!). Học trò nổi tiếng gồm: Tôn Tẫn, Bàng Quyên học binh pháp; Trương Nghi, Tô Tần học du thuyết. Diễn tiến công việc học hành được kể rất hay, xin không vụng về ghi lại. Người viết chỉ dẫn ra để chỉ rằng có những "tuỳ chọn“ (option) mà người học trò hướng vào tuỳ căn cơ của mình. Thí dụ Bàng Quyên: học hơn 3 năm đã cho là giỏi, nghe nước Nguỵ cầu hiền thì muốn xuống núi tỏ tài, "cầu lấy giầu sang“. Tôn Tẫn do được thày thấu tỏ "lòng trung hậu“ nên được trao 13 thiên binh pháp là cuốn sách tiên sinh "chưa từng cẩu thả giao cho ai“. Đây là hai trò đồng môn và thân thiết; tuy nhiên khi vào đời, vì ganh ghét mà họ đã tàn sát nhau khốc liệt. Xem ngẫm gương này, Quỷ Cốc tiên sinh dặn dò Tô Tần, Trương Nghi trước khi xuống núi:
- Ta xem hai trò Tôn, Bàng thế không dung nhau được, tất sẽ có việc làm hại nhau. Còn hai trò mai sau tưởng cũng nên nhường nhịn để thành danh dự và giữ toàn cái tình đồng học ngày nay.
Vì lời đó của thày chăng, mà Tô Tần, Trương Nghi sau này không hại nhau tàn khốc? Và có phải vì nhân tình như thế, "sau đó vài hôm, tiên sinh cũng bỏ Quỷ Cốc đi mất. Có người nói là tiên sinh đã thành tiên xa lánh cõi trần“? Nếu thật như thế thì "lên tiên“ thực ra là do thất vọng và thất bại! (9)

Như vậy, từ cách dạy kinh điển (trực tiếp) của 2 vị này ta thấy ngoài việc trao truyền tri thức, quan hệ thày-trò gần gũi có ảnh hưởng đến tư cách rất lớn. Cũng do hiểu nhân cách học trò, người thày còn có những giáo chỉ hướng nghiệp cụ thể cho từng người. Cách học này đã phát huy hết công năng hiệu dụng của giáo dục vậy! Tuy nhiên càng về sau, việc "định hướng tuỳ chọn“ càng được ưa dùng. Do muốn đi sâu và nhanh một chuyên môn để sớm ứng dụng mà thâu lợi? Do căn cốt tầm thức mỗi người? Sự định hướng lớn nhất chính là chuẩn hoá Nho học từ đời nhà Tống để môn này không còn như nguyên thuỷ của nó.

2.3. Karl Marx (10)
Karl Heinrich Marx là nhà triết học và nhà kinh tế quốc dân (Nationalökonom) - người sáng lập chủ nghĩa Marx (Marxismus), sinh tại Trier ngày 5 tháng 5 năm 1818; mất tại London ngày 14 tháng 3 năm 1883. Bố mẹ của Marx, cả hai người đều xuất thân từ những gia đình Rabbiner (11) truyền thống; cha Marx, Heinrich Marx, là luật sư; năm 1824 cùng với gia đình của mình nhập giòng Tin lành. Sau khi hoàn thành chương trình đại học tại Berlin, Marx đi sâu vào nghiên cứu triết học Hegel. Các năm 1842-3 ông làm chủ bút tờ "Báo Sông Ra-in (Rhein)“ cho tới khi tờ này bị đình bản (cấm); lúc này, ông có quan hệ với A. Ruge, L. Feuerbach, M. Hess. Năm 1843 ông thành hôn với Jenny von Westphalen. Do ảnh hưởng của Feuerbach, ông từ bỏ Hegel và triết học duy tâm và từ năm 1843 (xuất bản „niên giám Đức-Pháp“ tại Paris trong sự quen thân với Heinrich Heine), ông chuyển sang nghiên cứu chủ nghĩa xã hội. Cũng trong thời gian này, ông quen thân và cộng tác với F. Engels. Sau khi bị trục xuất khỏi Paris, Marx chuyển đến Brussel. Sau cuộc luận chiến với Feuerbach, Hegel và những khuynh hướng xã hội chủ nghĩa tự do vô chính phủ của những thành phần tân-Hegel và những nhà xã hội chủ nghĩa Đức, Marx cùng Engels xây dựng "chủ nghĩa xã hội khoa học“ thành nền tảng cho học thuyết sau này của ông; ông tham gia cuộc đấu tranh chính trị của phong trào công nhân và, năm 1847, gia nhập "liên minh những người cộng sản“; bản "tuyên ngôn cộng sản“ được ông cùng Engels viết cho liên minh này. Năm 1848, bị trục xuất khỏi Brussel, ông trở về sống một thời gian ngắn tại Cô-lô-nhơ (Köln); tại đây ông biên tập "báo sông Ra-in mới“ (1848-49). Marx sống ở London từ năm 1849 đến lúc qua đời.
Những năm đầu tiên ở London còn mang dấu ấn của cuộc luận chiến với cách mạng; Marx cho xuất bản tại Paris "tạp chí sông Ra-in mới“ (đăng tác phẩm "những cuộc chiến giai cấp ở Pháp“) và viết nhiều bài cho tờ "Diễn đàn New York“ về chính trị và kinh tế thế giới. Sau thời gian đó, Marx trước tác những tác phẩm cơ bản trong hệ thống học thuyết khoa học thực sự của riêng mình: "Góp phần phê phán chính trị kinh tế học“ (1859) và trên hết là tác phẩm "Kapital – Luận về Tư bản“ (tập 1 xuất bản năm 1867; các tập 2 và 3 do F. Engels xuất bản vào các năm từ 1885 đến 1894). Một số văn bản của Marx được công bố sau khi ông mất: "Bản thảo kinh-triết“ (1932), viết năm 1844; "Cơ sở phê phán chính trị kinh tế học“, sơ thảo 1857-58 và sau đó đưa đến những diễn giải mới.
Marx giữ vai trò chủ chốt trong Quốc tế thứ nhất là tổ chức có ảnh hưởng đến trào lưu dân chủ xã hội (Sozialdemokratie) Đức thuở đầu. Marx phê phán mạnh mẽ chương trình Gô-tha của phong trào này và ông năng nổ đấu tranh chống các trào lưu trong phong trào công nhân (Bakunin). Các tác phẩm của Marx được tái bản nhiều lần trong nhiều ngôn ngữ và nguồn chính xuất phát từ viện Marx-Lenin ở Moskwa. Năm 1953, nhà nước Cộng hoà Dân chủ Đức sáng lập huân chương Karl Marx.
Các tác phẩm chính của Marx gồm:
Góp phần phê phán triết học tả khuynh Hegel (1843/44);
Gia đình thần thánh, hay: Phê phán sự phê phán có tính chất phê phán (1845, viết cùng Engels);
Hệ tư tưởng Đức (1845, ...);
Sự bần cùng của triết học (1847);
Lao động làm công và tư bản (1849);
Lý thuyết giá trị thặng dư (khởi thảo 1861-64, xuất bản 1905-10).
Từ những điều rất cô đọng về Karl Marx trên đây (giản yếu hành trạng) ta có thể thấy Marx là một nhà nghiên cứu và hành động với bộ óc và sức làm việc vĩ đại. Trái với một số nhận định quá đáng về học thuyết của ông (như "đã bị lịch sử đào thải, vứt vào sọt rác“, v.v.), trong thực tế các tác phẩm của ông vẫn được nghiên cứu, bàn thảo. Ở nước Đức, trong mấy năm gần đây, ông vẫn đứng trong "top ten“ những nhân vật lớn. Vậy chúng ta có thể và có quyền đánh giá về ông như thế nào?
Có nhiều nhân vật lớn tự nhận và cũng được tôn vinh là "học trò của Marx“; như Lênin hay Mao Trạch Đông, etc. Những người này có nhiều tác phẩm lớn được gọi là "đóng góp vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Marx“; nhưng trong thực tế thì những việc ứng dụng học thuyết (nhà nước sowjet chuyên chính vô sản với tập thể hoá, chính quyền công nông với đại nhảy vọt và cách mạng văn hóa, v.v.) chỉ là những thử nghiệm với kết quả không mấy tốt đẹp. Trong khi đó, chủ nghĩa tư bản (là đối tượng phê phán của Marx) đã tiếp thu sự phê phán đó (với tinh thần phê phán!) và tự chỉnh sửa để có tính nhân bản hơn. Với chúng tôi, nhìn nhận từ góc độ một nhà nghiên cứu và tác dụng học thuyết của ông đối với thế giới, cũng có thể coi Marx là một ông thày lớn của nhân loại.

Nhìn chung, các tư tưởng, học thuyết mà con người tạo dựng thật là nhiều và đa dạng. Xem thày, xét trò cũng là sự cần thiết trong học hỏi. Chọn cho mình một tư tưởng để đi theo luôn là điều quan trọng; lại càng khó khăn khi đó là lựa chọn cho một cộng đồng lớn như quốc gia, dân tộc.(12)

3. Đôi điều tạm kết
Như đã trình bày: "giáo dục là sinh hoạt tri thức và tư tưởng của cộng đồng người; bàn thảo về giáo dục luôn sống động, đa dạng“; để tạm kết, người viết muốn nêu lên suy nghĩ về mấy điểm người nghiên cứu và tìm học có thể cần lưu tâm.
Người Việt thường mang tâm lý yếm thế rằng nền văn hoá, văn minh Việt tộc là thành phẩm giáo hoá của người Tàu. Có nhiều nỗ lực chứng minh văn hoá Việt tộc (hiểu là các dân tộc trên đất nước Việt Nam) có nguồn riêng và thậm chí còn là nơi phát tích của văn minh Trung hoa; nhưng cái tâm lý yếm thế nói trên vẫn ám ảnh đến mức tách biệt ngôn ngữ, văn tự của ta thành phần Hán hay Nôm để so đo bình giải, v.v. Vậy chúng ta nhìn vấn đề này thế nào cho hợp tình hợp lý?
Ta biết tư duy tri thức lấy ngôn ngữ làm công cụ và trong ngôn ngữ thì chữ viết là ký tự hiển thị cho nó. Nếu người Việt cổ chưa có được chữ viết riêng (tự hào và tự tin thêm một chút để cho rằng tổ tiên ta đã có chữ viết nhưng đã bị mai một đi) thì cái gốc là tư duy tri thức vẫn muôn đời hiện hữu. Trong tiến trình lịch sử, nếu trong trường hợp cụ thể mà ta dùng loại ký tự nào đó làm công cụ tư duy và lưu trữ trí thức thì hoàn toàn không phải ta không có hoặc đánh mất cái gọi là "bản lai diện mục“. Thực tế là chúng ta đã dùng chữ Hán rất tốt trong khi sáng tạo chữ Nôm để ghi lại một cách sát hợp hơn những công trình thơ văn, ca ngữ. Ngày nay ký tự chính thức ta dùng là chữ latin dạng (version) việt ngữ. Trong tất cả những dạng ký tự đó, chúng ta vẫn thấy rõ những giá trị tư tưởng và văn hoá đặc thù của văn hiến Việt Nam. Như vậy việc tiếp thu những di sản như chữ Hán, chữ Pháp, etc. là điều hiển nhiên không cần có chút bận tâm; việc đó chỉ làm phong phú thêm cho văn hoá của ta mà thôi.(13)
Điều thứ hai là: tri thức là tài sản của toàn thể nhân loại, việc tiếp thu những thành trựu tri thức và văn hoá của toàn nhân loại là như cầu và đòi hỏi của mỗi con người và từng dân tộc. Con người giao lưu tranh đấu với nhau nhưng cũng học hỏi nhau rất nhiều; có thể nói giao lưu để học hỏi và giao lưu cùng với học hỏi là điều kiện để tồn tại và phát triển. Nếu châu Âu, qua các thày tu Thiên chúa giáo, không tiếp thu con số "không“ của Ấn độ thì khoa học khó có thể tiến tới ngày nay; nếu Heinrich-Hải-hành-gia của Bồ đào nha không học cách chế thuyền buồm chạy ngược gió của ngư dân A-ráp để có được những chuyến thám hiểm bờ tây châu Phi (1418) đầu tiên thì thế giới không thể rộng mở để các vùng miền vẫn cứ như giếng nhỏ giam hãm con người; vân vân. Chính cha ông chúng ta từng để lại những bài học giản dị và thấm thía:
Ở đời muôn sự là chung,
Hơn nhau ở chữ anh hùng mà thôi!
"Anh“ là trí tuệ và "hùng“ là sức mạnh. Không có trí tuệ thì không có sức mạnh và sức chỉ mạnh khi biết gồm thâu trí tuệ muôn người. Cha ông ta cũng dạy:
Mạnh, là mạnh cả bè,
Mạnh chi cây nứa le te một mình.
Để sức mạnh "cây nứa“ đạt tới sức mạnh của "bè“ cần có sự kết nối bằng trí tuệ vậy! (14) Nghĩa là điều quan trọng là chúng ta cần tiếp thu tất cả các nguồn tri thức của nhân loại để gom thành sức mạnh cộng đồng hầu sống còn trong thế giới cạnh tranh khốc liệt ngày nay. Ý nghĩa của việc dạy và học là như vậy; công của thày (lập thuyết và diễn giải thuyết), sức của trò (tiếp thu, thực hành, phát triển) cũng chỉ nhằm đến mục đích ấy mà thôi!
Cuối cùng, về văn hoá Việt Nam, chúng tôi có cảm nhận rằng những gì cha ông để lại thường là trong dạng thức giản đơn nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa. Đối với việc học, có thể dẫn ra hai câu: Không có thày đố mày làm nên, và Học thày không tày học bạn. Chúng tôi hiểu ý nghĩa những lời đó là nhân loại cần có những người nghiên cứu đúc kết tư tưởng và truyền trao chúng (thày); nhưng trong quá trình học hỏi, con người cần suy nghĩ và trao đổi (với bạn) để lý thuyết trở thành tư tưởng sống động của cộng đồng. "Khư khư tự buộc lấy mình vào trong“ (Kiều) một lý thuyết nào đó thì cũng là một dạng thức của nô lệ và sẽ khó xoay trở trong tiến trình lịch sử.




(1) Tất nhiên từ "những bài học trong trường“ như vậy đến khi những đứa trẻ của bộ lạc có được kinh nghiệm và thành thạo trong những cuộc chiến sinh tồn thực sự còn là con đường dài cần rất nhiều học hỏi và chiêm nghiệm; nhưng những sự khởi đầu này là rất cơ bản và gần gũi với cái ngày nay ta gọi là "giáo dục và đào tạo“.
(2) Trong giòng hoài niệm, người viết kính cẩn ghi nhớ hình ảnh những người Thày đầu tiên của mình như vị trưởng lão nho học trong làng đã đảm trách công việc gõ vào đầu thế hệ mình những chữ a-bê-xê-... cùng cách ghép chữ, đánh vần; ghi nhớ công lao của thày Tạ Quang Bửu mà không có tư duy của thày thì lớp học sinh nghèo chúng tôi đã khó có cơ hội học tiếp và học thêm.
(3) Khổng tử, Nguyễn Hiến Lê, nxb. Văn Hoá 1996
(4) Khổng tử, sđd, trang 42-3
(5) Khổng tử, sđd, từ trang 67
(6) Khổng tử, sđd, trang 81
(7) Một kỷ niệm: Trong giờ ngoại khoá về âm thanh học ở trường đại học, một giáo sư vật lý nói: Những hợp âm là hoà hợp giữa các âm loại với tần số có tỷ lệ nhất định với nhau. Các âm cao thấp thể hiện sự đối nghịch là cơ sở cho phát triển, như quan điểm của Marx. Bao giờ sau những đối kháng âm tần là đến giai đoạn âm thanh hoà hợp; nó là cái về sau này được đưa lên thành quy luật cấu tạo một bản nhạc: T-D-T, tức là Tonic (thuận nhạc) – Dissonnance (Nghịch nhạc) – rồi lại quay về Tonic (thuận nhạc) [VTH]. Nghĩ lại điều này, tôi luôn ngạc nhiên về việc rút ra liên hệ giữa những cái ... xa lắc xa lơ (âm nhạc - chủ nghĩa Marx) mà không phải không có lý!
 (8) Đông chu liệt quốc, nxh Tp. HCM, 1989 T.VI, từ trang 113
(9) Nguyễn Khuyến:
Ai chẳng biết chán đời là phải,
Sao vội vàng đã mải lên tiên....

(10) Có nhiều tài liệu về Karl Marx, kể cả trên những trang web rất dễ tiếp cận. Phần kế tiếp, chúng tôi dịch từ mục "Karl Marx“ trong Bách khoa toàn thư Brockhaus tiền tập, tập 3/5, trang 496-7; bản tiếng Đức.
(11) Jüd. Prediger und Seelsorger: đạo thuyết gia và cha chăn (chăm nom phần hồn) dòng Do-thái.
(12) Có một nhận xét cần suy nghĩ: Chủ nghĩa Mác, đối với chúng ta cũng giống như một chiếc cẩm nang cho người đi đường... (người viết hiện không có tài liệu chính xác nên không dẫn nguồn cụ thể, nhưng tin rằng nhận xét nổi tiếng này được nhiều người biết). "cẩm nang“ có thể được hiểu là những giải pháp cấp kỳ, chiến thuật chứ không phải thứ "nhất thành bất biến“.

(13) Có thể tham khảo thêm bài viết mới đây về đóng góp của đạo Thiên chúa (chữ quốc ngữ) trong phát triển văn hoá Việt Nam, Hội nghị Việt Nam học 3, Hà Nội 2008; nguồn BBC Việt ngữ.
(14) Từ triết lý giản đơn này có thể suy luận và rút ra nhiều điều.
Người phương tây có câu tương tự:
A unique System so much more than the Sum of its Parts.
Ein System ist mehr als Summe allen Elementen.

Sự nối kết các thành tố để tạo tính cố kết (Solitarität, kết đoàn) có thể thông qua 2 hình thức: dính/bám kết (Adhäsion) và liên kết (Kohäsion) trong đó nối/dính kết có tính bề ngoài còn liên kết có liên hệ nội tại. Về mặt xã hội, kết đoàn theo hình thức thứ nhất mang tính cơ hội và rất dễ tan rã - điều thường thấy ở người Việt Nam. Nối kết nội tại (trên cơ sở mục tiêu, lý tưởng) là bản chất các hội đoàn và đạt được trong những xã hội dân chủ có nền văn hoá cao. Trong các hội đoàn, con người có điều kiện trưởng thành (về mặt xã hội) nhiều hơn; qua các hội đoàn mạnh, quốc gia có sức mạnh lớn hơn.




Người trí thức và lịch sử[2]
 “...đôi khi “hăng” lên, chúng ta (viết cho khỏi “đụng chạm”) nói khơi khơi một điều gì đó giống như chân lý rồi nhặt các sự kiện lịch sử rời rạc để chứng minh, mà mục tiêu thực chất là chứng tỏ ta đây “kiên định lập trường giai cấp” hoặc chiều theo ý định của ai đó mà mình muốn lấy lòng...”

 Trong thời gian gần đây, nhất là khi nhìn lại 30 năm cuộc chiến biên giới, vấn đề lịch sử Việt Nam được nhiều trang mạng đề cập. Có hai bài của hai học giả nước ngoài được trang nhà của BBC tiếng Việt đăng tải đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp. Ngay trên Thông Luận cũng đã có một bài rất công phu và thuyết phục của tác giả Trần Thị Hồng Sương. Phần viết sau đây của chúng tôi là kiến giải trong dạng cô đọng, xin được trình bày.

Hai ông tiến sĩ
BBC Việt ngữ ngày 14 tháng 12 năm 2008 đã đăng bài về học giả Song Jung Nam bàn về công cuộc mở đất của Việt Nam. Từ việc xem xét lướt qua dọc chiều dài lịch sử, ông tiến sĩ Song (Tống?) đưa ra những nhận xét có tính tổng luận:
- "Việc mở rộng lãnh thổ của Việt Nam cho thấy một quy luật điển hình trong lịch sử nhân loại là cá lớn nuốt cá bé. Việt Nam đã không ngừng đấu tranh trong trường kỳ lịch sử để sinh tồn bên cạnh một Trung Quốc mạnh hơn mình nhưng ngược lại cũng tiến hành chinh phục Chiêm Thành và Campuchia yếu hơn."
- "Điều này thể hiện hai mặt trong đặc trưng lịch sử của Việt Nam là chủ nghĩa dân chủ đấu tranh và chủ nghĩa dân chủ xâm lược." "Việt Nam đã trải qua quá trình dân chủ đấu tranh và bồi dưỡng sức mạnh quốc gia rồi trên cơ sở đó hướng đến chủ nghĩa dân chủ xâm lược và kết quả là xác lập được lãnh thổ phía Nam bây giờ."
- Việc mở rộng lãnh thổ của Việt Nam cũng minh chứng cho quy luật lịch sử "giữa các láng giềng không có quan hệ tốt".
Ngày 20 tháng 2 năm nay chúng ta lại được đọc bài của tiến sĩ Alexander Vuving từ Mỹ. Đây là bài cô đọng mà mang tính học thuật cao. Từ đặc thù triết lý đấu tranh sinh tồn của người Tàu (“thời và thế”), xem xét tình hình Việt Nam trong khoảng thời gian ngắn hơn và dựa trên “lý thuyết quan hệ quốc tế” có tính chuẩn mực, ông “gợi ý năm phương pháp chính: 1) cùng chung một nhà, 2) ràng buộc bằng lợi ích, 3) ràng buộc bằng thể chế, 4) răn đe quân sự, 5) răn đe ngoại giao”. Có thể nói bài viết của tiến sĩ Alexander dễ làm ta “choáng ngợp“ về sự minh triết hàn lâm và cách trình bày “chắc như đinh đóng cột” của ông.
Quan niệm rằng mọi sự học hỏi đều cần thiết, chúng tôi hoan nghênh nhiệt tình và công sức của quý vị học giả đối với đất nước và con người Việt Nam chúng ta. Để nhìn nhận rõ hơn các ý kiến này, chúng tôi xin được đề cập đến mấy điểm đặc thù của nhận thức nói chung.

“Xem voi” và “tính (bè) đảng”
Xin nói ngay là tiểu đề này không mang tính “tân toan” (cay chua) [1] chút nào. Trong khi “xem voi” có nguồn gốc từ truyện ngụ ngôn triết học của Ấn Độ (thầy bói xem voi, Kỳ-ny giáo) thì “tính đảng” lại mang mầu sắc hiện đại (tính đảng, tính giai cấp). Chúng tôi xem xét hai khái niệm này từ góc độ nhận thức luận.
Câu chuyện “thầy bói xem voi” nói rằng có 4 ông thầy bói khiếm thị đi xem voi. Từ nơi đứng của mình, bằng biện pháp “sờ”, các ông phát biểu quan niệm về con voi (hiện thực): giống cột đình, giống cái quạt, giống cái chổi, vân vân. Nói chung chúng ta chế diễu hoạt động này bằng cái cười nhẹ nhàng, cũng là theo dụng ý của các tác giả ngụ ngôn này; nhưng suy nghĩ thêm có thể có ít điều thú vị. Thứ nhất là tính trung thực của những người quan sát: Khi các ông thầy bói nói “giống cái quạt”, “giống cột đình”... là các ông muốn đưa cái đã được nhận biết về những diễn giải thông thường; đây là hành động trung thực trong thao tác luận lý của các ông. Nhưng, thứ hai, cái thiếu ở đây nằm trong khâu tổng hợp: khẳng định con voi (hiện thực) là cột đình hay cái quạt thì đều sai và vì thế dẫn đến bất đồng, tranh cãi. Con voi chính là con voi và nó là tập hợp toàn thể những cái “giống như” mà ta biết được.
Vấn đề thứ hai là quan hệ giữa sử liệu và sử luận. Các ngành khoa học đều dựa trên dữ kiện/liệu để thông qua lý luận mà rút ra quy luật (luận thuyết, sử luận,...). Trong khi các nhà chuyên môn (sử học, khảo cổ học) thu thập dữ kiện lịch sử để rút ra điều gì đó có tính lý thuyết thì người đọc chúng ta (và nhất là các người làm chính trị) xem những điều kết luận đó như “kim chỉ nam” dắt dẫn hành động của mình. Điều đó cũng là hợp lý, không có gì phải bàn cãi; tuy nhiên, đôi khi “hăng” lên, chúng ta (viết cho khỏi “đụng chạm”) nói khơi khơi một điều gì đó giống như chân lý rồi nhặt các sự kiện lịch sử rời rạc để chứng minh, mà mục tiêu thực chất là chứng tỏ ta đây “kiên định lập trường giai cấp” hoặc chiều theo ý định của ai đó mà mình muốn lấy lòng. Tức là ta đi lộn ngược từ “sử luận” (mà ta tự ý bày đặt ra) đến sử liệu. Điều này tất nhiên tệ hại hơn việc xác định con voi là cái cột, cái quạt, cái chổi... vì nó giống với sự lừa dối.
Chúng ta không bôi bác những nhận định sai thiếu của người khác mà điều quan trọng là chính bản thân ta phải nhìn nhận lịch sử của mình thế nào cho đúng. Nói rằng Việt Nam “cũng tiến hành chinh phục”, “hướng đến chủ nghĩa dân chủ xâm lược” là ngộ nhận; chưa kể việc khẳng định “quy luật lịch sử ’giữa các láng giềng không có quan hệ tốt’” như có điều gì đó giống như việc cố ý đánh đồng, làm lộn sòng phải-quấy. Xin đừng “đi lộn ngược” trong khoa học vì như thế không bao giờ nhìn ra chân lý là việc người trí thức lấy làm niềm say mê, danh dự và nghĩa vụ của mình.

Trí thức Việt Nam
Có thể tự hào đồng ý với danh nhân Nguyễn Trãi: “Nước Đại Việt ta vốn xưng nền văn hiến từ lâu”. Nền văn hiến đó hoàn thiện và rực rỡ từ các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần ... đến ngày nay để “hiền tài” được coi “là nguyên khí quốc gia”. Khi biết trọng hiền tài, các nhà trị quốc đời Lý có thể qua trạng nguyên (cũng gọi là tiến sĩ) Lê Văn Thịnh dùng tài trí “phân-giãi mọi lẽ” để “nhà Tống trả nốt cả mấy huyện mà trước còn giữ lại” (theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim). Tất nhiên công việc chỉ thành công khi “bạn” Tàu cũng (hoặc buộc phải) đặt văn hoá và lý trí làm cơ sở cho sự tồn tại chung; nhưng điều quan trọng vẫn là việc ta phải biết và dám (đủ sức) làm những việc đúng lẽ, như tiền nhân.
Nhưng bản chất người trí thức là gì? Người trí thức dùng khả năng nhận thức để phát triển tri thức phục vụ cuộc sống. Cần ba cái thực: thực tâm (trung thực), thực tài và thực/hết lòng phụng sự nhân sinh (quốc gia). Có thể người trí thức không làm chính trị nhưng qua hoạt động đời mình, người trí thức giúp cho việc trị quốc trở nên chính đính. Tôi trân trọng những gương như Nguyễn Bỉnh Khiêm biết rút về cõi riêng nhưng vẫn suy tư việc người việc nước. Xa hơn có thể noi tấm gương Phạm Lãi biết ra đi để thành Đào Chu Công làm việc cần làm.
Trí thức Việt Nam ngày nay có nhiều gương rất sáng, đáng để ta tự hào và tin tưởng.[2]

Bùi Tân Phong
CHLB Đức, 21/02/2009
© Thông Luận 2009

[1] Dùng chữ của Chinh phụ ngâm diễn âm: “Khuê ly mới biết tân toan dường này”.
[2] Bài này được viết trước khi chúng tôi được đọc về nhà chí sĩ Phan Châu Trinh thông qua các bài viết của học giả Mai Thái Lĩnh. Tấm gương của Cụ Phan đem lại cho chúng tôi nhiều rung động và cảm hứng, hy vọng có dịp được trình bày.

Nhận thức và thời cuộc [3]

Lời dẫn
Viết, điều quan trọng nhất là được trao đổi suy tư, tình cảm; và điều „được“ lớn nhất là nhận về những lời khuyên. Lời khuyên giá trị nhất cho bài "Biên cương“ là những giòng sau đây của ông Nguyễn Vân (xin được trình bày ở dạng "chuẩn“ 1, theo cách hiểu của tôi): Thay vì khóc lóc, buồn tủi và than vãn, nên tự cá nhân hãy dạy con cháu mình làm được như ông Tàu này thì ngày đó Trung Quốc sẽ không ăn hiếp Việt Nam. (Trích mục Ý kiến bạn đọc - Đàn Chim Việt Online)
Tôi đã theo chỉ dẫn và vào wikipedia, tiếng Anh, để đọc ông Qian_Xuesen (Giang Học Sơn?). Với vốn tiếng Anh bằng C Hà Nội bổ túc (nghĩa là kém "chuyên tu“ hay "tại chức“ 2), tôi cũng tạm hiểu được nội dung: Ông Giang Học Sơn sinh năm 1911 tại Hàng Châu, con một viên chức trong bộ đại học Bắc kinh; năm 1934 tốt nghiệp Đại học tổng hợp Jiao Tong Thượng Hải, năm 1935 rời Trung Quốc và sang nghiên cứu tại MIT, Mỹ. Năm 1936 đến Caltech và 1939 bảo vệ luận án tiến sỹ rồi ở lại đó 20 năm; nhận danh hiệu giáo sư và trở thành một trong những nhà khoa học dẫn đầu về tên lửa. Năm 1943, ông cùng 2 nhà khoa học khác của Caltech soạn thảo các tài liệu đầu tiên dưới tên gọi "hoạt động của các động cơ phản lực“ (Jet Propulsion Laboratory) - đề án dùng trong quân sự để đáp lại chương trình tên lửa V-2 của Đức.... Năm 1950 ông xin nhập quốc tịch Mỹ, bị từ chối vì bị coi là một người cộng sản và bị giam giữ. Năm 1955, ông được trả  tự do và trở về Trung Quốc theo chương trình trao đổi tù binh bị giam giữ ở Trung Quốc sau chiến tranh Triều Tiên. Năm 1958 ông gia nhập đảng Cộng sản. Cũng năm này, ông hoàn tất chương trình tên lửa đạn đạo "Đông phong“ thành tựu vào năm 1964, trước khi Trung Quốc thử thành công vũ khí hạt nhân... Ông tham gia xây dựng nền giáo dục trình độ cao nhằm đào tạo những nhân tài khoa học và công nghệ cần thiết tuyệt đối cho phát triển kinh tế, quốc phòng và đào tạo khoa học và công nghệ học... Đó là lược ghi những điều quan trọng - một tài liệu giá trị và hấp dẫn; Vậy còn gì để nói thêm?
Trước hết, do công việc liên quan chút ít đến kỹ thuật, tôi rất ít tham gia các diễn đàn văn hoá hay chính trị. Vì thích đọc nên (đôi lúc, cực chẳng đã mà) phải viết; đến khi thấy được công bố thì lòng vui lắm (khó ngủ ít nhiều dù không thể bỏ ăn). Không dám nói rằng viết được câu văn "như máu chảy trên đầu ngọn bút“ 3, nhưng những gì viết ra thì phải thật là cẩn trọng như trực diện với bạn đọc - những người mình yêu thương, trân kính. Buông câu cảm thán hay ngỏ lời sầu muộn cũng không thể cẩu thả để mua não chuốc phiền cho chúng tha nhân! 4  Chủ đích là như thế, nhưng "lực bất tòng tâm“, biết làm sao?
Thứ hai, trong cái sự đọc và viết, thường được nghe: trong chữ có chữ, sau chữ có chữ mà giữa các giòng chữ nhiều khi cũng có những điều khác nữa. Nói cho hình ảnh thì từ những ngoằn ngoèo của các đồ thị phương trình, ta có thể dẫn ra đạo hàm các bậc để thu được tầng tầng ý nghĩa. Giải bình và trao đổi về các ý nghĩa đó chính là hương vị của bàn tiệc văn chương; nó hấp dẫn đến mức những người "dựa cột“ lâu ngày (như người đang viết) cũng có lúc phải bật ra ít lời "thưa thốt“.
Trân trọng cảm ơn ông Nguyễn Vân về lời khuyên, cũng là cơ hội để trao đổi thêm.

NHẬP
1. Đôi lời hồi đáp
Tạm dùng tiêu đề này để giải thích tại sao tôi viết "Biên cương“ có chút vị buồn. Nguyên, trong phiên bản đầu tiên có phần đề tựa:
Thương tặng hương hồn Em trai, chiến sỹ Quân đội Nhân Dân Việt nam, cùng đồng đội hy sinh trên biên giới phía bắc tháng Tám năm 1979; Kính cẩn tưởng nhớ các chiến sỹ Quân đội Nhân Dân Việt Nam hy sinh tại Trường Sa trong cuộc chiến chống quân bành trướng Tàu năm 1988; Kính cẩn tưởng nhớ các chiến sỹ Hải quân Quân lực Việt Nam Cộng hoà hy sinh tại Hoàng Sa trong cuộc chiến chống xâm lược Trung Quốc năm 1974.
Ngày Rằm tháng Chạp năm Mậu Tý (2009-01-10)
Đó là tình cảm riêng mà cũng là sự chia sẻ chung. Thế rồi xem lại, người viết tự hỏi: Ta có quyền dùng những sự thật đau thương này để làm tăng giá trị cho những giòng viết của riêng ta? Rồi đọc thêm thì thấy bóng ma hận thù Quốc-Cộng như còn ngùn ngụt phủ lấp tầm nhìn, bịt kín lối ra. Những người ngã xuống cho quê hương hình như chưa được tất cả chúng ta nhớ tưởng và trân kính như đúng đạo, dù người sống đã cố lập đàn "chẩn tế giải oan“. Đó chính là lý do của nỗi buồn lo, là điểm yếu lớn nhất của người Việt hiện thời; là cơ sở để người Tàu lợi dụng và ăn hiếp. Việc đưa trở lại phần đề tựa và sự bổ sung này chỉ là cho hết cái ý muốn trình bày và hy vọng cùng thấy "thời gian đã đủ dài“ (hơn 30 năm rồi!) để những bóng ma "quốc gia“, "cộng sản“ được đưa vào quá khứ.
"Lưu Cung tham công bị thất bại,
Triệu Tiết muốn lớn phải tiêu vong“
(Đại cáo bình Ngô)
Tất cả những mưu đồ lấy công trạng làm chỗ dựa cho quyền-lợi, những ý tưởng "muốn lớn“ hơn Dân tộc và Nhân dân (để "dẫn dắt“) đều thiển cận và có hại.5

2. Con đường nhận thức
Nhưng chúng ta nhìn nhận về đất nước và con người Trung Quốc thế nào?
Nhà khoa học Mỹ Jared Diamont bỏ ra hơn 30 năm nghiên cứu sự phát triển và cọ xát của các nền văn minh (Kampf der Zivilisation) để rút ra kết luận: Các nền văn minh lớn có 3 yếu tố chung: Một nền kỹ thuật tiến bộ, Một khối lượng dân lớn và Một sự tổ chức lao động tốt.6 Trung Quốc đã có đủ những yếu tố ấy và nền văn minh Trung Hoa xứng đáng được nhân loại tôn vinh. Bản thân người viết cũng (đã và đang) là một "phen - fan“ của Thuỷ hử, Tam quốc chí, Đông Chu liệt quốc,.... Văn hoá Việt Nam không thể chối bỏ phần chữ Hán. Vậy thì sao cứ phải „chạnh họe“ dài dài? Một thời khốn khó, có người than: Ở cạnh thằng Tàu thật khổ; phải chi là con thuyền thì rời quách đi chỗ khác. Thật là bế tắc! Nhưng tại sao cả ngàn năm ông cha chúng ta đã có thể tồn tại và xây dựng nên một giang sơn tươi đẹp và vững chãi như vậy? Tại sao đã có thể làm cho "sử tri nam quốc sơn hà chi hữu chủ“? Cái thời chúng ta là thời lụn bại đến thế rồi sao? Chẳng lẽ "hào kiệt đời nào cũng có“ mà ngày nay thì chẳng còn ai?...
Giải đáp những điều đó, chỉ cho mình thôi, cũng cần rất nhiều thời gian. Phải tìm hiểu cơ cấu hình thành ý thức, cơ chế phát triển tư duy cũng như việc phát sinh tư tưởng, vân vân. Lịch sử và thực tế đều cho thấy khả năng tư duy của người Việt không thua kém các chủng tộc khác. Chúng ta có thể tiếp thu và sáng tạo những tri thức để sinh tồn và phát triển; có thiếu chăng chỉ là quyết tâm vươn vượt mà rõ ràng trong thế giới ngày nay trở nên vô cùng quan trọng. Say mê chiến thắng, ngủ quên trên vinh quang ảo thì quả báo không bao giờ chậm trễ trong phận sự của nó. Đó cũng là "biện chứng“ mà các "đỉnh cao trí tuệ“ nên biết đến! Dân số gần trăm-triệu cũng là đủ lớn, nhưng bán nguyên liệu và gia công thì không phải là "nền kỹ thuật tiến bộ“ và lâu dài; Nhất là bộ máy song trùng (đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý) để sống bám vào cơ chế tham nhũng thì không phải là "cách tổ chức lao động tốt“!7
Trong nhận thức của tôi, văn hoá Hán tộc và văn minh Trung Hoa cần được đối xử bình đẳng như những nền văn hoá khác: không nên coi thường miệt thị nhưng cũng không được kinh sợ quỵ luỵ; đó là thành tựu của nhân loại nói chung và cũng có phần đóng góp của các tộc người Việt.

3. Cái nhìn thời cuộc
Thời cuộc là sự phát triển của lịch sử. Vậy lịch sử nhân loại phát triển ra sao và "thời cuộc“ ngày nay là gì? Xin tóm lại những suy nghĩ tản mạn.
Con người là sinh vật có bản tính xã hội; do khả năng này nó tồn tại (chống được thú dữ mạnh hơn) và phát triển (tổ chức sản xuất). Do tính xã hội, con người tiến tới các cộng đồng để thành quốc gia; trong quá trình này, nó phát triển các hình thức chuyên chế toàn trị: chuyên chế toàn trị thích hợp cho việc làm chiến tranh mở nước và giữ nước 8. Nhưng lịch sử loài người cũng cho thấy văn minh không chỉ phát triển nhờ chiến tranh. Nền văn minh Maya (Trung Mỹ) đã tồn tại trong cả ngàn năm hoà bình; nó phát triển nhờ giao thương buôn bán. Thế giới ngày nay là sự cạnh tranh và dần dần thắng thế của các xã hội đa nguyên dân chủ đối với các thể chế toàn trị kinh điển. Trong khi các chế độ dân chủ đa nguyên đang tự hoàn chỉnh thì những chế độ toàn trị đang tìm đường cải biến và giữ sỹ diện (cũng như quyền lợi) bằng lừa dối và trấn áp.9
Đây chẳng phải điều gì mới mẻ mà chính là nội dung gồm chứa trong lời Trần Hưng Đạo: Khi giặc "kéo đến vây bọc“ thì "vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước đấu sức lại mà đánh“; khi "bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc“. Tất nhiên "khoan sức dân“ chưa thể là "dân chủ“ như ngày nay, càng chưa phải "đa nguyên“; nhưng nội hàm thì đã có thể coi là rất nền tảng. Chúng tôi trích lại lời dạy này nhiều lần vì thấy thật tâm đắc và rất đáng để trao đổi. Có thể xác nhận rằng đến được kết luận đó cũng là điều đáng tự hào của trí tuệ tiền nhân.

Lời kết
Xin nương bóng người xưa để có ít lời kết luận. Sử ghi: "Hưng Đạo Vương làm quan đến đời vua Anh Tông thì xin về trí sĩ ở Vạn Kiếp. Khi ngài sắp mất, vua Anh Tông có ngự giá đến thăm, nhận thấy ngài bệnh nặng, mới hỏi rằng: "Thượng phụ một mai khuất núi, phỏng có quân bắc lại sang thì làm thế nào?". Hưng Đạo Vương tâu: "...".
Chúng tôi suy nghĩ rằng nếu vua Trần không đến thăm thì Hưng Đạo vương có thổ lộ những lời này để cho chúng ta ngày nay được biết hay không? Ngoài những cung cách suy tư nặng tinh thần trách nhiệm của những bậc đương quyền thời đó, chúng ta thấy cái đức cao vòi vọi của bậc đại trí thức Trần Quốc Tuấn. Từ việc chối bỏ hận thù, từ việc vì đại nghĩa mà xoá tan hiềm khích cá nhân, đến việc trao lại những lời tâm huyết khi sắp khuất, Ngài là vị Thánh thực sự chứ không phải được dựng lên bằng tiểu thuyết10. Lời Người là chứa đựng suy tư suốt đời của một anh tài, nhưng chỉ được nói ra khi có người đến hỏi; vì Người biết chỉ có như thế lời nói mới được nghe theo.
Đất nước hạnh phúc khi có người dám nói và có người biết lắng nghe!




1 Bỏ thêm dấu cho đúng ngôn ngữ tiếng Việt.
2 Các diện đi học được giữ nguyên lương, để nâng cao trình độ và lên chức vị; đã có câu: „dốt chuyên tu, ngu tại chức“. „bổ túc“ tự trả tiền, thua các diện này và ... chẳng để làm gì.
3 Phương ngữ: Một lời nói - Một đọi máu.
4 Tục ngữ: Chó ba quanh mới nằm, người ba lăm (le) mới nói – Đã có lần thấy bàn về tính khoa học của câu này.
5 "Đổi mới“ là sự thừa nhận thất bại và tìm con đường về lại với Nhân Dân.
7 Cung cách của "ông“ Tàu và "Ta“ cố bám theo.
8 Tôi nghiệm điều này để giải thích tại sao "Quốc gia“ (Việt Nam Cộng hòa) đã thua và "Cộng sản“ đang thất bại: Nền dân chủ (trình độ thời đó) của VNCH không phải cái thích hợp cho chiến tranh và "chuyên chế toàn trị“ ngày nay là "phản động“ trong phát triển hoà bình. Tình thế này của Dân tộc có thể dùng câu của cụ Nguyễn Du để diễn tả: „Ma đưa lối, quỷ dẫn đường, / Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.“
9 Tất nhiên đổ hết cho "nó“ là điều bất công; nhưng lý giải cho hết (cùng kỳ lý) thì khá dài và hy vọng được trình bày trong một dịp khác. Vì lịch sử là quá trình chuyển đổi và phát triển biện chứng nên không bao giờ có cái gì gọi là toàn thiện (Nhân vô thập toàn); Tuy nhiên xu thế vẫn là từ "Toàn trị“ đến "Dân chủ“.
10 "Quan Công hiển thánh“ là huyền thoại được dựng lên qua tiểu thuyết.


© 2009 Đàn Chim Việt

Nghĩ về Tri-Thức[4]
Hay đôi lời chia sẻ cùng nhà thơ Bùi Minh Quốc
Bùi Tân Phong

Tri thức, một từ Hán Việt, bao gồm hai thành phần cũng là hai bước liên quan kế liền nhau theo tiến trình thời gian là: Tri - BiếtThức - Hiểu. Biết là sự nhận biết của con người qua ngũ quan (nhãn-mắt, nhĩ-tai, tỉ-mũi, thiệt-lưỡi, thân-da). Kết quả quá trình này được tiếp tục xử lý trong não bộ để con người nhận ra những điều bản chất, những mối quan hệ chủ chốt của sự vật. Khi quá trình này hoàn tất thì con người có được sự Hiểu.
Từ giản đồ trên, ta thấy BiếtHiểu nằm ở những cung bậc khác nhau. Nếu một người bình thường không đui (mắt), cùi (da), mẻ (tai), sứt (mũi, lưỡi) thì có khả năng nhận biết sự vật (cử chỉ, lời nói, những thứ diễn ra hằng ngày; và nếu không lười biếng thì còn thấy nhiều thứ khác, qua internet; etc.). Cố thêm một tí cũng có thể biết được ý người khác để đối phó tình hình. Nhưng để thực hiểu thì đó là công việc khó khăn hơn nhiều: Phải có phương thức tư duy đúng và quan trọng là có cái tâm trong sáng mới rõ được sự vật. Câu “Biết rồi; khổ lắm, nói mãi!” mô tả hạng người chỉ ở mức nhìn-biết; Cho nên dù có nói đi nói lại một điều gì anh ta cũng không hiểu, chỉ thấy “khổ” (vì phải nghe, chưa “khùng” là còn may phúc) mà thôi! Xin dẫn một chuyện minh họa.
Một ông bố già bảo anh con trai lớn:
- Anh cả này, việc anh và thằng Bá hàng xóm làm chung cái chuồng bò tót bên trái nhà cạnh chỗ ta định để cái lẫm lúa, tôi đã nói với anh hai ba lần là không được; mà nhà ta cũng không ai “đồng thuận” cả. Bò nhà nó to mà có sức lắm, nhưng nó cũng không muốn để gần nơi ăn chốn ở nhà nó. Đã đái ỉa vô tội vạ suốt ngày đêm, lúc đói nó không chịu yên, lúc no nó rửng mỡ đá tường húc mái thì cả nhà ta chịu sao thấu? Đành rằng anh và nó hợp tác làm ăn, nói là “năm-mươi – năm-mươi!; nhưng cái động sản là bò tót thì vẫn do nó giữ, anh chỉ có cái bất động sản là mảnh đất hương hỏa để nó làm cái chuồng bò. Lỗ lãi thế nào anh cũng chưa biết tính và nói cho ai trong nhà biết rõ; mà cái vạ cứt đái thì đã nhìn và ngửi thấy “nhỡn/tỉ tiền” (ngay trước mắt, trước mũi). Anh là lớn, anh phải lo (tính) lắng (nghe) cho cả nhà chứ? Phải dừng ngay lại đi!
Người con lớn làm ra vẻ kính cẩn:
- Bố nói lần nào thì tai con nghe lần ấy. Con với nhà anh Bá thân nhau như anh em, anh ấy hé môi là con lạnh răng; đến mười mấy (tấn) chữ vàng cũng có thể nói là chỉ qua kề má, bắt tay mà trao được ngay cho mình. Công lao bố phát rẫy dựng nhà chúng con đâu có quên tịt trong một sớm một chiều. Ý bố con biết rồi; nói đi nói lại mãi, khổ lắm!
Là con trưởng, tất nhiên anh ta có thể tự nhận mình là “đỉnh cao trí tuệ”. Nhưng cái khả năng chỉ ở mức nhìn-biết thì cao lắm cũng chỉ có thể thấy cái lợi trước mặt và trong tầm tay mình thôi. Bắt anh ta lo cho cơ nghiệp cả nhà, tính cho cái tương lai dăm ba năm nữa (tới sau 2011 chẳng hạn), xem chừng khó! Vì thấy khó vào thân nên phải nói một đằng, làm một nẻo; Vì thấy khó vào thân nên mang cả hiếu-trung-tín-nghĩa gá vào con bạc bịp!
Tôi nhờ chuyện này để cố hình dung, lý giải cho mình tại sao “Thủ tướng khi đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 07.05.2009 đã nói với Đại tướng: ‘Chính phủ xin tiếp thu ý kiến của đại tướng về dự án bô-xít Tây Nguyên’” mà (cũng lại) “Thủ tướng trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hải Phòng ngày 09.05.2009 lại khẳng định: ‘đưa ngành công nghiệp khai thác quặng bô-xít trở thành một ngành công nghiệp lớn của đất nước; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây nguyên’” khi đọc nỗi băn khoăn của nhà thơ Bùi Minh Quốc trong daohieu.com ngày 09.07.2009, qua (http://www.x-cafevn.org/node/1953).

BTP, 2009-07-11/01:31



[1] Đàn Chim Việt đăng ngày 26.12.08
[2] Thông Luận đăng ngày 28/02/2009 lúc 10:36:10 EST; Đề tài: Nhìn Lại Mình.
[3] Đàn Chim Việt đăng ngày 29.01.09, Xếp hạng: Chưa xếp hạng.
[4] HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập; Bài này được đăng lúc 15:16 ngày Thứ Hai, 13/07/2009 trong mục Ý kiến bạn đọc.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen