VĂN & LUẬN II: KHẢO TẬP


Mục Lục VĂN-LUẬN


Bài số - Artikel-Nr.
Tên Bài - Titel
Ghi Chú
VL-01
Văn hoá đọc - Từ một góc nhìn       
4.11.2004
VL-02
Vài trao đổi từ „Vụ Đông La“
19.08.2009
VL-03
Nhận thức Hồ Chí Minh                     
25.05.2010
VL-04
Tìm hiểu tư tưởng bành trướng
25.03.2009
VL-05
Suy nghĩ về Bốc-xít Tây Nguyên         
29.05.2009
VL-06
Nghĩ về nguyên khí                             
11.02.2011
VL-07
Herta Müller – Văn thơ, Cuộc đời
DCV.info
VL-08
Xin đừng ngụy biện                             
13.02.2010
VL-09
Hát Ru - Tiếng Mẹ, Lòng Bà              
2003
VL-10
Đổi mới tư duy                       
24.05.2011
VL-11
Dạy và Học, bàn góp
Tư liệu talawas 5.6.2008
VL-12
Người trí thức và Lịch sử
21.02.2009
 
 
03:03, 2013-05-11
Lời Dẫn:
Tiếp tục việc „thu gom“ chuyên đề theo từng „mạch“, bài sau đã được gửi đăng trên hai Trang nhà thân hữu. Post lên lần này, chúng tôi dùng bản được „Thông Luận“ biên tập khá chu đáo; Nhưng vẫn giữ lưu bản trên „Đàn chim Việt“ để thấy sự „chân phác“ như kỷ niệm.
Từ nội dung có thể nhìn ra cái „Ngọn nguồn - Lạch sông“ để chia sẻ cùng Thân hữu trong hai chuyên đề thời sự.
Thân mến. 

„Chia sẻ“ là 4 entries mới trên Trang nhà Thùy Linh về „Dư luận viên“:
1. DỰ ÁN LÃNG PHÍ TIỀN TỶ Ở MỘT XÃ KHÓ KHĂN


2. BÁT TRẢM ĐAO ĐI SỨ

3. KẺ GIẤU MẶT - DƯ LUẬN VIÊN

4. LÃNG PHÍ TIỀN TỶ Ở XÃ NGHÈO HÁNG ĐỒNG


Bên cạnh những chuyện „Đau Đầu“đó là sự “Buồn Lòng” với việc Chùa Một Cột Hà Nội có nguy cơ thành “Phế Tích”, qua các bài:
5. Chùa Một Cột - Diên Hựu xuống cấp: Trụ trì đòi hạ giải
Thứ tư, 08/05/2013, 08:11 (GMT+7)
6. CHÙA MỘT CỘT - MỘT HUYỆT MẠCH QUAN TRỌNG CỦA LONG THÀNH
Trần Thị Kim Anh viết riêng cho NXD-Blog (Ngày 15 tháng 10 năm 2011)
ĐỒNG THỊ CHÚC (Hà Nội 10-02-1995)
 

Suy nghĩ về bốc-xít Tây Nguyên [1]
“...Cái vụ luyện nhôm Tây Nguyên này cũng thế: lườm nguýt thậm thụt lâu rồi chứ đâu có mới? Và vì cái cung cách gà mổ thóc ấy, từ cái cung cách tiểu nông ấy trong đối nội nên cứ như gà mắc tóc trong chuyện biên cương hải đảo...”

1
Bài này được trình bày trong hoàn cảnh sự phản đối chủ trương khai thác bốc xít (bauxite) ở tây Nguyên, của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Tổng bí thư Nông Đức Mạnh cùng Chính phủ Việt Nam đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đang được các trang mạng trong và ngoài nước trao đổi sổi nổi. Cuộc trao đổi đi đến cao trào qua hiện tượng đã có trao đổi viên nóng giọng “chụp mũ và phân tuyến” ta-địch (hán gian)... Qua các tranh biện của nhà nước và các giới trong xã hội gần đây, tôi bỗng “ngộ” ra vài điều về cái bản tính làm ăn của người Việt mình, bèn xin giãi bày ra đây.  

2
Ăn bốc là kiểu ăn không đẹp. Hẳn không mấy ai quên lời trách mắng thân yêu của ông già bà cả cho những đứa trẻ nhỏ: Có chết đói chết khát đâu mà ăn bốc ăn bải vậy các con? Nhưng cái hình ảnh ăn bốc xót xa mà người viết luôn thấy chạnh lòng là khi nhớ đến đoạn văn của Nam Cao tả cái ánh mắt vụt ngước lên nhìn trộm rồi cụp nhanh xuống của nữ chủ gia “quý phái”, nơi ông làm gia sư; ánh mắt ấy tố cáo nữ chủ nhân giầu có này vốn là một phụ nữ nghèo khổ và nó là di tật của một thời đói khát phải bốc trộm gạo mà ăn sống. Đau xót lắm, đến trào nước mặt: Sự bất hạnh của kiếp người để lại di chứng không dễ gì xoá đi một sớm một chiều!
Vậy thì cái sự ăn bốc đáng xấu hổ kia và vụ bốc sít (bauxite) này có dây mơ dễ mái gì với nhau?  

3
Sau khi đất nước thống nhất (1975), những người làm kỹ thuật chúng tôi đi từng đoàn vào Nam tiếp quản các cơ sở công nghiệp. Niềm vui đất nước có hoà bình và thống nhất đã cho tôi tình cảm thật náo nức. Cái bất ngờ của tôi khi tới Sài Gòn không phải sự tràn trề hàng hoá hay những văn phòng gắn điều hoà nhiệt độ cùng những thiếu nữ xinh đẹp đàng hoàng trong bộ áo dài điều khiển cầu thang máy. Tôi như phải chững lại để suy nghĩ khi thấy Sài Gòn với những đường phố mang tên Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,… những tượng đài đẹp như của Hưng Đạo Vương nơi bến Bạch Đằng, của Phạm Ngũ Lão với cánh tay nâng giữ chim ưng, những cuốn sách bàn về binh pháp của ông cha, những văn thơ của Tự Lực Văn Đoàn mới chỉ được nghe tên hay coi trích đoạn… Dẫu sao, sau một năm biệt phái, tôi vẫn trở ra Hà Nội với hy vọng được yên tĩnh làm những điều mong muốn. Những người quen ở lại phần nhiều sau đó trở nên giầu có do nhanh nhẹn và biết quan hệ, nhưng cũng không hiếm người được nêu tên cùng với tội danh này khác. Tất cả những điều này nay cũng đã là quá vãng, nhưng nhớ đến vẫn thấy thoáng vị buồn của cuộc sinh tồn.
Nhưng tại sao tôi trở ra Hà Nội?  

4
Tôi trở lại Hà Nội mong được làm tiếp ước muốn và lời hứa: góp sức cho quê hương bớt nghèo, người thân bớt khổ. Ước muốn giản đơn đó bắt đầu từ lời nói của người cán bộ đứng tuổi căn dặn chúng tôi trước khi lên đường đi học xa: “Các em đi học để sau này xây dựng đất nước”… Cho nên có thể có nơi cuộc sống dễ dàng và đầy đủ hơn, chúng tôi vẫn muốn bắt đầu từ, và cho, nơi mình đã sinh ra và nuôi mình lớn khôn. Dầu vậy, cả một thế hệ thanh niên trôi đi mà rất nhiều người (nếu không nói là tất cả) đến nay vẫn chưa biết làm gì và làm thế nào để thực hiện ít nữa cũng một phần ước mơ nho nhỏ ấy. Tôi đã tham gia sản xuất, tôi đã tham gia nghiên cứu, cũng tham gia tổng động viên (chống bành trướng Đặng Tiểu Bình); mỗi con người chúng ta đều đã đổ mồ hôi (lao động), sôi nước mắt (suy nghĩ và tranh cãi), nhưng cả một tập thể dân tộc, cả một đội ngũ gọi là quốc gia hình như còn thiếu một cái gì cốt lõi: một triết lý, một phong cách sống luôn được bổ cứu, nâng cao. Đối với thế giới, VIỆT NAM vẫn là gã nhà quê luôn chịu phần thua thiệt. Vâng, Chúng ta là gã nhà quê mang nặng bản chất tiểu nông nhỏ mọn! Không chịu hiểu thế giới và cũng không biết tự hiểu mình. Một lý lẽ minh triết như vậy: “Con hơn cha là nhà có phúc” – Nói được đấy mà cũng không làm được; Một phương châm khôn ngoan: “Gà cùng một mẹ, chớ hoài đá nhau” – Mà nói trước quên sau; Một sự cảnh tỉnh thường trực: “Khôn nhà dại chợ” - Mà cứ như nói với người hàng xứ!
Tôi thất vọng nhận ra điều đó (tiểu nông, cạn nghĩ) khi nhìn câu khẩu hiệu chữ giấy đỏ dán trên nền vải xanh (khoảng các năm cuối những năm 1970): “Thực hiện nghị quyết của đảng uỷ đưa xí nghiệp tiến lên nền sản xuất lớn, chúng ta quyết tâm nâng số sản phẩm từ bốn-trăm-rưởi lên năm-trăm-ba!”. Anh cán bộ tổ chức người Thanh Hoá nói với chúng tôi: Các cậu cố gắng phấn đấu, chi bộ đang có hướng phát triển… Rồi đánh tư sản; rồi hợp tác hoá toàn miền Nam; rồi mấy bài báo Nhân Dân dài “đánh” Kim Ngọc, cấm chợ, ngăn sông… để rồi phải khoán mười, phải “đổi mới hay là chết”. Hốt nhiên tôi nhớ đến lời người cán bộ quản giáo đã làm Hoà Thượng Thích Quảng Độ kinh hoàng: Chúng tôi xây dựng xã hội chủ nghĩa như đóng cái bàn này: làm thử mà hỏng thì phá đi làm cái khác…
Chúng tôi đã trở về HÀ NỘI theo lý thuyết: Chủ nghĩa cộng sản sẽ tạo ra năng suất lao động hơn hẳn nền sản xuất tư bản chủ nghĩa; Chúng tôi rời HÀ NỘI đi hợp tác lao động vì thực tế lãnh đạo điều hành tuỳ hứng, duy ý chí…  

5
Vâng, chính là di sản của nền tiểu nông: cạn nghĩ và duy ý chí!
Chế độ hiện mong muốn ổn định và sợ “diễn biến hoà bình”; nghĩa là nó nhìn thấy rõ ràng nguy cơ mất ổn định; vậy nó đã đứng vững vì cái gì? Khi hợp tác hoá thất bại, dân đói, nhà nước có mười-sáu tấn vàng xài qua ngày kết hợp bán bãi bán thuyền. Khi người cày sống được do năm-phần-trăm đất, guồng máy chính chạy bằng thuế và dầu hút lên từ giếng Bạch Hổ. Khi vốn nước ngoài đổ vào, người „lái“ (nắm giữ vai trò lãnh đạo) bay lên bằng đầu tư đất chiếm… Cứ như gà mổ thóc: hạt to, hạt gần mổ trước; và quang quác nhảy dựng lên đuổi bạt những thứ nhỏ con hơn. Cái vụ luyện nhôm Tây Nguyên này cũng thế: lườm nguýt thậm thụt lâu rồi chứ đâu có mới? Và vì cái cung cách gà mổ thóc ấy, từ cái cung cách tiểu nông ấy trong đối nội nên cứ như gà mắc tóc trong chuyện biên cương hải đảo.
Giầu thì con ở, đói thì con dỡ con ăn” - Chả nhẽ cơ nghiệp ông cha lại đến lúc tan nát thế này sao? Đã có kẻ leo lên nóc nhà rồi đấy! Cứ ăn theo kiểu bốc thì có ngày không có cái để bốc mà ăn; và ngày đó không xa!  

6
Tôi không hẳn tán đồng nhưng cũng không phản đối ý kiến cho rằng công việc phản biện của 135 quý vị trí thức đối với ý đồ khai thác bốc sít Tây Nguyên „mang tinh thần Hiến Chương 77“. Quý vị trí thức này đã có hành động cao cả đúng với tư cách và thời điểm lịch sử. Xã hội VIỆT NAM đang bế tắc trong phát triển giống như triều đại nhà Nguyễn thời gian cuối: thủ cựu và theo đuôi Trung Quốc. Nó chứng tỏ sự thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh và chắc chắn dẫn đến tiêu vong. Tình hình bi đát đó làm cho những ai có chút ít tư duy trong sáng cũng cảm thấy phải tỏ rõ chính kiến. Một tấc đất biên cương, một con sóng lãnh hải không phải là to lớn; nhưng đi theo đó là niềm tin và danh dự là cái nếu không có, con người sẽ chẳng còn gì. Quý vị phản phản biện bốc-xít dẫn tích săm mình để bàn chuyện sống chung, sống lẫn với người Tàu. Xin trích lại một đoạn đã nói nhiều lần:
Ngột-lương-hợp-thai từ Vân-nam đem quân sang địa phận An-nam, đi đường sông Thao-giang tỉnh Hưng-hoá, xuống đánh Thăng Long.
...
Bấy giờ thế nguy, Thái-tông ngự thuyền đến hỏi Thái-uý là Trần Nhật Hiệu. Nhật Hiệu không nói gì cả, cầm sào viết xuống nước hai chữ nhập Tống. Thái-tông lại đi đến hỏi Thái-sư Trần Thủ Độ. Thủ Độ nói rằng: Đầu tôi chưa rơi xuống đất, thì xin bệ hạ đừng lo!
(Theo Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, tập I, trang 127)
Cái “nhập Tống”, cái sống chung, sống lẫn với Tàu đã có nhiều lần trong lịch sử: Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Hoàng Văn Hoan… Ngay trong trích đoạn trên đây cũng thấy tư tưởng hàng và chống nằm trong tỷ lệ một-một, ở cấp thượng tầng. Nhưng tại sao người đứng đầu, cầm trịch (đức Trần Thái-tông), cuối cùng lại nghe theo Trần Thủ Độ? Ấy là vì người Tàu chưa bao giờ đối xử với dân Việt cho ra hồn. Đánh Nam bang xong, Mã Viện vơ vét vàng bạc mang về cùng ý dĩ. Giao hảo bao đời mà dân Nam vẫn phải cúng người vàng cho “thiên triều”… Nghe theo Trần Thủ Độ chính là theo cái lý (mà sau này văn hoá Mỹ rất tuyên dương): Nếu tin mình có lẽ phải, nếu thấy có đủ khả năng tồn tại thì hãy chứng tỏ bằng sức mạnh của mình! Kẻ không biết tự vệ, kẻ không dám tự sống là kẻ không đáng tồn tại!

Cha ông ta đã để lại non sông đẹp hơn trong mơ: Đất nước như một hàng không mẫu hạm vươn ngực đón sóng Thái Bình Dương. Truyền thuyết năm mươi con lên rừng, năm mươi con xuống biển là một lời nhắn gửi. Những Bạch Đằng giang, Rạch Gầm – Soài Mút chỉ là những bứt phá cần thiết của một khối năng lực và tài trí. Gồm trên tất cả tài lực đó là triết lý gói trong hai chữ: ĐỒNG BÀO. Vì tình đồng bào này mà chín mươi chín con voi không đuổi bỏ con voi tội lỗi ra khỏi đàn một trăm con!
Mong quý vị mang trọng trách biết đối thoại và phục thiện!  

Bùi Tân Phong
© Thông Luận 2009

Phiên bản 2:
Ăn “bốc (sít)“
|
http://www.danchimviet.info/archives/2185/an-b%e1%bb%91c-sit%e2%80%9c/2009/07


[1] Đăng ngày 29/05/2009 lúc 01:44:04 EDT, Đề tài: Chuyện dài quê ta 
Lời dẫn cho lần đăng tải: 2011-02-09, 19:02
Bài này được đăng lên như cơ sở của một „Seite-Trang“ mới: Lý thuyết phát triển.
Nhận dịp này, xin chân thành cảm ơn anh Phạm Đình đã biên tập chu đáo và bổ sung hoàn chỉnh tư liệu cho những bài đăng trên Thông Luận.
[Văn bản được dowload từ internet]
Dinh Le
09:00, 2013-05-10

Kế tiếp:

Nhân mới đọc được bài của ông Nguyễn Khắc Mai do các Trang nhà đồng loạt đăng tải về đề tài „Các Mác – Karl Marx“; Mình tự cảm như „cầu - được, ước - thấy“ nên post tiếp bài bàn (sơ) về Marx. (Tiếc rằng bài gốc gửi đang không còn trên mạng nên không ghi lại những góp ý của Bạn đọc, như về chữ „Rabbiner“)
Cảm ơn các Trang „thân hữu“,
Thân mến. 

Suy nghĩ về việc học và những người Thày[1]

 
1. Lời dẫn
Giáo dục, xét về hình thức, là quá trình truyền trao và tiếp thu tri thức; nhưng nếu xét riêng tri thức thì xuất xứ và điểm đến của nó lại chính là cuộc sống. Về thực chất, giáo dục là sinh hoạt tri thức và tư tưởng của cộng đồng người: có tranh đấu (tranh luận và đấu lý), thải loại, có phát triển nâng cao. Như vậy, giáo dục giống như mọi sinh hoạt khác của cuộc sống: thoáng mở và sống động; nếu có những khung khổ nào đó thì chỉ là do con người tạo ra cho nó và cũng chỉ mang tính thời gian, thời đại.
Công việc dạy và học, có thể nói, cũng xưa như loài người. Khi nhớ tưởng đến hình ảnh những già làng ngồi bên đống lửa bập bùng nơi hang động, kể cho toàn bộ tộc nghe những kinh nghiệm tìm săn con thú, kinh nghiệm vượt lũ, thoát hiểm rừng già, (1)... thì ta đã có những hình ảnh đầu tiên của việc dạy và học, hình ảnh đầu tiên của sinh hoạt thày-trò. Qua thời gian, xã hội tiến dần đến phân công lao động thì dạy trở thành một nghề trong khi đó học trở thành hoạt động suốt đời gắn chặt với những thói quen và những chủ đích cố hữu hay đổi thay nhiều ít của mỗi cá nhân. Ngày nay, khi văn minh nhân loại phát triển đến trình độ và tốc độ cao, việc học tập và rèn luyện trở thành đòi hỏi sống còn của con người; việc tìm hiểu và bàn thảo về giáo dục, do đó, cũng luôn sống động, đa dạng và chắc chắn không có điểm dừng. Mỗi ý kiến đưa ra trên một diễn đàn nào đó đều là một phần suy tư, trải nghiệm cá nhân, mong làm sáng tỏ, trước hết, cho bản thân và phần nào đóng góp cho nhận thức chung của cộng đồng. Những thiếu sót là không tránh khỏi và được tiếp thu những phê bình, bổ khuyết chắc chắn là mong đợi tâm can của người viết.
Trong phần kế tiếp, chúng tôi thử xem xét đề tài này từ việc quan sát hoạt động của người dạy (ông thày) cũng như quan hệ giữa hai thành tố của nó là thày và trò. Đây cũng là kết quả sau những lần luận bàn cùng bạn hữu; vậy trước hết xin ngỏ lời chân thành cảm ơn những người bạn cũ và mới, cũng xin cảm ơn bạn đọc đã cho cơ hội chia xẻ. Đặc biệt, người viết muốn ngỏ lời tri ân đến một bậc cao niên, xin được gọi là Thày Vũ Paris, là người đầu tiên đã kích lệ và hướng dẫn cách thức trình bày suy tư thành trang viết để hôm nay có được những dòng này; đây cũng là điều người học trò nên một lần nói ra.(2)
2. Thày cũ, trò xưa
Người dạy, ta thường gọi là "ông thày“, là những người qua nghiên cứu, tu tập tri thức rồi do nhu cầu của cuộc sống và lòng nhiệt thành mà đem kiến thức của mình truyền trao lại cho người khác. Dải phân tán (Spectrum, phổ) của khái niệm này khá rộng. Về mức thì có thể kể từ người rất ít "lên lớp“ (nhất tự vi sư, bán tự vi sư) đến người có cả ngàn trò; có người thâu lượm trò không kể hết số, nhưng có người không lên lớp ngày nào cũng vẫn được coi là "đại sư“. Về loại thì có người chỉ dạy, có người vừa dạy vừa đem thuyết của mình ra thực hành, nhưng có người chỉ tập trung trọn đời vào công việc hoàn chỉnh học thuyết; những thế hệ sau gọi họ là thày vì tiếp thu tư tưởng, học thuyết của họ để đem thực hành và ít nhiều bổ sung thêm ý kiến của mình vào học thuyết của thày.
Chúng tôi xem xét một số trường hợp điển hình là Khổng (tử) Khâu, Vương Hủ và Karl Marx. Hai vị Khổng tử và Marx đều là những nhân vật lịch sử và nổi tiếng đến mức không cần giải thích thêm. Riêng trường hợp Vương Hủ, được biết nhiều với tên Quỷ cốc tiên sinh (học sỹ hang quỷ) có thể xem là một sáng tạo văn học của Tàu, nhưng nếu coi văn học là tinh chất mang hình bóng và ấp ủ ước mơ cuộc sống thì câu chuyện về vị này cũng có giá trị để suy gẫm. Đối với tất cả các vị này, chúng tôi chỉ lược ghi những điều quan trọng và cố gắng dẫn nguồn để tiện tham khảo.
2.1. Khổng Khâu
Về Khổng tử, có nhiều sách đã viết. Tài liệu tôi có là cuốn "Khổng tử“ của cụ Nguyễn Hiến Lê: sưu tầm, trích dẫn, phân tích nhiều và dài.(3) Mới đây trong Nho giáo đại cương, tác giả Nguyễn Ước có phác thảo chân dung Khổng tử tuy giản lược nhưng cũng rõ ràng: "nghiêm nghị nhưng thích đàn, mê thơ, học rộng. Ngài triển khai Nho học, hệ thống hóa thành một học thuyết mà bản thân ngài vừa nỗ lực tìm cách ứng dụng vừa hết lòng truyền dạy cho môn đồ.“. Ở đây chỉ bàn chung về các môn học và đôi điều nhận xét về ngài.
Các môn học Khổng tử nghiên cứu và truyền dạy – "lục nghệ: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số“ – hầu như đã đi vào nền nếp tới thời của ngài. Xuất xứ và ứng dụng của các môn học (tri thức thiết yếu cho những người muốn tham chính - làm quan) xin tham khảo các tài liệu đã dẫn, chỉ xin nhận xét rằng khối tri thức mà Khổng tử để lại là khá hoàn chỉnh. Khi xem quan hệ thày-trò Khổng tử ta thấy sinh hoạt trí thức thời đó rất lý thú: không chỉ có việc người thày thuyết giảng, mà việc học trò đặt câu hỏi cũng đóng góp cho sự phát triển tư tưởng của Khổng tử; chưa kể công sức các trò ghi chép lại lời thày. (Trường hợp này cũng xảy ra đối với Cakya Mouni - Bút-đa, Bụt - khi các đệ tử kết tập kinh tạng). Sau đây xin đi sâu vào môn "nhạc“ (môn học đứng hàng thứ 2, tiếp liền "lễ“) là thứ Khổng tử rất say mê.
Khổng tử say mê nghiên cứu lễ nhạc từ nhỏ. Năm 516 trước Công Nguyên, ông tránh nạn sang Tề; "Ở Tề ông nghe nhạc Thiều của vua Thuấn, thích quá, tới nỗi ba tháng không biết mùi thịt; khen là "tận mỹ, tận thiện“, hơn hẳn nhạc Võ của Võ vương chỉ tận mỹ chứ không tận thiện.“(4). Năm 489 trước CN, thày trò Khổng tử bị người Trần, Thái (Sái) vây ở giữa cánh đồng; "bị tuyệt lương, nhiều môn sinh đau ốm liệt giường, trong khi Khổng tử vẫn thản nhiên đọc sách và gẩy đàn“(5). Đây là hoàn cảnh nguy khốn của thày trò, Khổng tử đã phải nói chuyện với từng người và đặt câu hỏi trực tiếp với họ: "Đạo của ta sai chăng?“ rồi với những dẫn dụ thích hợp, ông cố gắng làm họ bình tĩnh xét suy để giữ niềm tin. Cuối đời, ông tập trung vào việc sắp đặt tài liệu, viết sách và san định Kinh Nhạc. Ông bàn về nhạc với nhạc quan nước Lỗ (6): "Có thể biết được phép tấu nhạc: Mới đầu các âm thanh phấn khởi nhiệt liệt; rồi tới lúc khai phóng thì các âm thanh thuần nhiên điều hoà, rõ ràng, lại liên tục nhau, như vậy là thành một khúc“. Nhờ công đính chính của ông, "nhạc Nhã và Tụng được diễn tấu đúng âm luật“.
Tại sao chúng tôi tách riêng và xem xét hoạt động của Khổng tử về bộ môn nhạc? Ngoài việc nhạc đi liền với các hình thức lễ hội, những nghiên cứu mới đây cho biết vai trò to lớn của âm nhạc đối với cuộc sống con người cũng như trong giáo dục. Thời Khổng tử tất nhiên chưa có những nghiên cứu thực nghiệm; nhưng qua kinh nghiệm mà người xưa đã nắm bắt tác dụng của ca nhạc và ứng dụng vào đời sống như thế thì thật là điều đáng ngạc nhiên. Nghiên cứu bộ não, ngày nay ta biết mỗi vùng của nó liên quan đến một phần nhất định của cơ thể và hoạt động của phần này. Con người luôn gảy đàn bằng tay phải và nhấn nốt bằng tay trái vì não bộ có hai vùng điều phối âm thanh và nhịp điệu khác nhau. Xét toàn thể, thì khi một vùng hưng phấn, những vùng khác (chi phối các hoạt động khác) bị ức chế. Chẳng hạn khi hát lên, ta thấy cảm giác sợ hãi giảm thiểu; đó chính là do hoạt động của vùng "âm nhạc“ đã lấn át vùng "âu lo“. Trong hoàn cảnh bị vây giữa đồng mà Khổng tử vẫn gảy đàn là đang thực hành kinh nghiệm đó chăng? Tác dụng này, ngày nay, còn được ứng dụng cho nhiều trị liệu và cả trong việc học ngoại ngữ bằng cách nghe băng phát trong lúc ngủ, vân vân.(7) 
Phần Khổng tử xin chỉ được trình bày đủ để chứng tỏ ông là nhà nghiên cứu, học rộng và sâu, một ông thày tận tâm với nghề và người, đồng thời sinh hoạt học thuật của thày-trò cũng thật là khoáng đạt và dân chủ; còn việc cố gắng thực hành của ông thì cụ Nguyễn Hiến Lê đã viết và bình rất sâu sắc.
2.2. Vương Hủ
Quỷ Cốc tiên sinh (8) có mấy thứ học vấn:
1. Số học: nhật nguyệt tượng vĩ thu cả trong lòng bàn tay; xem trước đoán sau, nói gì cũng linh nghiệm;
2. Binh học: lục thao tam lược biến hoá vô cùng, bày trận hành binh quỷ thần không biết;
3. Du (thuyết) học – (Rhetorik): nhớ rộng nghe nhiều, hiểu rõ lý thế; buông lời hùng biện, muôn miệng khôn đương;
4. Xuất thế học: giữ toàn chân tinh, luyện thuốc nuôi mình; không ốm không chết, đắc đạo thành tiên.
Mục đích dạy học của tiên sinh là "gây dựng một số nhân tài giúp việc cho 7 nước“, nhưng tối hậu là "siêu độ cho mấy người đệ tử thông minh, cùng về tiên cảnh“ (Lên tiên cảnh cũng sợ buồn, mong có bạn; đúng là chuyện Tàu!). Học trò nổi tiếng gồm: Tôn Tẫn, Bàng Quyên học binh pháp; Trương Nghi, Tô Tần học du thuyết. Diễn tiến công việc học hành được kể rất hay, xin không vụng về ghi lại. Người viết chỉ dẫn ra để chỉ rằng có những "tuỳ chọn“ (option) mà người học trò hướng vào tuỳ căn cơ của mình. Thí dụ Bàng Quyên: học hơn 3 năm đã cho là giỏi, nghe nước Nguỵ cầu hiền thì muốn xuống núi tỏ tài, "cầu lấy giầu sang“. Tôn Tẫn do được thày thấu tỏ "lòng trung hậu“ nên được trao 13 thiên binh pháp là cuốn sách tiên sinh "chưa từng cẩu thả giao cho ai“. Đây là hai trò đồng môn và thân thiết; tuy nhiên khi vào đời, vì ganh ghét mà họ đã tàn sát nhau khốc liệt. Xem ngẫm gương này, Quỷ Cốc tiên sinh dặn dò Tô Tần, Trương Nghi trước khi xuống núi:
- Ta xem hai trò Tôn, Bàng thế không dung nhau được, tất sẽ có việc làm hại nhau. Còn hai trò mai sau tưởng cũng nên nhường nhịn để thành danh dự và giữ toàn cái tình đồng học ngày nay.
Vì lời đó của thày chăng, mà Tô Tần, Trương Nghi sau này không hại nhau tàn khốc? Và có phải vì nhân tình như thế, "sau đó vài hôm, tiên sinh cũng bỏ Quỷ Cốc đi mất. Có người nói là tiên sinh đã thành tiên xa lánh cõi trần“? Nếu thật như thế thì "lên tiên“ thực ra là do thất vọng và thất bại! (9) 
Như vậy, từ cách dạy kinh điển (trực tiếp) của 2 vị này ta thấy ngoài việc trao truyền tri thức, quan hệ thày-trò gần gũi có ảnh hưởng đến tư cách rất lớn. Cũng do hiểu nhân cách học trò, người thày còn có những giáo chỉ hướng nghiệp cụ thể cho từng người. Cách học này đã phát huy hết công năng hiệu dụng của giáo dục vậy! Tuy nhiên càng về sau, việc "định hướng tuỳ chọn“ càng được ưa dùng. Do muốn đi sâu và nhanh một chuyên môn để sớm ứng dụng mà thâu lợi? Do căn cốt tầm thức mỗi người? Sự định hướng lớn nhất chính là chuẩn hoá Nho học từ đời nhà Tống để môn này không còn như nguyên thuỷ của nó. 
2.3. Karl Marx (10)
Karl Heinrich Marx là nhà triết học và nhà kinh tế quốc dân (Nationalökonom) - người sáng lập chủ nghĩa Marx (Marxismus), sinh tại Trier ngày 5 tháng 5 năm 1818; mất tại London ngày 14 tháng 3 năm 1883. Bố mẹ của Marx, cả hai người đều xuất thân từ những gia đình Rabbiner (11) truyền thống; cha Marx, Heinrich Marx, là luật sư; năm 1824 cùng với gia đình của mình nhập giòng Tin lành. Sau khi hoàn thành chương trình đại học tại Berlin, Marx đi sâu vào nghiên cứu triết học Hegel. Các năm 1842-3 ông làm chủ bút tờ "Báo Sông Ra-in (Rhein)“ cho tới khi tờ này bị đình bản (cấm); lúc này, ông có quan hệ với A. Ruge, L. Feuerbach, M. Hess. Năm 1843 ông thành hôn với Jenny von Westphalen. Do ảnh hưởng của Feuerbach, ông từ bỏ Hegel và triết học duy tâm và từ năm 1843 (xuất bản „niên giám Đức-Pháp“ tại Paris trong sự quen thân với Heinrich Heine), ông chuyển sang nghiên cứu chủ nghĩa xã hội. Cũng trong thời gian này, ông quen thân và cộng tác với F. Engels. Sau khi bị trục xuất khỏi Paris, Marx chuyển đến Brussel. Sau cuộc luận chiến với Feuerbach, Hegel và những khuynh hướng xã hội chủ nghĩa tự do vô chính phủ của những thành phần tân-Hegel và những nhà xã hội chủ nghĩa Đức, Marx cùng Engels xây dựng "chủ nghĩa xã hội khoa học“ thành nền tảng cho học thuyết sau này của ông; ông tham gia cuộc đấu tranh chính trị của phong trào công nhân và, năm 1847, gia nhập "liên minh những người cộng sản“; bản "tuyên ngôn cộng sản“ được ông cùng Engels viết cho liên minh này. Năm 1848, bị trục xuất khỏi Brussel, ông trở về sống một thời gian ngắn tại Cô-lô-nhơ (Köln); tại đây ông biên tập "báo sông Ra-in mới“ (1848-49). Marx sống ở London từ năm 1849 đến lúc qua đời.
Những năm đầu tiên ở London còn mang dấu ấn của cuộc luận chiến với cách mạng; Marx cho xuất bản tại Paris "tạp chí sông Ra-in mới“ (đăng tác phẩm "những cuộc chiến giai cấp ở Pháp“) và viết nhiều bài cho tờ "Diễn đàn New York“ về chính trị và kinh tế thế giới. Sau thời gian đó, Marx trước tác những tác phẩm cơ bản trong hệ thống học thuyết khoa học thực sự của riêng mình: "Góp phần phê phán chính trị kinh tế học“ (1859) và trên hết là tác phẩm "Kapital – Luận về Tư bản“ (tập 1 xuất bản năm 1867; các tập 2 và 3 do F. Engels xuất bản vào các năm từ 1885 đến 1894). Một số văn bản của Marx được công bố sau khi ông mất: "Bản thảo kinh-triết“ (1932), viết năm 1844; "Cơ sở phê phán chính trị kinh tế học“, sơ thảo 1857-58 và sau đó đưa đến những diễn giải mới.
Marx giữ vai trò chủ chốt trong Quốc tế thứ nhất là tổ chức có ảnh hưởng đến trào lưu dân chủ xã hội (Sozialdemokratie) Đức thuở đầu. Marx phê phán mạnh mẽ chương trình Gô-tha của phong trào này và ông năng nổ đấu tranh chống các trào lưu trong phong trào công nhân (Bakunin). Các tác phẩm của Marx được tái bản nhiều lần trong nhiều ngôn ngữ và nguồn chính xuất phát từ viện Marx-Lenin ở Moskwa. Năm 1953, nhà nước Cộng hoà Dân chủ Đức sáng lập huân chương Karl Marx.
Các tác phẩm chính của Marx gồm:
Góp phần phê phán triết học tả khuynh Hegel (1843/44);
Gia đình thần thánh, hay: Phê phán sự phê phán có tính chất phê phán (1845, viết cùng Engels);
Hệ tư tưởng Đức (1845, ...);
Sự bần cùng của triết học (1847);
Lao động làm công và tư bản (1849);
Lý thuyết giá trị thặng dư (khởi thảo 1861-64, xuất bản 1905-10).
Từ những điều rất cô đọng về Karl Marx trên đây (giản yếu hành trạng) ta có thể thấy Marx là một nhà nghiên cứu và hành động với bộ óc và sức làm việc vĩ đại. Trái với một số nhận định quá đáng về học thuyết của ông (như "đã bị lịch sử đào thải, vứt vào sọt rác“, v.v.), trong thực tế các tác phẩm của ông vẫn được nghiên cứu, bàn thảo. Ở nước Đức, trong mấy năm gần đây, ông vẫn đứng trong "top ten“ những nhân vật lớn. Vậy chúng ta có thể và có quyền đánh giá về ông như thế nào?
Có nhiều nhân vật lớn tự nhận và cũng được tôn vinh là "học trò của Marx“; như Lênin hay Mao Trạch Đông, etc. Những người này có nhiều tác phẩm lớn được gọi là "đóng góp vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Marx“; nhưng trong thực tế thì những việc ứng dụng học thuyết (nhà nước sowjet chuyên chính vô sản với tập thể hoá, chính quyền công nông với đại nhảy vọt và cách mạng văn hóa, v.v.) chỉ là những thử nghiệm với kết quả không mấy tốt đẹp. Trong khi đó, chủ nghĩa tư bản (là đối tượng phê phán của Marx) đã tiếp thu sự phê phán đó (với tinh thần phê phán!) và tự chỉnh sửa để có tính nhân bản hơn. Với chúng tôi, nhìn nhận từ góc độ một nhà nghiên cứu và tác dụng học thuyết của ông đối với thế giới, cũng có thể coi Marx là một ông thày lớn của nhân loại. 
Nhìn chung, các tư tưởng, học thuyết mà con người tạo dựng thật là nhiều và đa dạng. Xem thày, xét trò cũng là sự cần thiết trong học hỏi. Chọn cho mình một tư tưởng để đi theo luôn là điều quan trọng; lại càng khó khăn khi đó là lựa chọn cho một cộng đồng lớn như quốc gia, dân tộc.(12) 
3. Đôi điều tạm kết
Như đã trình bày: "giáo dục là sinh hoạt tri thức và tư tưởng của cộng đồng người; bàn thảo về giáo dục luôn sống động, đa dạng“; để tạm kết, người viết muốn nêu lên suy nghĩ về mấy điểm người nghiên cứu và tìm học có thể cần lưu tâm.
Người Việt thường mang tâm lý yếm thế rằng nền văn hoá, văn minh Việt tộc là thành phẩm giáo hoá của người Tàu. Có nhiều nỗ lực chứng minh văn hoá Việt tộc (hiểu là các dân tộc trên đất nước Việt Nam) có nguồn riêng và thậm chí còn là nơi phát tích của văn minh Trung hoa; nhưng cái tâm lý yếm thế nói trên vẫn ám ảnh đến mức tách biệt ngôn ngữ, văn tự của ta thành phần Hán hay Nôm để so đo bình giải, v.v. Vậy chúng ta nhìn vấn đề này thế nào cho hợp tình hợp lý?
Ta biết tư duy tri thức lấy ngôn ngữ làm công cụ và trong ngôn ngữ thì chữ viết là ký tự hiển thị cho nó. Nếu người Việt cổ chưa có được chữ viết riêng (tự hào và tự tin thêm một chút để cho rằng tổ tiên ta đã có chữ viết nhưng đã bị mai một đi) thì cái gốc là tư duy tri thức vẫn muôn đời hiện hữu. Trong tiến trình lịch sử, nếu trong trường hợp cụ thể mà ta dùng loại ký tự nào đó làm công cụ tư duy và lưu trữ trí thức thì hoàn toàn không phải ta không có hoặc đánh mất cái gọi là "bản lai diện mục“. Thực tế là chúng ta đã dùng chữ Hán rất tốt trong khi sáng tạo chữ Nôm để ghi lại một cách sát hợp hơn những công trình thơ văn, ca ngữ. Ngày nay ký tự chính thức ta dùng là chữ latin dạng (version) việt ngữ. Trong tất cả những dạng ký tự đó, chúng ta vẫn thấy rõ những giá trị tư tưởng và văn hoá đặc thù của văn hiến Việt Nam. Như vậy việc tiếp thu những di sản như chữ Hán, chữ Pháp, etc. là điều hiển nhiên không cần có chút bận tâm; việc đó chỉ làm phong phú thêm cho văn hoá của ta mà thôi.(13)
Điều thứ hai là: tri thức là tài sản của toàn thể nhân loại, việc tiếp thu những thành trựu tri thức và văn hoá của toàn nhân loại là như cầu và đòi hỏi của mỗi con người và từng dân tộc. Con người giao lưu tranh đấu với nhau nhưng cũng học hỏi nhau rất nhiều; có thể nói giao lưu để học hỏi và giao lưu cùng với học hỏi là điều kiện để tồn tại và phát triển. Nếu châu Âu, qua các thày tu Thiên chúa giáo, không tiếp thu con số "không“ của Ấn độ thì khoa học khó có thể tiến tới ngày nay; nếu Heinrich-Hải-hành-gia của Bồ đào nha không học cách chế thuyền buồm chạy ngược gió của ngư dân A-ráp để có được những chuyến thám hiểm bờ tây châu Phi (1418) đầu tiên thì thế giới không thể rộng mở để các vùng miền vẫn cứ như giếng nhỏ giam hãm con người; vân vân. Chính cha ông chúng ta từng để lại những bài học giản dị và thấm thía:
Ở đời muôn sự là chung,
Hơn nhau ở chữ anh hùng mà thôi!
"Anh“ là trí tuệ và "hùng“ là sức mạnh. Không có trí tuệ thì không có sức mạnh và sức chỉ mạnh khi biết gồm thâu trí tuệ muôn người. Cha ông ta cũng dạy:
Mạnh, là mạnh cả bè,
Mạnh chi cây nứa le te một mình.
Để sức mạnh "cây nứa“ đạt tới sức mạnh của "bè“ cần có sự kết nối bằng trí tuệ vậy! (14) Nghĩa là điều quan trọng là chúng ta cần tiếp thu tất cả các nguồn tri thức của nhân loại để gom thành sức mạnh cộng đồng hầu sống còn trong thế giới cạnh tranh khốc liệt ngày nay. Ý nghĩa của việc dạy và học là như vậy; công của thày (lập thuyết và diễn giải thuyết), sức của trò (tiếp thu, thực hành, phát triển) cũng chỉ nhằm đến mục đích ấy mà thôi!
Cuối cùng, về văn hoá Việt Nam, chúng tôi có cảm nhận rằng những gì cha ông để lại thường là trong dạng thức giản đơn nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa. Đối với việc học, có thể dẫn ra hai câu: Không có thày đố mày làm nên, và Học thày không tày học bạn. Chúng tôi hiểu ý nghĩa những lời đó là nhân loại cần có những người nghiên cứu đúc kết tư tưởng và truyền trao chúng (thày); nhưng trong quá trình học hỏi, con người cần suy nghĩ và trao đổi (với bạn) để lý thuyết trở thành tư tưởng sống động của cộng đồng. "Khư khư tự buộc lấy mình vào trong“ (Kiều) một lý thuyết nào đó thì cũng là một dạng thức của nô lệ và sẽ khó xoay trở trong tiến trình lịch sử. 


(1) Tất nhiên từ "những bài học trong trường“ như vậy đến khi những đứa trẻ của bộ lạc có được kinh nghiệm và thành thạo trong những cuộc chiến sinh tồn thực sự còn là con đường dài cần rất nhiều học hỏi và chiêm nghiệm; nhưng những sự khởi đầu này là rất cơ bản và gần gũi với cái ngày nay ta gọi là "giáo dục và đào tạo“.
(2) Trong giòng hoài niệm, người viết kính cẩn ghi nhớ hình ảnh những người Thày đầu tiên của mình như vị trưởng lão nho học trong làng đã đảm trách công việc gõ vào đầu thế hệ mình những chữ a-bê-xê-... cùng cách ghép chữ, đánh vần; ghi nhớ công lao của thày Tạ Quang Bửu mà không có tư duy của thày thì lớp học sinh nghèo chúng tôi đã khó có cơ hội học tiếp và học thêm.

(3) Khổng tử, Nguyễn Hiến Lê, nxb. Văn Hoá 1996
(4) Khổng tử, sđd, trang 42-3
(5) Khổng tử, sđd, từ trang 67
(6) Khổng tử, sđd, trang 81
(7) Một kỷ niệm: Trong giờ ngoại khoá về âm thanh học ở trường đại học, một giáo sư vật lý nói: Những hợp âm là hoà hợp giữa các âm loại với tần số có tỷ lệ nhất định với nhau. Các âm cao thấp thể hiện sự đối nghịch là cơ sở cho phát triển, như quan điểm của Marx. Bao giờ sau những đối kháng âm tần là đến giai đoạn âm thanh hoà hợp; nó là cái về sau này được đưa lên thành quy luật cấu tạo một bản nhạc: T-D-T, tức là Tonic (thuận nhạc) – Dissonnance (Nghịch nhạc) – rồi lại quay về Tonic (thuận nhạc) [VTH]. Nghĩ lại điều này, tôi luôn ngạc nhiên về việc rút ra liên hệ giữa những cái ... xa lắc xa lơ (âm nhạc - chủ nghĩa Marx) mà không phải không có lý!
(8) Đông chu liệt quốc, nxh Tp. HCM, 1989 T.VI, từ trang 113
(9) Nguyễn Khuyến:
Ai chẳng biết chán đời là phải,
Sao vội vàng đã mải lên tiên....

(10) Có nhiều tài liệu về Karl Marx, kể cả trên những trang web rất dễ tiếp cận. Phần kế tiếp, chúng tôi dịch từ mục "Karl Marx“ trong Bách khoa toàn thư Brockhaus tiền tập, tập 3/5, trang 496-7; bản tiếng Đức.
(11) Jüd. Prediger und Seelsorger: đạo thuyết gia và cha chăn (chăm nom phần hồn) dòng Do-thái.

(12) Có một nhận xét cần suy nghĩ: Chủ nghĩa Mác, đối với chúng ta cũng giống như một chiếc cẩm nang cho người đi đường... (người viết hiện không có tài liệu chính xác nên không dẫn nguồn cụ thể, nhưng tin rằng nhận xét nổi tiếng này được nhiều người biết). "cẩm nang“ có thể được hiểu là những giải pháp cấp kỳ, chiến thuật chứ không phải thứ "nhất thành bất biến“.
(13) Có thể tham khảo thêm bài viết mới đây về đóng góp của đạo Thiên chúa (chữ quốc ngữ) trong phát triển văn hoá Việt Nam, Hội nghị Việt Nam học 3, Hà Nội 2008; nguồn BBC Việt ngữ.
(14) Từ triết lý giản đơn này có thể suy luận và rút ra nhiều điều.
Người phương tây có câu tương tự:
A unique System so much more than the Sum of its Parts.
Ein System ist mehr als Summe allen Elementen.

Sự nối kết các thành tố để tạo tính cố kết (Solitarität, kết đoàn) có thể thông qua 2 hình thức: dính/bám kết (Adhäsion) và liên kết (Kohäsion) trong đó nối/dính kết có tính bề ngoài còn liên kết có liên hệ nội tại. Về mặt xã hội, kết đoàn theo hình thức thứ nhất mang tính cơ hội và rất dễ tan rã - điều thường thấy ở người Việt Nam. Nối kết nội tại (trên cơ sở mục tiêu, lý tưởng) là bản chất các hội đoàn và đạt được trong những xã hội dân chủ có nền văn hoá cao. Trong các hội đoàn, con người có điều kiện trưởng thành (về mặt xã hội) nhiều hơn; qua các hội đoàn mạnh, quốc gia có sức mạnh lớn hơn.
 


[1] Đàn Chim Việt đăng ngày 26.12.08

17:08, 2013-05-09
Lời dẫn:
Tiếp tục công việc „đọc lại và hoàn thiện“, xin post tiềp bài này để dần dần đưa „Thẻ-Seite“ này về riêng cho BTP.
Cũng là tiện cho việc dẫn ý tưởng khi tham gia trao đổi cùng „Thân hữu“.
Trân trọng.

Nhận thức và thời cuộc [1]

Dẫn
Viết, điều quan trọng nhất là được trao đổi suy tư, tình cảm; và điều „được“ lớn nhất là nhận về những lời khuyên. Lời khuyên giá trị nhất cho bài „Biên cương“ là những giòng sau đây của ông Nguyễn Vân (xin được trình bày ở dạng „chuẩn“[2], theo cách hiểu của tôi): Thay vì khóc lóc, buồn tủi và than vãn, nên tự cá nhân hãy dạy con cháu mình làm được như ông Tàu này thì ngày đó Trung Quốc sẽ không ăn hiếp Việt Nam. en.wikipedia.org/wiki/Qian_Xuesen
Tôi đã theo chỉ dẫn và vào wikipedia, tiếng Anh, để đọc ông Qian_Xuesen (Giang Học Sơn?). Với vốn tiếng Anh bằng C Hà Nội bổ túc (nghĩa là kém „chuyên tu“ hay „tại chức“ [3]), tôi cũng tạm hiểu được nội dung: Ông Giang Học Sơn sinh năm 1911 tại Hàng Châu, con một viên chức trong bộ đại học Bắc kinh; năm 1934 tốt nghiệp Đại học tổng hợp Jiao Tong Thượng Hải, năm 1935 rời Trung Quốc và sang nghiên cứu tại MIT, Mỹ. Năm 1936 đến Caltech và 1939 bảo vệ luận án tiến sỹ rồi ở lại đó 20 năm; nhận danh hiệu giáo sư và trở thành một trong những nhà khoa học dẫn đầu về tên lửa. Năm 1943, ông cùng 2 nhà khoa học khác của Caltech soạn thảo các tài liệu đầu tiên dưới tên gọi „hoạt động của các động cơ phản lực“ (Jet Propulsion Laboratory) - đề án dùng trong quân sự để đáp lại chương trình tên lửa V-2 của Đức. ... Năm 1950 ông xin nhập quốc tịch Mỹ, bị từ chối vì bị coi là một người cộng sản và bị giam giữ. Năm 1955, ông được trả  tự do và trở về Trung Quốc theo chương trình trao đổi tù binh bị giam giữ ở Trung Quốc sau chiến tranh Triều Tiên. Năm 1958 ông gia nhập đảng Cộng sản. Cũng năm này, ông hoàn tất chương trình tên lửa đạn đạo „Đông phong“ thành tựu vào năm 1964, trước khi Trung Quốc thử thành công vũ khí hạt nhân... Ông tham gia xây dựng nền giáo dục trình độ cao nhằm đào tạo những nhân tài khoa học và công nghệ cần thiết tuyệt đối cho phát triển kinh tế, quốc phòng và đào tạo khoa học và công nghệ học... Đó là lược ghi những điều quan trọng - một tài liệu giá trị và hấp dẫn; Vậy còn gì để nói thêm?
Trước hết, do công việc liên quan chút ít đến kỹ thuật, tôi rất ít tham gia các diễn đàn văn hoá hay chính trị. Vì thích đọc nên (đôi lúc, cực chẳng đã mà) phải viết; đến khi thấy được công bố thì lòng vui lắm (khó ngủ ít nhiều dù không thể bỏ ăn). Không dám nói rằng viết được câu văn „như máu chảy trên đầu ngọn bút“[4], nhưng những gì viết ra thì phải thật là cẩn trọng như trực diện với bạn đọc - những người mình yêu thương, trân kính. Buông câu cảm thán hay ngỏ lời sầu muộn cũng không thể cẩu thả để mua não chuốc phiền cho chúng tha nhân![5] Chủ đích là như thế, nhưng „lực bất tòng tâm“, biết làm sao?
Thứ hai, trong cái sự đọc và viết, thường được nghe: trong chữ có chữ, sau chữ có chữ mà giữa các giòng chữ nhiều khi cũng có những điều khác nữa. Nói cho hình ảnh thì từ những ngoằn nghoèo của các đồ thị phương trình, ta có thể dẫn ra đạo hàm các bậc để thu được tầng tầng ý nghĩa. Giải bình và trao đổi về các ý nghĩa đó chính là hương vị của bàn tiệc văn chương; nó hấp dẫn đến mức những người „dựa cột“ lâu ngày (như người đang viết) cũng có lúc phải bật ra ít lời „thưa thốt“.
Trân trọng cảm ơn ông Nguyễn Vân về lời khuyên, cũng là cơ hội để trao đổi thêm. 
Nhập
1. Đôi lời hồi đáp
Tạm dùng tiêu đề này để giải thích tại sao tôi viết „Biên cương“ có chút vị buồn.
Nguyên, trong phiên bản đầu tiên có phần đề tựa:
Thương tặng hương hồn Em trai, chiến sỹ Quân đội Nhân Dân Việt nam, cùng đồng đội hy sinh trên biên giới phía bắc tháng Tám năm 1979;
Kính cẩn tưởng nhớ các chiến sỹ Quân đội Nhân Dân Việt Nam hy sinh tại Trường Sa trong cuộc chiến chống quân bành trướng Tàu năm 1988;
Kính cẩn tưởng nhớ các chiến sỹ Hải quân Quân lực Việt Nam Cộng hoà hy sinh tại Hoàng Sa trong cuộc chiến chống xâm lược Trung Quốc năm 1974.
Ngày Rằm tháng Chạp năm Mậu Tý (2009-01-10)
Đó là tình cảm riêng mà cũng là sự chia sẻ chung. Thế rồi xem lại, người viết tự hỏi: Ta có quyền dùng những sự thật đau thương này để làm tăng giá trị cho những giòng viết của riêng ta? Rồi đọc thêm thì thấy bóng ma hận thù Quốc-Cộng như còn ngùn ngụt phủ lấp tầm nhìn, bịt kín lối ra. Những người ngã xuống cho quê hương hình như chưa được tất cả chúng ta nhớ tưởng và trân kính như đúng đạo, dù người sống đã cố lập đàn „chẩn tế giải oan“. Đó chính là lý do của nỗi buồn lo, là điểm yếu lớn nhất của người Việt hiện thời; là cơ sở để người Tàu lợi dụng và ăn hiếp.
Việc đưa trở lại phần đề tựa và sự bổ sung này chỉ là cho hết cái ý muốn trình bày và hy vọng cùng thấy „thời gian đã đủ dài“ (hơn 30 năm rồi!) để những bóng ma „quốc gia“, „cộng sản“ được đưa vào quá khứ. „Lưu Cung tham công bị thất bại, / Triệu Tiết muốn lớn phải tiêu vong“ (Đại cáo bình Ngô) - Tất cả những mưu đồ lấy công trạng làm chỗ dựa cho quyền-lợi, những ý tưởng „muốn lớn“ hơn Dân tộc và Nhân dân (để „dẫn dắt“) đều thiển cận và có hại.[6] 
2. Con đường nhận thức
Nhưng chúng ta nhìn nhận về đất nước và con người Trung Quốc thế nào?
Nhà khoa học Mỹ Jared Diamont bỏ ra hơn 30 năm nghiên cứu sự phát triển và cọ xát của các nền văn minh (Kampf der Zivilisation) để rút ra kết luận: Các nền văn minh lớn có 3 yếu tố chung: Một nền kỹ thuật tiến bộ, Một khối lượng dân lớn và Một sự tổ chức lao động tốt [7]. Trung Quốc đã có đủ những yếu tố ấy và nền văn minh Trung Hoa xứng đáng được nhân loại tôn vinh. Bản thân người viết cũng (đã và đang) là một „phen - fan“ của Thuỷ hử, Tam quốc chí, Đông Chu liệt quốc, .... Văn hoá Việt Nam không thể chối bỏ phần chữ Hán. Vậy thì sao cứ phải „chạnh họe“ dài dài? Một thời khốn khó, có người than: Ở cạnh thằng Tàu thật khổ; phải chi là con thuyền thì rời quách đi chỗ khác. Thật là bế tắc! Nhưng tại sao cả ngàn năm ông cha chúng ta đã có thể tồn tại và xây dựng nên một giang sơn tươi đẹp và vững chãi như vậy? Tại sao đã có thể làm cho „sử tri nam quốc sơn hà chi hữu chủ“? Cái thời chúng ta là thời lụn bại đến thế rồi sao? Chẳng lẽ „hào kiệt đời nào cũng có“ mà ngày nay thì chẳng còn ai? ...
Giải đáp những điều đó, chỉ cho mình thôi, cũng cần rất nhiều thời gian. Phải tìm hiểu cơ cấu hình thành ý thức, cơ chế phát triển tư duy cũng như việc phát sinh tư tưởng, vân vân. Lịch sử và thực tế đều cho thấy khả năng tư duy của người Việt không thua kém các chủng tộc khác. Chúng ta có thể tiếp thu và sáng tạo những tri thức để sinh tồn và phát triển; có thiếu chăng chỉ là quyết tâm vươn vượt mà rõ ràng trong thế giới ngày nay trở nên vô cùng quan trọng. Say mê chiến thắng, ngủ quên trên vinh quang ảo thì quả báo không bao giờ chậm trễ trong phận sự của nó. Đó cũng là „biện chứng“ mà các „đỉnh cao trí tuệ“ nên biết đến! Dân số gần trăm-triệu cũng là đủ lớn, nhưng bán nguyên liệu và gia công thì không phải là „nền kỹ thuật tiến bộ“ và lâu dài; Nhất là bộ máy song trùng (đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý) để sống bám vào cơ chế tham nhũng thì không phải là „cách tổ chức lao động tốt“![8]
Trong nhận thức của tôi, văn hoá Hán tộc và văn minh Trung Hoa cần được đối sử bình đẳng như những nền văn hoá khác: không nên coi thường miệt thị nhưng cũng không được kinh sợ quỵ luỵ; đó là thành tựu của nhân loại nói chung và cũng có phần đóng góp của các tộc người Việt. 
3. Cái nhìn thời cuộc
Thời cuộc là sự phát triển của lịch sử. Vậy lịch sử nhân loại phát triển ra sao và „thời cuộc“ ngày nay là gì? Xin tóm lại những suy nghĩ tản mạn.
Con người là sinh vật có bản tính xã hội; do khả năng này nó tồn tại (chống được thú dữ mạnh hơn) và phát triển (tổ chức sản xuất). Do tính xã hội, con người tiến tới các cộng đồng để thành quốc gia; trong quá trình này, nó phát triển các hình thức chuyên chế toàn trị: chuyên chế toàn trị thích hợp cho việc làm chiến tranh mở nước và giữ nước.[9] Nhưng lịch sử loài người cũng cho thấy văn minh không chỉ phát triển nhờ chiến tranh. Nền văn minh Maya (Trung Mỹ) đã tồn tại trong cả ngàn năm hoà bình; nó phát triển nhờ giao thương buôn bán. Thế giới ngày nay là sự cạnh tranh và dần dần thắng thế của các xã hội đa nguyên dân chủ đối với các thể chế toàn trị kinh điển. Trong khi các chế độ dân chủ đa nguyên đang tự hoàn chỉnh thì những chế độ toàn trị đang tìm đường cải biến và giữ sỹ diện (cũng như quyền lợi) bằng lừa dối và trấn áp.[10]
Đây chẳng phải điều gì mới mẻ mà chính là nội dung gồm chứa trong lời Trần Hưng Đạo: Khi giặc „kéo đến vây bọc“ thì „vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước đấu sức lại mà đánh“; khi „bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc“. Tất nhiên „khoan sức dân“ chưa thể là „dân chủ“ như ngày nay, càng chưa phải „đa nguyên“; nhưng nội hàm thì đã có thể coi là rất nền tảng. Chúng tôi trích lại lời dạy này nhiều lần vì thấy thật tâm đắc và rất đáng để trao đổi. Có thể xác nhận rằng đến được kết luận đó cũng là điều đáng tự hào của trí tuệ tiền nhân. 
Kết
Xin nương bóng người xưa để có ít lời kết luận.
Sử ghi: „Hưng Đạo Vương làm quan đến đời vua Anh Tông thì xin về trí sĩ ở Vạn Kiếp. Khi ngài sắp mất, vua Anh Tông có ngự giá đến thăm, nhận thấy ngài bệnh nặng, mới hỏi rằng: "Thượng phụ một mai khuất núi, phỏng có quân bắc lại sang thì làm thế nào?". Hưng Đạo Vương tâu: ... ".
Chúng tôi suy nghĩ rằng nếu vua Trần không đến thăm thì Hưng Đạo vương có thổ lộ những lời này để cho chúng ta ngày nay được biết hay không? Ngoài những cung cách suy tư nặng tinh thần trách nhiệm của những bậc đương quyền thời đó, chúng ta thấy cái đức cao vòi vọi của bậc đại trí thức Trần Quốc Tuấn. Từ việc chối bỏ hận thù, từ việc vì đại nghĩa mà xoá tan hiềm khích cá nhân, đến việc trao lại những lời tâm huyết khi sắp khuất, Ngài là vị Thánh thực sự chứ không phải được dựng lên bằng tiểu thuyết [11]. Lời Người là chứa đựng suy tư suốt đời của một anh tài, nhưng chỉ được nói ra khi có người đến hỏi; vì Người biết chỉ có như thế lời nói mới được nghe theo.
Đất nước hạnh phúc khi có người dám nói và có người biết lắng nghe! 
Nước Đức, những ngày đầu năm Kỷ Sửu 
© 2009 Đàn Chim Việt

[1] Bản gốc; Bản Đàn Chim Việt có biên tp ít nhiu
[2] Bỏ thêm dấu cho đúng ngôn ngữ tiếng Việt.
[3] Các diện đi học được giữ nguyên lương, để nâng cao trình độ và lên chức vị; đã có câu: „dốt chuyên tu, ngu tại chức“. „bổ túc“ tự trả tiền, thua các diện này và ... chẳng để làm gì.
[4] Phương ngữ: Một lời nói - Một đọi máu.
[5] Tục ngữ: Chó ba quanh mới nằm, người ba lăm (le) mới nói – Đã có lần thấy bàn về tính khoa học của câu này.
[6] „Đổi mới“ là sự thừa nhận thất bại và tìm con đường về lại với Nhân Dân.
[7] Ông Giang, theo dẫn của ông Nguyen Van, đã tiếp thu thành quả của văn minh Mỹ để trao dồi tri thức. Kiến thức của ông ta được dùng vì không bị bỏ chung vào sọt „không bằng cục phân“ của Mao Trạch Đông. Cách dùng người này gọi là „nhiếp tinh tiểu pháp“: thu cái tinh hoa về để dùng, thế thôi; nó khác cái „nhiếp tinh đại pháp“ của Mỹ là tạo ra đất cho tài năng đến phát triển và sinh hoa kết trái. Cho nên lời khuyên của ông Nguyen Van là trao dồi tri thức thì cũng là cách tốt để được có người dùng. Tôi đã có bàn qua ở các bài trước rằng sức mạnh quốc gia là sức mạnh tổng hợp tài trí của mọi thành phần (cái bè) và có lẽ cũng là cái những thành viên của đàn chim Việt quan tâm. Xin cám ơn ông Nguyen Van đã nhiệt tình chỉ dạy „Thay vì..., hãy...“ và cũng xin mạnh dạn trao đổi cùng ông ít điều ngắn gọn.
[8] Cung cách của „ông“ Tàu và „Ta“ cố bám theo.
[9] Tôi nghiệm điều này để giải thích tại sao „Quốc gia“ (Việt Nam Cộng hòa) đã thua và „Cộng sản“ đang thất bại: Nền dân chủ (trình độ thời đó) của VNCH không phải cái thích hợp cho chiến tranh và „chuyên chế toàn trị“ ngày nay là „phản động“ trong phát triển hoà bình. Tình thế này của ta có thể dùng câu của cụ Nguyễn Du để diễn tả: Ma đưa lối, quỷ dẫn đường, / Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.
[10] Tất nhiên đổ hết cho „nó“ là điều bất công; nhưng lý giải cho hết (cùng kỳ lý) thì khá dài và hy vọng được trình bày trong một dịp khác. Vì lịch sử là quá trình chuyển đổi và phát triển biện chứng nên không bao giờ có cái gì gọi là toàn thiện (Nhân vô thập toàn); Tuy nhiên xu thế vẫn là từ „Toàn trị“ đến „Dân chủ“.
[11] „Quan Công hiển thánh“ là huyền thoại được dựng lên qua tiểu thuyết.


Mẹ con đồng chí Chanh

Lời Dẫn:
 
Nhân vụ án ở Hải Phòng (xét?) xử anh Đoàn Văn Vươn, sau khi đọc các bài về „Vụ án đồng Nọc Nạn“ thời Pháp, tôi nhớ lại bài học thuộc lòng viết về CCRĐ nhưng chỉ có được một số câu ít ỏi. Tôi có nêu điều „Bí Bách“ trên Trang nhà „Ba Sàm“ thì được một thân hữu chỉ ra bài của Tác giả Lại Nguyên Ân.
Tôi soạn lại như một kỷ niệm và may ra bài này được lưu trên internet để ai có hứng thú tìm hiểu tài liệu nguồn bớt phần vất vả. (những chỗ có […] là lời chú của Lại Nguyên Ân)
 
Cập nhật Trang nhà mình cũng là Lới Cảm Ơn đến những bạn đọc còn đến thăm mỗi ngày:
Đã có được 4.697 Bạn thăm [14:47, 2013-04-09]

Vietnam
 

1657
Deutschland
 

1608
Vereinigte Staaten

619
Niederlande

74
Russische Föderation

72
Luxemburg

71
 Lettland

60

Rumänien

40

Kanada

28

Frankreich

24
Đọc lại đoạn đầu truyện thơ: “Mẹ con đồng chí Chanh” (1954) của Nguyễn Đình Thi
Lại Nguyên Ân
Anh Chanh nhớ đất Hải Dương,
Những ngày còn bé, bên sông Kinh Thầy.
Cha anh nắng xạm mặt mày,
Bùn lên ngập bẹn suốt ngày đào mương.
Mẹ vào đồi vắng đốt nương,
Cỏ tranh ngút lửa, đỏ rừng than rơi.
Chiều về trán đẫm mồ hôi,
Nắng hồng đôi má chạy cười với con.
Hoa chanh thơm ngát ngoài vườn,
Mẹ con nhóm lửa thổi cơm chuyện trò:
“Đẻ mày năm trước mùa hoa,
Già Lê mới gọi con là tý Chanh…”
[…]
Nương ngô dần đã ngát xanh,
Bùn chua lau rậm đã thành ruộng dâu.
Một vùng sông vắng buồn rầu,
Mấy mùa khai phá nên giàu, tốt tươi.
Tý Chanh năm ấy lên mười,
Sớm đi hái củi chiều phơi rơm vàng,
Em Na em Nụ quanh làng,
Tha nhau len lỏi trần truồng gầy đen…
Cây chanh trĩu quả bên thềm,
Người nghèo làm lụng êm đềm thương nhau…
[…]
Một chiều đường cái xôn xao,
Tiếng còi inh ỏi xe đâu chạy về…
Thằng quan Huyện béo lặc lè,
Chánh Hào khăn lượt áo the đi cùng,
Hai thằng xuống thẳng bờ sông,
Thì thào chỉ trỏ cánh đồng ngô non…
[…]
Ô tô nó đã xa bon,
Mấy nhà lo sợ về thôn vội vàng,
Tối mờ lén họp dưới trăng,
Bước nguy đã tới ta bàn làm sao?
Ai còn lạ tiếng chánh Hào,
Mặt người dạ sói, giết bao dân nghèo,
Cướp nhà đoạt ruộng đã nhiều,
Tá điền hết thóc nó treo cổng đồn,
Giết chồng rồi hiếp vợ luôn,
Nói ra thì lại oán hờn khôn nguôi…
Người căm tức kẻ sụt sùi,
Bàn đi tính lại bồi hồi đêm sương…
[…]
Sáng mai mây trắng mặt sông,
Nắng lên le lói nhuộm hồng mái tranh.
Đầu làng ai gọi thất thanh,
Bốn bên lính lệ khố xanh ồn ào…
Cha Chanh nắm vội chiếc cào,
Một đoàn xông tới ập vào trói ngay,
Bốn người tay xích một dây,
Vợ con lăn khóc tơi bời kêu xin…
Chánh Hào vào giữa sân đình,
Hằm hằm cười nhạt nó nhìn … nhân dân
“Lũ này cộng sản ngấm ngầm!
Lệnh quan hẵng bắt vài thằng về tra!
Dám toan trộm đất nhà ta!
Cho tù mục thóc, không tha chúng mày!”
Dưới đồng mấy bọn tay sai
Đã đang đo ruộng chăng dây cắm bờ…
Buổi chiều làng xóm ngẩn ngơ,
Người đi bỏ đói trẻ thơ khóc gào…
[…]
Mẹ Chanh mắt hốc người hao,
Nhìn con nước mắt chảy trào rưng rưng,
Thương con càng lại thương chồng,
Ruột gan quằn quại tưởng chừng hóa điên,
Muốn liều sống chết một phen,
Tìm thằng địa chủ mà đem băm vằm!
Già Lê tối tối sang thăm,
Lựa lời khuyên giải âm thầm mẹ con
“Đời còn trẻ tuổi còn non,
Còn đàn con đó ắt còn đổi thay.
Đời nghèo lắm nỗi đắng cay,
Dân nghèo rồi sẽ có ngày đứng lên!
Dầu qua trăm bước tối đen,
Gắng nuôi con sống mà xem sau này!”
[…]
… Một ngày đang giữa buổi trưa,
Tin như sét đánh bỗng đưa về nhà,
Già Lê nước mắt chan hòa:
“Trong tù nó đã đánh cha chết rồi!”
Mẹ nghe lạnh toát khắp người,
Cắn răng không nói nửa lời ngất đi…
 
[Lại Nguyên Ân: Tất nhiên đây chỉ là phần đầu câu chuyện. Phần sau sẽ là chuyện người nông dân vươn mình, đổi đời. Anh Chanh lớn lên, vào bộ đội, đang cùng đồng đội ôn nghèo nhớ khổ để nâng cao “căm thù giai cấp”…. Đó là chuyện của những năm 1950.
[11/ 01/ 2012
[Lại Nguyên Ân]
PROKLAMATION
27/06/2011

DER SOZIALISTISCHEN REPUBLIK VIETNAM
Unabhängigkeit-Freiheit-Glück/Wohlstand
---o0o---

PROKLAMATION

AUF DER HERRSCHENDE MACHT CHINAS STÄNDIG AGGRESSIVE HANDLUNGEN, SCHWERE VERSTÖßE GEGEN DIE SOUVERÄNITÄT UND TERRITORIALE INTEGRITÄT AN DER OSTSEE DES VIETNAM

Wir, gemeinsam mit folgenden Unterschriften,
geben unsere Feststellungen an:

(1) im Laufe der Geschichte hat China vielmals Aggressionskriege gegen Vietnam geführt. Nach blutigen Angriff auf Hoang Sa (Paracel) Island, besitzt China diesen Teil Vietnams seit 1974, 1979 schickte die chinesische Führung mehrere Divisionen der Armee nach 9 Provinzen Vietnam an der nördlichen Grenze um so genannte „Vergeltungsschlag“ barbarisch durchzuführen, anderseits bot sie Unterstützungen mit Waffen und Militärberater an den Völkermord-Bande Polpot um Zerstörungskrieg auf Provinzen Südwest Vietnams zu realisieren, und 1988 erfasst China das Kreuz felsigen Insel in Spratly-Inseln Vietnams; bis heutigen wird der Plan Chinas „Eindrang und Besitz“ ständig und immer grausamer durchgeführt.

(2) Obwohl im Jahr 1991, hat China mit Vietnam das Friedensabkommen unterzeichnet, behauptet damit die Nachbarschaft, lassen die chinesische Behörden trotzdem starrköpfig weiterhin ihre militärisch bewaffnete Schiffen die Fischer Vietnams auf eigenen Territorialgewässer verhindern und töten: Schiffen mit allen Überlebensmitteln festnehmen, ungerecht Rückkaufgeld fordern, Plünderungen und personale Sachen räubern. Am 26 Mai 2011 stürmten die „Marine Wachters“ Chinas in der ausschließlichen Wirtschaftszone Vietnams, schneideten sie die Kabel von Erdöl Exploration des Schiffes Binh Minh („Morgenrot“); gefolgt am Juni 9, 2011, China Schiffe stürmten aggressiv und schneideten die Kabel der Explorationsschiffe Vietnams „Wikinger“ in ausschließlichen Wirtschaftszonen Vietnams. Diese Aktionen Chinas zeigte deutlich die schlechte Absichten Chinas: Die ausschließlichen Wirtschaftszonen Vietnams, das eigenen Territorialgewässer Vietnams in so genannte „Streitsgebiet“ zu verwandern; Der nächste Schritt danach ist die Politik „Streit beiseite legen, gemeinsam Nutzung bringen“ mit allen Vorteile von China zu realisieren/durchzuführen. Als letzteres ist das Ziel: Gesamtes Gebiet Südostasiens Meere umkreist von selbst gezeichnete „9-Streifen Ostküste“ (Bildlich als „Rinds Zunge Linie“ benannt) als „wesentliche Interesse“, also Eigentum Chinas, zu behaupten – Was keinerlei Basis in der Geschichte und rechtliche Begründungen haben. Motiv und Handlungen Chinas in diesem Gebiet sind nicht anders als Verhinderung gegen Freiheit der Schifffahrt und wurden und werden von vielen Ländern protestiert. Das Verhalten von China verletzt das Recht auf das Meer und das Abkommen über Recht auf das Meer (UNCLOS) 1982 der Vereinten Nationen, die China ständiges Mitglied des Sicherheitsrats ist, schwer; China verletzt damit aber auch die Erklärung über die Verhaltungsdurchführung auf Südostasien Meer (DOC), die China und die ASEAN in 2002 unterzeichnet haben.

(3). Neuzeit schickt China die Kriegsschiff „Meereswächter Nr.31“ nach Südostasien Meer, führt die Schlagsübungen auf Meer durch, um Vietnam,  Philippinen und andere Länder in Südostasien zu erschrecken/bedrohen. Diese eigensinnige, Militärstärke demonstrierende Aktionen Chinas schafft spannende Atmosphäre, zerstört den Frieden, die Stabilität und die Sicherheit in der gesamten Region Asien-Pazifik und der ganzen Welt; verhindert somit den friedlichen Aufbau aller Länder in der Region Süd-Ost-Asien-Pazifik, einschließlich der ASEAN und Vietnam. Das Verhalten Chinas ist völlig umgekehrt gegen dem, was die Chinesen in die Welt deklariert haben; Es gegen aber auch die Tendenz der friedlichen, fortschrittlichen Entwicklung der Menschheit dieser Epoche.

(4) Der Ministerpräsident Vietnams Nguyễn Tấn Dũng hat am 08/06/2011 in Nha Trang erklärt: „(Vietnam) bekräftigt unerschrocken weiterhin unsere Souveränität, souveränen Rechte und Zuständigkeit auf dem Gewässer und Inseln des Vaterlandes; Alle Mitglieder der (Kommunistische) Partei Vietnams, das ganze Volk Vietnams und alle Soldaten der Arme zeigen in Wort und Handlungen unsere höchste Entschlossenheit bei der Verteidigung unsere Souveränität und unsere Rechte“ – Diese Erklärung erfüllen die gerechte Erwartungen des Vietnamesischen Volkes.

Wir erklären würdevoll hiermit:


(1). Wir verurteilen und anklagen energisch vor der öffentlichen Meinung im In- und Ausland:
Die Machtführung Chinas ist einig in Worten und Tätigkeiten: Sie erklärt sie habe Rechte auf Meeresteil umkreist mit so genannte „9-streifige Rindzunge Linie“ umfasst mehr als 80% Südostasiens Meere inklusiv Paracel Island (Hoang Sa) und Spartly Inseln (Truong Sa) von Vietnam. Sie führte militärische Angriffe und besitzt mehre Inseln von Vietnams. Marine Kräfte Chinas nehmen ständig vietnamesische Fischfangsbooten fest, zerstören Booten und plündern Fischern; gerade in diesem Monat (Juni 2011) wurden zwei Erdöl-Explorations-Schiffe Vietnams nacheinander angegriffen und die Kabel dieser Schiffen wurden geschnitten. Das Ziel dieser Tätigkeiten Chinas ist: Wirtschaftszone und Territorialgewässer Vietnams in so genannte „Streitszone“ zugunsten Chinas zu verwandern. Mit militärischen Manöver und Anreicherungen mehrer Großschiffen in Südostasiens Meere droht China die Frieden und Sicherheit in der ganzen Region.

(2) Wir unterstützen die starken, Volkeserwartungen erfüllenden Äußerungen der vietnamesischen Staatsführungen von höchsten Positionen (Herr Staatspräsident und Herr Ministerpräsident); Wir erwarten aber auch von der Führungspersonalien der Partei, von anderen Staatsorganen, von Parlament, von Vaterländischen Front Vietnams, von allen politischen und sozialen Organen und Institutionen aller Ebenen die aktive und effektive Maßnahmen um unsere Fischer Sicherheit zu garantieren, unsere Explorationsschiffe zu schützen. Unser Volk ist das friedliebende; Aber wir lassen niemals ein kleines Stück unseres Landes und Meere in fremden Händen – So wie Herr Staatspräsident Nguyen Minh Triet mehrmals bekräftigt hat.

(3). Die Verteidigung des Vaterlands ist die Sache der gesamten Bevölkerung. Dafür sind die Maßnahmen wie politische, militärische und außenpolitische sehr wichtig; grundlegende Basis dafür ist aber die Stärke (geistliche und materielle) der gesamten Nation, d.h. den Patriotismus aller Vietnamesen im In- und Ausland. Das ist immer die effektivste Waffe gegen die eigensinnige Provozieren und Angriffen Chinas um die Souveränität und territoriale Sicherheit unseres Landes zu verteidigen. Unser Vaterland ist werteste Erbschaft von Generationen Vorfahren, die mit Schweiß und Blut das Land für uns aufgebaut und verteidigt hatten.

(4). Unserer Meinung nach gibt es keinen Grund, Äußerungen des Patriotismus der Bevölkerung zu verhindern. Dazu gehören die friedliche, ordentlich organisierende Demonstrationen, Kundgebungen von Schülern, Studenten und Jugendlichen sowie von Landleuten auf allen Orten des Landes.

Entlang der Geschichte von Aufbau und Verteidigen Vaterlandes, folgend Generationen Vorfahrens wurde tief in uns den Ehrende Schwur eingeprägt: „Tod für Vaterland!“
Die Macht des Volkes ist nach wie vor die Hauptstützpunkt den Sieg über allen Aggressoren; Das erklärt die Langlebigkeit und Selbstständigkeit Vaterlandes Vietnam.


Aufgestellt in Stadt Hochiminh’s am 25. Juni 2011

Gemeinsam unterschrieben.
(Ursprünglich mit 90 Unterschriften)



 Người trí thức và lịch sử
 2009-02-21, 0604

Trong thời gian gần đây, nhất là khi nhìn lại 30 năm cuộc chiến biên giới, vấn đề lịch sử Việt Nam được nhiều trang mạng đề cập. Ngay trên trang nhà của BBC tiếng Việt ta cũng thấy tình hình như thế, và việc này đã được nhiều người quan tâm, phát biểu. Có hai bài của hai học giả nước ngoài đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp. Chúng tôi muốn có ý kiến dài hơn một chút để trình bày một số kiến giải của mình nên tập hợp thành một bài riêng sau đây; mong được Ban Biên tập BBC Việt ngữ xem xét và bạn đọc góp ý.

Hai ông tiến sỹ
BBC Việt ngữ ngày 14 tháng 12 năm 2008 đã đăng bài về học giả Song Jung Nam bàn về công cuộc mở đất của Việt Nam. Từ việc xem xét lướt qua dọc chiều dài lịch sử, ông tiến sỹ Tống (Song?) đưa ra những nhận xét có tính tổng luận:
-  "Việc mở rộng lãnh thổ của Việt Nam cho thấy một quy luật điển hình trong lịch sử nhân loại là cá lớn nuốt cá bé. Việt Nam đã không ngừng đấu tranh trong trường kỳ lịch sử để sinh tồn bên cạnh một Trung Quốc mạnh hơn mình nhưng ngược lại cũng tiến hành chinh phục Chiêm Thành và Campuchia yếu hơn."
- "Điều này thể hiện hai mặt trong đặc trưng lịch sử của Việt Nam là chủ nghĩa dân chủ đấu tranh và chủ nghĩa dân chủ xâm lược." "Việt Nam đã trải qua quá trình dân chủ đấu tranh và bồi dưỡng sức mạnh quốc gia rồi trên cơ sở đó hướng đến chủ nghĩa dân chủ xâm lược và kết quả là xác lập được lãnh thổ phía Nam bây giờ."
- Việc mở rộng lãnh thổ của Việt Nam cũng minh chứng cho quy luật lịch sử "giữa các láng giềng không có quan hệ tốt".
Ngày 18 tháng 2 năm nay chúng ta lại được đọc bài của tiến sỹ Alexander Vuving từ Mỹ (bản thân người viết và nhiều bạn đọc cũng muốn biết thêm về tác giả này). Đây là bài cô đọng mà mang tính học thuật cao. Từ đặc thù triết lý đấu tranh sinh tồn của người Tàu („thời và thế“), xem xét tình hình Việt Nam trong khoảng thời gian ngắn hơn và dựa trên „lý thuyết quan hệ quốc tế“ có tính chuẩn mực, ông „gợi ý năm phương pháp chính: 1) cùng chung một nhà, 2) ràng buộc bằng lợi ích, 3) ràng buộc bằng thể chế, 4) răn đe quân sự, 5) răn đe ngoại giao.“ Có thể nói bài viết của tiến sỹ Alexander dễ làm ta „choáng ngợp“ về sự minh triết hàn lâm và cách trình bày „chắc như đinh đóng cột“ (đặc thù văn hoá Mỹ?) của ông.
Quan niệm rằng mọi sự học hỏi đều cần thiết, chúng tôi hoan nghênh công sức và nhiệt tình của quý vị học giả đối với đất nước và con người Việt Nam chúng ta. Để nhìn nhận rõ hơn các ý kiến này, chúng tôi xin được đề cập đến mấy điểm đặc thù của nhận thức nói chung.

„Xem voi“ và „tính (bè) đảng“
Xin nói ngay là tiểu đề này không mang tính „tân toan (cay chua)“ chút nào (chữ của Chinh phụ ngâm diễn âm: „Khuê ly mới biết tân toan dường này“). Trong khi „xem voi“ có nguồn gốc từ truyện ngụ ngôn triết học của Ấn Độ (thày bói xem voi, Kỳ-ny giáo) thì „tính đảng“ lại mang mầu sắc hiện đại (tính đảng, tính giai cấp). Chúng tôi xem xét hai khái niệm này từ góc độ nhận thức luận.
Câu chuyện „thày bói xem voi“ nói rằng có 4 ông thày bói khiếm thị đi xem voi. Từ nơi đứng của mình, bằng biện pháp „sờ“, các ông phát biểu quan niệm về (hiện thực) con voi: giống cột đình, giống cái quạt, giống cái chổi, vân vân. Nói chung chúng ta chế diễu hoạt động này bằng cái cười nhẹ nhàng, nhưng suy nghĩ thêm có thể có ít điều thú vị. Thứ nhất là tính trung thực của người quan sát: Khi các ông thày bói nói „giống cái quạt“, „giống cột đình“, ... là các ông muốn đưa cái đã được nhận thức về những diễn giải thông thường; đây là hành động trung thực. Nhưng, thứ hai, cái thiếu ở đây nằm trong khâu tổng hợp: khẳng định con voi (hiện thực) là cột đình hay cái quạt thì đều sai do đó dẫn đến bất đồng, tranh cãi. Con voi chính là con voi và nó là tập hợp toàn thể những cái „giống như“ mà ta biết được.
Vấn đề thứ hai là quan hệ giữa sử liệu và sử luận. Các ngành khoa học đều dựa trên dữ kiện/liệu để thông qua lý luận mà rút ra quy luật (luận thuyết, sử luận,...). Trong khi các nhà chuyên môn (sử học, khảo cổ học) thu thập dữ kiện lịch sử để rút ra điều gì đó có tính lý thuyết thì người đọc chúng ta (và nhất là các người làm chính trị) xem những điều kết luận đó như „kim chỉ nam“ dắt dẫn hành động của mình. Đôi khi „húng“ lên, chúng ta (viết cho khỏi „đụng chạm“) nói khơi khơi một điều gì đó giống như chân lý rồi nhặt các sự kiện lịch sử rời rạc để chứng minh, mà thực chất mục tiêu là chứng tỏ ta đây „kiên định lập trường giai cấp“ hoặc chiều theo ý định của ai đó mà mình muốn lấy lòng. Tức là ta đi lộn ngược từ „sử luận“ đến sử liệu. Điều này tất nhiên tệ hại hơn việc xác định „con voi là cái cột“ vì nó rất giống với sự lừa dối.
Chúng ta không bôi bác những nhận định sai thiếu của người khác mà điều quan trọng là chính bản thân ta phải nhìn nhận lịch sử của mình thế nào cho đúng. Nói rằng Việt Nam „cũng tiến hành chinh phục“, „hướng đến chủ nghĩa dân chủ xâm lược“ là ngộ nhận; chưa kể việc khẳng định „quy luật lịch sử giữa các láng giềng không có quan hệ tốt“ như có điều gì đó giống như việc cố ý đánh đồng, làm lộn sòng phải-quấy. Xin đừng „đi lộn ngược“ trong khoa học vì như thế không bao giờ nhìn ra chân lý là việc người trí thức lấy làm nghĩa vụ, danh dự và niềm say mê của mình.

Trí thức Việt Nam
Có thể tự hào đồng ý với danh nhân Nguyễn Trãi: Nước Đại Việt ta vốn xưng nền văn hiến từ lâu. Nền văn hiến đó hoàn thiện và rực rỡ từ các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, ... đến ngày nay để „hiền tài“ được coi „là nguyên khí quốc gia“. Khi biết trọng hiền tài, các nhà trị quốc đời Lý có thể qua trạng nguyên (cũng gọi là tiến sỹ) Lê Văn Thnh dùng tài trí „phân-giãi mọi lẽ“ để „nhà Tống trả nốt cả mấy huyện mà trước còn giữ lại“ (Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim). Tất nhiên công việc chỉ thành công khi „bạn“ Tầu cũng (hoặc buộc phải) đặt văn hoá và lý trí làm cơ sở cho sự tồn tại chung; nhưng quan trọng vẫn là việc ta phải biết và dám (đủ sức), như tiền nhân.
Nhưng thực sự thì bản chất người trí thức là gì? Người trí thức dùng khả năng nhận thức để phát triển tri thức phục vụ cuộc sống. Cần ba cái thực: thực tâm (trung thực), thực tài và thực (hết) lòng phụng sự nhân sinh (quốc gia). Có thể nói rằng người trí thức không làm chính trị nhưng qua hoạt động đời mình, người trí thức giúp cho việc trị quốc trở thành chính đáng. Tôi trân trọng những gương như Nguyễn Bỉnh Khiêm biết rút về cõi riêng nhưng vẫn suy tư việc người việc nước. Xa hơn có thể noi tấm gương Phạm Lãi biết ra đi để thành Đào chu công làm việc cần làm.
Trí thức Việt Nam ngày nay có nhiều gương rất sáng, đáng để ta tự hào và tin tưởng.


Dạy và học, bàn góp
Tôn Văn, 5.6.2008

1. Dạy và học, nói theo “kinh viện” là “giáo dục”; dùng tiêu đề “nôm na” này là cố ý cho hợp tầm người viết. Dù đây là đề tài luôn được sự trân trọng quan tâm của nhiều người (như những bài về “trí thức”, về “nguyên khí”, etc. gần đây), nhưng trong tình trạng lạm phát và tiền khủng hoảng kinh tế hiện thời thì có phải là lạc đề không? Chúng tôi cho rằng không những không lạc đề mà còn cần thiết để xem xét lại một cách chi tiết và toàn diện tình hình.
Phần trình bày sau đây là tổng hợp suy nghĩ sau những tìm hiểu và trải nghiệm; chúng tôi trình bày theo tinh thần “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Bụt” (nói thẳng thực tình, nhận rõ bản chất và hoàn thiện nhận thức). Rất hy vọng được sự chỉ giáo của bạn hữu.

2. Giáo dục, xét về mặt xã hội thì hoạt động này lấy “dạy” làm chính; tuy nhiên, xét về mặt tu rèn cá nhân con người và đạo lý xã hội thì “học” mới là cốt lõi. Học là quá trình tiếp thu và chắt lọc hiểu biết để nâng cao trí thức cá nhân góp phần sống đúng và sống tốt trong cộng đồng. Từ nhìn nhận (quan điểm) này, có 3 câu hỏi:
* Quá trình học của con người được phân định thế nào?
* Việc học đóng góp gì cho cộng đồng (xã hội)? và
* Người dạy cần nhìn việc học như thế nào cho đúng thực chất của nó?
Chúng tôi xin lược trình kiến giải về từng vấn đề.

3. Về quá trình tu học của con người, không gì bằng dẫn ra công thức của đức Khổng tử: “tu thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ” (nghĩa là học cho biết và sống cho đúng cái đạo con người, thực hiện những điều đạo đức đó trong gia đình, góp ý kiến và công sức vào việc cộng đồng, giúp các cộng đồng sống hoà hữu với nhau). Xem kỹ thì thấy đó là tuần tự phải theo mới làm được, từ thấp lên cao, từ cơ sở lên toàn thể. Điều lý thú là cái câu chữ Nho này lại có cấu trúc ngữ nghĩa – như diễn giải – rất “Việt”, nhưng khi “dịch” ra tiếng Việt thì không hiểu sao lại “chổng ngược” theo kiểu ngữ pháp Tàu: “Làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân”? Có phải vì thế chăng, mà việc giành quyền làm chủ (lãnh đạo) xã hội (cơ sở cho quyền làm chủ thiên nhiên, đất, ruộng, tiền...) được ưu tiên? Và khi những con người chửa thành người (chưa có đạo đức và biết trách nhiệm trong cộng đồng) đã “thành danh” (có chức vị) thì lập tức họ mang công quỹ (mồ hôi nước mắt của dân) đi đánh bạc? Thật đơn giản và... “nhỡn tiền”. Do thiếu giáo dục [1] hay giáo dục sai mà thành như vậy!
Chuyện cá nhân là bộ phận gắn kết với cộng đồng thì cũng cổ như nhân loại, nhắc đến chỉ là do cần thiết. Người Việt có những câu cửa miệng: Chết cả đống hơn sống một người [nghe ghê ghê, nhưng cũng có thể hiểu rằng: cả đống mà chết thì 1 người (thậm chí “một nhóm người”) cũng không sống được]; hay: “Mạnh, là mạnh cả bè, / Mạnh chi cây nứa le te một mình.” Ở đây tôi muốn dẫn thêm lời của một người khác để thấy con người có những tương đồng, trong bản chất và tư duy; văn sĩ người Anh John Donne (1572-1631) đã viết: “...mỗi con người là một phần trong đại khối nhân sinh, như bộ phận gắn liền cùng đại lục...” [2]
Thế còn cái “cần thiết” ở đây là gì? Là công việc dạy và học cho/của mỗi con người cần hướng tới việc đóng góp và chuẩn bị cho sự phát triển kế tiếp của xã hội. Làm thông (giải quyết) điểm này, công việc giáo dục sẽ thoáng và việc học cũng kết quả tốt hơn: học xong có việc làm, sống đúng và sống tốt.
Trước khi (và cũng để chuẩn bị) đi vào chi tiết cụ thể phương thức giáo dục phương Tây, chúng ta cần xác định xã hội phương tây là xã hội gì và họ đã chuẩn bị “đào tạo thế hệ tương lai cho đời sau” như thế nào: xã hội phương tây là xã hội dân chủ, đa nguyện và, vì thế, luôn phát triển. [Những điểm sau đây dựa trên bài dịch “nhóm hội là gì” và ý kiến ngắn về phổ thông trung học (Gymnasium) gần đây.]

4. Công việc dạy học dựa trên cơ sở khoa học
Người Việt có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ...” Người châu Âu đi vào chi tiết dạy học sau khi tiến hành những nghiên cứu khoa học công phu và toàn diện con người từ buổi sơ sinh. Có thể tìm đọc những số liệu cụ thể trong các sách phổ thông về giáo dục: Trẻ em mới sinh và trong những năm-tháng tuổi kế tiếp thì thể trạng và não bộ phát triển thế nào? Tương ứng các thời kỳ thì chúng có khả năng gì? Không có những nghiên cứu đó thì việc nuôi dạy (dưỡng dục) có thể nói là rất phi khoa học. Không hiểu cơ chế và thời kỳ bập bẹ tập nói của trẻ, không biết rõ lượng từ các trẻ có thể nhớ và hiểu trong mỗi lớp tuổi thì rất khó xác định mục tiêu và chương trình dạy tiếng; thí dụ vậy. Chưa có được những tài liệu về giáo dục của Việt Nam, nhưng tôi không tin là những nhà chuyên môn giáo dục ở ta không nắm được và nêu ra những điểm cơ sở này. Vấn đề là biến nó thành chương trình cụ thể, khoa học chứ không làm một cách duy ý chí.
Giáo dục một cách khoa học nghĩa là nắm rõ bản chất đối tượng để đưa ra những biện pháp dạy học thích hợp nhằm đem lại kết quả tốt. Chính là hiểu rõ tâm sinh lý các bậc tuổi mà người châu Âu đề ra những cách thức và nhu cầu giáo dục cụ thể cho từng bậc học; chính hiểu rõ cơ chế hoạt động của não bộ mà giáo dục châu Âu coi trọng vấn đề trang bị cách thức tư duy bên cạnh việc cung cấp tri thức. Thực ra những điều này cũng không quá xa lạ với tư duy Á đông hay Việt Nam: giáo lý Bút-đa coi trọng “pháp thí” (dạy nguyên lý, cách thức nghĩ bàn, v.v…) hơn “tài/vật thí”, còn dân gian ta thì nói “cho nhau vàng khối không bằng trỏ lối (phương pháp, cách thức) đi buôn”. Xin hãy coi trọng việc học cách thức và phương pháp chứ đừng quá tập trung vào “thu hút ngoại tệ (vàng khối) mọi nguồn”!
Điểm kế tiếp là quan trọng và quyết định.

5. Giáo dục hướng vào việc xây dựng xã hội đa nguyên và dân chủ
Qua kinh nghiệm đấu tranh sinh tồn, qua thực tế phát triển cộng đồng, người châu Âu (xin hiểu cũng bao gồm cả Mỹ) quan niệm phát triển cá nhân là điều kiện phát triển của xã hội. Giáo dục châu Âu lấy phương châm “mỗi cá nhân phải mạnh” trong khi giáo dục Mỹ hướng sâu vào cộng tác tổ nhóm (team work). Con người chỉ phát huy khả năng trong nhóm hội, cho nên văn hoá sinh hoạt nhóm hội, văn hoá tổ chức được giảng dạy cụ theo từng cấp học. Cái “bè” dân ta nói chính là “nhóm hội”. Không có sinh hoạt nhóm hội thì tư duy không được trao đổi và nâng cao để thành ý tưởng hay lý tưởng. Khi lý tưởng và niềm tin phải xin-cho thì không thể nào bền vững được, chẳng khác gì lâu đài trên cát. [nhớ có lời bài hát: đảng đã cho ta niềm tin và ước vọng (!)]
Qua việc xem xét sinh hoạt dân chủ châu Âu, ta có thể thấy rõ: đó là hình thức sinh hoạt phát huy được sức mạnh cộng đồng (quốc gia). Tuy nhiên đó cũng là kết quả một quá trình xây dựng lâu dài và chưa bao giờ hoàn tất. Việc xem xét này cho ta 2 nhận xét: thứ nhất, quan niệm về dân chủ của người châu Âu ngày nay đã khác xưa: cụ thể và gần chân lý hơn; thứ hai, chúng ta vẫn chưa nắm rõ quá trình phát triển đó của châu Âu. Dân chủ (Demokratie) không chỉ được định nghĩa đơn giản là “quyền làm chủ của nhân dân”; nó được diễn giải cụ thể như sau:
Demokratie ist gemeinsam Zukunft gestalten.
Dân chủ là cộng tác kiến tạo tương lai.
Nói “cộng tác – gemeinsam” là nói sự làm việc chung giữa các nhóm hội, đảng phái; nghĩa là, trước hết, cần “đa nguyên” để các tư tưởng khác nhau có điều kiện phát triển, cái tốt có được đồng thuận, cái xấu bị vạch ra và phê phán. Sự “cộng tác” của “đa nguyên” chính là “dân chủ”. Ngày nay chúng ta yếu, chúng ta xấu là do thiếu những cái tốt này!
Học sinh các nước châu Âu được chuẩn bị để sống trong (và cho) xã hội như vậy.

6. Nói thêm
Đã “bàn góp” mà còn “nói thêm”? Thực ra chỉ xin nêu nhận xét rất là... khe khẽ!
Chúng ta có hai lần thống nhất quốc gia: nhà Nguyễn và nhà “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nhà Nguyễn tiếp tục mô hình “hoàng đế Tàu”, nhà Xã hội Chủ nghĩa tiếp tục toàn trị 1 đảng. Cả 2 “nhà”, nói như ông Võ Văn Kiệt, “... đã tỏ ra ‘đuối sức’ trước nhiều vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra trong cơn lốc xây dựng và phát triển...” Nhà Nguyễn thì triều đình không quản nổi địa phương, dân đói, làm loạn và theo “tà” đạo. Nhà “ta” thì dù “Đảng phải có kế hoạch thật tốt” nhưng vẫn phải bỏ để “khoán 10” và lao theo “kinh tế thị trường”. Nhà Nguyễn mất đất; nhà “ta” mất… nhiều hơn chút ít!
Chúng ta có 3 việc làm sai:
* Nhà Nguyễn gom tiền đi mua “tàu đồng” để sau đó đem đi bán kim loại vụn.
* Nhà “ta”, cả Nam lẫn Bắc, gom sức đi... xin viện trợ súng đạn về… uýnh nhau.
* Ngày nay đổi giọng “làm bạn với tất cả các nước” để ... xin tiền.
Thế là cả súng lẫn tiền: Của người, người lại lấy đi! [3]
Xin hãy bắt đầu trở lại: Dân khí! Xin hãy làm lại từ đầu: Giáo dục!

© 2008 talawas

[1]Dân gian nói “nôm” là “mất dạy”. Đây là câu rủa rút gọn rất thâm thuý và đau đớn: (Nhà mày) mất (hết người) dạy (rồi)! Nghĩa là vô phúc, không còn tổ tiên, ông bà, cha mẹ để dạy dỗ mình và để cho mình học hỏi.
[2]“No man is an island, entire of itself; every man is a piece of the continent, a part of the main. If a clod be washed away by the sea, Europe is the less, as well as if a promontory were, as well as if a manor of thy friend's or of thine own were. Any man's death diminishes me because I am involved in mankind; and therefore never send to know for whom the bell tolls; it tolls for thee.” - John Donne
“Niemand ist eine Insel, in sich selbst vollständig; jeder Mensch ist ein Stück des Kontinentes, ein Teil des Festlands. Wenn ein Lehmkloß in das Meer fortgespült wird, so ist Europa weniger, gerade so als ob es ein Vorgebirg wäre, als ob es das Landgut deines Freundes wäre oder dein eigenes. Jedes Menschen Tod ist mein Verlust, denn mich betrifft die Menschheit; und darum verlange nie zu wissen, wem die Stunde schlägt; es gilt dir selbst.” - John Donne. “Chẳng người nào là ốc đảo để tự mình làm nên tất cả; mỗi con người là một phần trong đại khối nhân sinh, như bộ phận gắn liền cùng đại lục. Khi mỗi viên đất nhỏ tan vào biển cả, Hoàng-hôn châu-địa cũng nhỏ lại ít nhiều. Chuyện cũng chẳng khác gì khi đó là mũi đá hoang nhô ra biển cả, là sở địa của thân hữu hay của chính ta. Sự ra đi của mỗi con người đều là tổn thất trong ta bởi ta là một phần trong đại khối; và vì lẽ này, ta chẳng cần tỏ ngộ, chuông nguyện hồn ai đang gióng giữa đời. Khi nguyện hồn, chuông cũng gióng tiếng cho ta, gióng tiếng cho em, và cho hết thảy sinh linh.“ (theo lời tiếng Đức).
[3]Ca dao: Của trời, trời lại lấy đi, / Dương hai con mắt làm chi được trời?



Bài số: VL-10
Đổi mới tư duy là cơ sở cho đổi mới chính trị.
Bài viết riêng thân tặng blog Nguyễn Hữu Quý.
01:19, 2011-05-24

Lời dẫn:
Tôi mới đọc được các bài viết rất hay sau đây:
Qua Trang nhà Anh Ba Sàm, tôi đọc được bài viết về Cụ Hồ và Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn http://bee.net.vn/channel/1984/201105/Nhung-chuyen-it-biet-ve-Truong-Vo-bi-Tran-Quoc-Tuan-1800013/ cùng bài của tác giả Trần Kinh Nghị về quan hệ Mỹ-Trung và Việt Nam http://trankinhnghi.blogspot.com/2011/05/oi-ieu-ve-quan-he-trung-my-co-lien-quan.html#comment-form .
Trên Trang BauxiteVN.Info tôi đọc được bài của bác Tô Hải hoan nghênh lời phát biểu của ông Trương Tấn Sang về nạn „bầy sâu“ http://boxitvn.blogspot.com/2011/05/thu-ngo-kinh-gui-ai-bieu-quoc-hoi.html .
Trên Trang của bác Nguyễn Trọng Tạo, dưới bài về cố Tổng bí thư Lê Duẩn http://nguyentrongtao.org/2011/05/22/ng%c6%b0%c6%a1%cc%80i-v%c6%a1%cc%a3-mi%e1%bb%81n-nam-cu%cc%89a-c%e1%bb%91-t%e1%bb%95ng-bi-th%c6%b0-le-du%e1%ba%a9n/ có 2 ý kiến hay:
Ý kiến 1: (Trích dẫn): … Còn bài thứ 2 nói về gd TBT thì thật sự tôi chưa được nghe, vì trước đây chưa có Internet, … Vì vậy ngay bây giờ các bậc tinh hoa của đất Việt hãy tỉnh táo trước khi đưa ra một thông tin hay nhận định có tính chất hướng dẫn dư luận. Cảm ơn anh Tạo.
Ý kiến 2: Nếu là tôi thì khi tuổi cao, ốm mệt như anh Ba tôi sẽ về nghỉ với gia đình. Tôi tin là thế hệ sau vẫn có đủ người tài đảm đương trách nhiệm.
Tại đó, tôi cũng có ý kiến ngắn về „Trách nhiệm chính khách“. Vấn đề lý thú là có nhiều ý kiến từ các phản hồi đến các bài viết trên blog đều quan tâm nhìn nhận vai trò và trách nhiệm những người giữ vị trí lãnh đạo. Sự quan tâm đó (đúng ra là sự lao tâm khổ trí của tư duy) là đáng quý và phải được trân trọng. Tôi xin ghi những suy nghĩ của mình sau đây như một sự „tổng quan“ nhỏ, nhưng cũng thể hiện ít nhiều trăn trở của bản thân mong góp suy tư cùng thân hữu.
Hy vọng được trao đổi và học hỏi.

1. Chính trị và chính khách
Chính trị là một đề tài lớn và quan trọng. Trong các xã hội Âu, Mỹ với nền dân chủ đa đảng thì các trường đại học lớn đều có khoa chính trị học riêng biệt và các Giáo sư thường được mời như những chuyên gia để phân tích trên các kênh truyền thông trong các cuộc bầu cử; Họ thường phân tích các phát biểu và hoạt động của các chính khách chuyên nghiệp cũng như các đảng phái với những kiến thức chuyên môn bài bản như những gợi mở cho công luận.
Trong điều kiện thuận lợi của internet ngày nay, có thể tìm biết các khái niệm qua Wikipedia; Nhưng thực sự thì tài liệu nhận được cũng sẽ quá nhiều và đọc để hiểu cũng cần lượng kiến thức nhất định. Với khả năng khiêm tốn, xin tạm đưa ra một khái niệm của Thomas Mayer như cơ sở đơn giản nhất để tiện bàn thảo:
Chính trị là toàn bộ hoạt động để chuẩn bị và ban hành những quyết sách quan hệ đến toàn cộng đồng và/hoặc hướng tới lợi ích chung phục vụ lợi ích của toàn xã hội.
Hiểu ngắn gọn thì có thể nói rằng công việc của các nhà lãnh đạo là đưa ra chính sách bảo đảm cho hoạt động của xã hội thông tiến và đời sống người dân được an toàn và hạnh phúc; Tức là cách quản lý và điều hành hoạt động của toàn xã hội. Tất nhiên, trong khi tìm hiểu vấn đề, ta thường đưa mọi luận lý về dạng đơn giản và dễ hiểu; Thực tế phức tạp hơn khi cần đạt một cái gì cụ thể: Chính sách nào cho chống ùn tắc giao thông? Chính sách nào cho dân bớt đói, giảm nghèo? Chính sách nào để cán bộ, đảng viên có thêm nhà nghỉ mà không phải „tham nhũng“? Etc. Bài viết này thử đặt vấn đề „đổi mới tư duy là cơ sở cho đổi mới chính trị“ để tìm hiểu sâu hơn.
Trước hết, xin dẫn một bức tranh giản tiện.

2. Tri và hành
Quản lý và điều hành thuộc về „làm - 'hành'“. Phàm con người làm gì cũng đặt cơ sở trên/từ TRI: Sự hiểu biết.
Có thể tưởng tượng cảnh một bộ lạc: Người thủ lãnh bao giờ cũng là trang thanh niên tráng kiện nhất, có đủ sức mạnh hoạt động và chỉ gọi các thành viên. Trước một trận săn bắn hay chuyển dịch cư sở, bộ lạc thường có cuộc hội thôn, làng, bản để nghe các cụ già kể lại kinh nghiệm xưa và đưa ra những lời bình xét. Kết quả là toàn thể hay đa phần thành viên bộ lạc hiểu rõ tình hình và người thủ lãnh có thể thống nhất đường hướng. Toàn bộ những cái gọi là „kinh nghiệm, trải nghiệm“ đó, tích góp lại thành vốn tri thức và văn hóa của cộng đồng. Dân tộc Việt có thể tự hào trong nhân loại với nhận thức về giá trị nền văn hiến của mình: „Hiền tài là nguyên khí quốc gia“!
Không biết đến ngọn nguồn văn hóa và tri thức (vô „tri“), mọi hành động (hành) đều dẫn đến sai lầm và thất bại. Lý giải cho điều này cũng giản dị: Một dân tộc có nền văn hiến đáng tự hào như dân tộc Việt Nam, bất kỳ một hành xử nào vô văn hóa đều được nhận diện và khi những người lãnh đạo mà thiếu một tầm nhìn văn hóa (tự để mình sống kiếp „sâu“, thí dụ vậy) thì không thể nào có sự ủng hộ, „chung tay góp sức“ của cộng đồng; mà như vậy thì làm sao mà làm được việc gọi là „ích quốc lợi dân“ như họ mong và hứa hẹn?
[Hình ảnh giản đơn này gợi cho tôi nhớ lại ý tưởng „cơ-linh tương tác“; Nhưng đó lại là một đề tài khác, dài hơn.]

3. Học và làm
„Tri và hành“ nói chung chung thì không mang lại gì nhiều. Xin bàn thêm về cách học Cụ Hồ.
Cụ Hồ là đại diện cho văn hóa và trí tuệ Việt Nam. Bài thượng dẫn về „Trường võ bị Trần Quốc Tuấn“ cho một tư liệu quý về tư tưởng của Cụ: „Trung với Nước, hiếu với Dân“ – Xoáy vào điều dạy đó cũng đã sáng ra nhiều lẽ. Nhưng ở Cụ Hồ, bản thân tôi nhớ một kỷ niệm: Khi cụ mất, thanh niên chúng tôi được nghe một vị khá gần gũi Cụ nói về „Thời đại Hồ Chí Minh“ (Bài nói dài khoảng 6 tiếng). Câu nói đáng ghi nhớ là: Di sản quan trọng nhất của Bác là đã tạo ra được một đội ngũ biết làm việc vì sự nghiệp chung… (Ghi theo trí nhớ).
Tại sao tôi cho đây là điều quan trọng?
Giáo lý Bụt-đà, cũng đã thành một phần quan trọng của văn hóa Việt, dạy người học cần đạt 3 mức: Cao nhất là „vô úy“ (không sợ hãi), thứ đến là biết „pháp“ (phương cách, tri thức) và cuối cùng là tính con người trong „tài thí“ (cung giúp nhau vật chất). (Nhân dân thấm giáo lý này để đặt thành phương ngôn: „Cho nhau vàng khối không bằng trỏ lối làm ăn“; Và tôi cũng tán thán ý kiến thứ 2 trên Trang bác Tạo với ghi chú thêm rằng: Chỉ ra cho đội ngũ sau cách làm và tin tưởng họ cũng phải có tâm và tầm của Cụ Hồ!). Cụ Hồ đã đem về lại cho Dân tộc niềm „vô uý“ có tự ngàn xưa trước những kẻ xâm lăng. Cụ nói dứt khoát không „làm vệ tinh“ cho nước nào là thể hiện tinh thần tự cường, tự tin cao lắm. Còn cách thức làm ăn thì, tôi nhớ lời của Trung tướng Đặng Quốc Bảo về „chủ nghĩa xã hội“: Bác có chỉ đâu mà ta nói rằng „theo“?...
Cụ Hồ cao linh mà gần gũi; Học Cụ để làm vì Dân và Nước chẳng lẽ lại là việc còn quá khó?

4. „Đổi mới“ thế nào?
Bác Tô Hải có viết lại lời ông Lê Hiếu Đằng: „Đổi mới“ vừa qua là „không tự giác“. Tôi đồng ý nhận định đó, nhưng cũng nghĩ rằng đã có chút „giác“ trong đó. Lý do là đọc tài liệu thì biết rằng mở đầu cho đổi mới là tư duy nhìn nhận những thông tin từ cơ sở và phát động (tháo gỡ) cho cơ sở chủ động và mạnh dạn phát huy tính năng động, sáng tạo. Đó là một xu hướng tiến tới „dân làm chủ“. Nhưng tại sao sau cái đận „đổi mới hay là chết“ đó thì lại „leo ra leo vào“ như trên cành cụt?
Cơ-Linh tương tác nhưng cũng tương ứng: Cơ cấu toàn trị thì bao giờ cũng đẻ ra và nuôi duỡng cái „linh hồn“ duy ý chí; Và như thế không thể đi tiếp con đường dân chủ hóa như một đòi hỏi của thời đại.
Tại sao nói „dân chủ hóa“ là „yêu cầu thời đại“?
Lại xin trở về với đại danh mà Vietnam.net nêu lên: Trần Quốc Tuấn!
Đức Thánh Trần là Anh hùng và đại Trí thức; Người di chúc lại trước khi mất: Nương sức Dân làm kế rễ sâu gốc bền!
Lời Di chúc của Người vạch rõ: Hai thời („chiến“ và „bình“) có hai kế sách; Mà muốn có kế sách cho thích hợp thì phải thay đổi tư duy. „Dân chủ hóa“ là đường lối chính trị hợp thời đại nhưng cũng dựa trên tinh thần văn hiến Việt Nam.

Tạm kết
Tôi đã viết lời chia sẻ sau bài trên Trang nhà của tác giả Trần Kinh Nghi; Xin ghi lại như lời kết:
Vận mệnh quốc gia luôn gắn liền với an ninh chủ quyền Đất nước và cố kết nội lực Dân tộc. Câu nói “đi (làm bạn) với Mỹ thì còn Nước, đi với Tàu thì còn đảng” có từ lâu; Vế thứ nhất có thể được khẳng định, trong khi vế thứ 2 đang bị phủ nhận: Không có gì rời xa Dân tộc và Đất nước mà “còn” (tồn tại) được. Dân tộc ta cảnh giác với bành trướng Tàu suốt chiều dài lịch sử. Ngày xưa, các vị vua anh minh như Trần Thái tông có rời vị đi tu cũng lên Yên Tử để coi động tĩnh ngoại bang. Ngày nay, cả một đội ngũ trí thức với tâm lực và trí lực của mình luôn đau đáu dõi soi vận thế qua phương tiện nhạy cảm của thời đại là internet và luôn cảnh tỉnh quốc dân và những người lãnh đạo. Đó là lương tâm và trách nhiệm “kẻ sỹ”.
Sự thực thì “leo dây” mà có kết quả cũng do TRÍ và LỰC. “Trí” không gì khác là kết quả quy tụ “nguyên khí quốc gia”; “Lực” không gì ngoài tinh thần cố kết Dân tộc. Các nước khác dùng được phép “leo dây” hay “liên minh” đều là do đảng cầm quyền của họ bám được và dựa vào Nhân dân toàn nước.
Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam làm như thế thì sẽ có được hậu thuẫn cho việc làm của mình.

Trân trọng,
Văn Đức.

Bài số: VL-09

 

Hoài Thu

Hát Ru: Tiếng Mẹ, Lòng Bà
(Về những „lời Ru“ Việt Nam)

Tặng hai con: Hồng Phong - Hoàng Yến


Tân Phong xuất bản
München, 2003




Tựa Đề
Người Việt nói, viết tiếng Việt như mọi giống hữu tình dùng không khí mà không cần biết hết giá trị của nó. Không biết rằng để tồn tại như một con người, có tiếng nói để thông tin, có chữ viết để suy nghĩ, Cha Mẹ chúng ta đã dành cho ta bao nhiêu công sức, tháng năm. Cái đau khổ suốt một đời của các đấng sinh thành chính là việc con cháu thiếu, kém khả năng nói, viết. Chính là Cha Mẹ chúng ta lo cho chúng ta được sống làm người trong giòng Việt-tộc. Và tự nhiên tôi hiểu ra cái ý nhắn nhủ trong câu ca dao:
Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
“Ao ta” đây chính là nền văn hóa vĩ đại của đân tộc Việt-nam. Cha ông ta khiêm tốn nói nó có trong, có đục. Nhưng chúng ta hiểu rằng, với nền văn hóa này, Dân-tộc Việt-nam đã tồn tại và phát triển theo thời gian, cùng với bao dân-tộc khác. Và để trao lại cái vốn sống vô giá đó cho con cháu, Dân-tộc ta có những ông thày đồ cầm roi và có những người bà, người mẹ hát Ru. Ở một khía cạnh nào đó, tôi có thể nói rằng: Chân lý cuộc đời, đạo lý làm người đến với tôi, thấm vào tôi qua những lời Ru, những câu chuyện kể của Bà tôi của Mẹ, Cha tôi.
Tôi viết những giòng này để nhớ lại những lời Ru đã đuợc nghe từ thuở ấu thơ, đã được nghe nhiều lần trong cuộc sống và cũng là để ghi công ơn Cha Mẹ, Ông Bà, ghi ơn những người Chị, người Em đã hơn một lần cho tôi được nghe những tiếng hát Ru đầm ấm và ghi ơn Dân-tộc đã sinh thành, tạo dựng nên tôi. Phần lời Ru, tôi có ước muốn sưu tìm lại những lời Ru của khắp miền đất nước, nhưng vì điều kiện thời gian và tài liệu quá thiếu nên kết quả thật nghèo nàn; Mong được quý bạn đọc giúp đỡ, trao đổi bổ sung.

I

Ai đó (*), viết rằng:
Dẫu cho đi hết một đời,
Cũng không đi hết những lời mẹ ru.
Tiếng Ru của người Mẹ đã đem lại những gì, để lại những gì mà có giá trị trường cửu như vậy đối với mỗi con người Việt Nam, và nói chung đối với mọi con người trên thế gian này? Càng ngày càng có nhiều người quan tâm đến tiếng Việt, chữ Việt và nhất là quan tâm đến những tiếng hát quê hương, những lời Ru của Mẹ. Ở nước ngoài: đương nhiên, nhưng ở trong nước cũng thế. Đó là một điều lành mạnh và đáng làm: Hãy trả lại Cesar những gì vốn thuộc về ông!
Nhớ về tiếng hát, lời Ru là nhớ về thời niên thiếu. Con người có một đặc điểm giống nhau là càng đi xa quê hương bao nhiêu thì càng thương nhớ nơi mình đã được sinh ra và khôn lớn; Cùng với tháng năm, khi tuổi càng cao, người ta càng da diết nhớ về tuổi trẻ: nhớ hàng cau, gốc mít, thương hình ảnh Mẹ Cha lam lũ, tảo tần ... Và khi trong ký ức hiện lên vật này: Cái Võng, lòng ta lại thấy tuôn trào như suối: những lời Ru! Tôi góp nhặt lại những lời Ru mà mình đã nghe và còn nhớ được cùng những nghĩ suy bột khởi trong lòng; Chỉ là để cho tôi thôi, nhưng nếu bạn đời đọc được thì xin coi đây là những điều tâm sự. Tôi cố viết cho có thứ lớp, nhưng cơ bản vẫn là viết theo cái cách trái tim mình mách bảo; Ý lộn xộn ư? Văn chẳng xuôi ư? Thì cứ xin mọi người “đại xá”, xin tha nhân rộng lượng chỉ bày!

II
Như thông thường, người ta thường xem xét một thể loại văn-học hoặc nghệ-thuật theo hai phương diện: Hình thức và nội dung. Chúng ta sẽ thấy, trong Ru, hai phương diện này gắn bó với nhau cực kỳ chặt chẽ; Không công nhận điều đó sẽ không thể giải thích những trường hợp  tưởng như phi lý tồn tại trong thể loại này. Chúng tôi xin nêu lên một số nhận xét về hình thức của Ru là điều dễ nhận ra hơn cả và sau đó sẽ tìm hiểu thêm nội dung một số lời Ru.
Nói về hình thức của Ru có thể trình bày ngắn gọn như sau: Ru dùng thơ lục-bát làm lời và sự rung động của tâm hồn làm nhạc điệu. Trên cái nền nhạc điệu ấy, Ru tiếp nhận cả song-thất-lục-bát hoặc biến thể dài ngắn khác nhau, nhưng cái khung lục-bát thì phải được bám sát vào. Có người nhận xét như sau: ”Phần lời ru lớn nhất ... lấy những bài ca dao từ 4 câu trở lên. Ít dùng loại ca dao 2 câu vì đang hát, vừa hát đã hết hay bị hẫng” (Trần Ngọc Thụ). Chưa thấy tác giả của nhận xét trên lý giải thêm: Hẫng thế nào? Vì sao mà hẫng ? Nay xin trình bày thiển kiến của người viết.
Ru là một dụng của thể  lục-bát, mà lục-bát là tinh túy của dân Việt. Lục-bát có từ bao giờ và đã hình thành như thế nào là vấn đề xin dành cho những nhà nghiên cứu lịch sử văn học; Chỉ biết lục-bát thành văn và được đi sâu nghiên cứu, vận dụng bởi tác giả Việt Nam Quốc-sử Diễn-ca (Lê Ngô-Cát và Phạm Đình Toái) và biến thể của nó (song-thất lục-bát) bởi tác giả Chinh Phụ Ngâm Diễn-âm Tân-khúc (Phan Huy Ích): Phan Huy Ích làm cho thể loại này định hình với khái niệm Liên của mình. Ông gọi 4 câu thơ liền nhau của song thất lục-bát là một liên. Tôi thấy phát hiện này có một ý nghĩa rất lớn đối với thơ, nhất là thể lục-bát và song-thất lục-bát, nên đã cố truy tầm cho nó một lý giải, nay xin đưa ra đây để quý vị rộng bàn. Thơ Á-đông lấy 7 chữ làm một câu. Con số 7 có ý ngĩa rất quan trọng trong tâm thức nhân dân, đạo Bụt cho nó là số của thành tựu, Lịch-học cũng lấy làm đơn vị thời gian (1 tuần lễ). Nhưng thơ nói chung ít nhất phải có 4 câu (theo luật Phá-Thừa-Luận-Kết) là vì sao? Chúng ta thấy dùng đủ 4 câu thì ta có 28 chữ và con số 28 này cũng được dùng nhiều với ý nghĩa đặc biệt. Thế thì 28 chữ này và 28 ngày của một tháng mặt trăng (Âm lịch) có quan hệ gì không ? Tôi tin là có. Mặt trăng quay quanh trái đất với một chu kỳ khá đều đặn; Vẽ độ tròn khuyết của mặt trăng theo thời gian ta được một biểu đồ lượn sóng (hình sin) lặp đi lặp lại và vô tận. Tương tác Mặt Trăng - Trái Đất cũng làm nên những biến chuyển hình sóng tương ưng trong cơ thể và tâm hồn con người. Thơ văn vốn được coi như điệu-thức của tâm hồn con người thì làm sao không chia sẻ những rung động kia của trời và đất ? Con người vốn sinh ra từ tự nhiên và cũng từ việc học tự nhiên mới trở thành người văn-minh được! Hai mươi tám được chia làm đôi rồi làm bốn. Tẽ ra hai ngả Lịch-học và Thi-học ta đều thấy cái dụng của nó. Thơ Đường phát triển lên thành 8 câu (bát-cú) nhưng cũng không ra ngoài cái khung 4 vế. Sự phát triển này là tự nhiên và không phải khó hiểu, cũng như thơ lục-bát được biến thể đi để dùng cho linh động. Trí thức con người vận động theo quy luật nhưng bản thân nó cũng có một sự tự do nhất định. Tóm lại, một liên 28 chữ, 4 dòng là một tối thiểu hoàn chỉnh của thơ lục-bát và các biến thể của nó; Làm cho đủ một cái hoàn chỉnh thì không bị hẫng. Xét trở lại các truyện thơ nổi tiếng như truyện thơ Thạch Sanh, Nhị Độ Mai, Truyện Kiều v.v. ta  thấy phần lớn các đoạn 4 câu (1 liên) đều chứa đựng ý nghĩa trọn vẹn. Và cũng như Hằng Nga: sau một chu trình thì bắt đầu một cái mới, vẫn điệu khúc như xưa mà thực ra là rất khác; Không có cái mới nào giống y hệt cái đã qua!
Nói về Câu cũng xin nêu thêm một nhận xét nhỏ sau: Một câu lục-bát gồm hai vế: lục và bát; Nhiều người cho dòng là câu thì không phải. Một lục hay một bát đứng riêng ra thì không là gì; Nếu khi nói, người ta chỉ dùng một vế thì người nghe mặc nhiên hiểu là vế kia cũng được nhắc theo.
Sau đây chúng ta sẽ đi sâu vào nội dung một số lời Ru.

III
Có nhiều lời Ru rất phổ thông và dường như đã trở thành kinh điển. Trước hết ta xét hai câu Ru sau:
Em tôi buồn ngủ buồn nghê,
Buồn ăn cơm nếp, cháo khê, thịt gà ...
Tôi từng nghe câu này từ thuở ấu thơ. Chữ khê thông thường có nghĩa là cháy: Cháo bị cháy hay bị bén (nghĩa là đun quá lửa,  hoặc không được khuấy luôn tay cho nhiệt phân tán đều ra) thì gọi là khê. Toàn bộ nội dung câu ru là hợp lý, nhưng chữ khê thì nghe có vẻ vô duyên. Khi lớn một chút, được đi chợ huyện với chị tôi (Chợ Huyện một tháng chín phiên, Có cô hàng xén kết duyên bán hàng ...), tôi mới biết có loại cháo nấu bằng hạt kê, phết lên bánh đa mà ăn thì ngon lắm; Thế thì đúng ra ở đây phải là cháo. Tôi yên chí là mình đã tìm ra chân lý và rất thông cảm với trình độ những người thân của mình vốn là những kẻ chân quê! Nhưng rồi đến mãi sau này được nghe nhiều người ru lại vẫn câu ru ấy, vẫn chữ "khê" ấy, thì tôi thấy phải xét lại mình. Phải xét lại vì cũng có nhiều người nghe mà không ai phản đối hay đính chính mà đều đồng tình tán thưởng. Vì sao vậy? Và tôi hiểu ra rằng, khi nghe ru, người ta đi vào một thế giới khác: Có thể gọi đó là thế giới của âm điệu, của  tâm linh. Trong lời ru trên, hai chữ nối vần nhau (mấu chốt của thơ lục-bát) là nghê và khê (hay đúng ra là kê). Chữ của câu lục là chữ theo vần kép: “ngh.” ; Để cho chỉnh vần, người ru đã chọn giải pháp đối vần: chuyển kê thành khê cho có cùng vần kép “kh.” Tôi thử đi thử lại thì thấy câu ru mền đi hơn, nhuần hơn. Nếu sửa chữ của câu sáu, chữ nghê thành bê hoặc giản đơn thành ê chẳng hạn, câu ru cũng có vẻ nhuần nhưng sự vô lý ở đây sẽ vượt quá ngưỡng cho phép nên chẳng ai dùng!
Trường hợp câu ru về con cò cũng có hai phiên bản mà tôi được biết, một:
Con cò mày đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao;
Ông ơi, ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng;
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

Và hai:
Cái cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm nhào cổ xuống ao;
Ông ơi, ông vớt tôi vào,
Ông nỡ lòng nào, ông lại xào măng;
Có xào thì xào nước trong,
Đừng xào nước đục đau lòng cò con.
Cũng như trường hợp trên, lời thứ nhất được ru rất nhiều trong khi lời ru thứ hai đã được chọn trình bày trong băng hình Những Ca Khúc Vượt Thời Gian. Lời ru thứ nhất có thể được giải trình như sau: Trong một phiên xử kiện con cò và người cứu nó, người ru là người làm chứng, nói: Con cò kia, mày đi ăn đêm, mày lộn cổ xuống ao ... Phần sau, người ru trình bày lại lời mặc cả của con cò với người đã cứu mình v.v. Lời ru này dùng chữ xáo măng là rất chính xác. Lời thứ hai chau chuốt hơn với hai chữ cái cò rất dễ thương; Toàn bộ không có gì gay gắt như lời một, chỉ là lời cò than van và trăn chối lại: Ông đã cứu tôi khỏi chết, sao nỡ giết tôi? Tôi có con nhỏ, xin hãy nghĩ đến nó mà xử cho có tình v.v. Có thể cái con người cứu cò kia nghĩ lại và dùng nước trong để nấu xáo con cò. Tôi không tin là như thế, những cò con đang bơ vơ nơi tổ chờ ngóng mẹ sẽ bớt đau lòng. Tôi chỉ thấy cái cảm giác xát muối trong dạ mỗi lần nghe lời ru ấy!
Nhân nói đến “Cái Cò” cũng phải nêu lên là hình ảnh này được nhắc đến rất nhiều trong Ru cũng như trong văn học dân gian như ca dao, tục ngữ ... với tình cảm thật là trìu mến và cảm động. Ấy là vì trong xã hội nông nghiệp ngàn đời nay của dân Việt, cánh cò bay lả bay la là một hình ảnh không thể thiếu trong bức tranh đồng nội. Con Cò, như được mô tả phần nào trong lời ru vừa nêu trên, là hình ảnh chịu thương chịu khó và vô cùng nhân hậu; Nhớ lại câu chuyện về người nông dân và con cò đọc từ thời niên thiếu, tôi thấy còn dậy lên cái cảm giác bùi ngùi khi hai nhân vật này phải chia tay nhau; Và tự nhiên tôi thấy giảm đi rất nhiều thiện cảm của mình khi nghe lại bài hát gần đây người ta viết về con cò: Con cò bé bé, nó đậu cành tre, đi không hỏi mẹ ... Người viết muốn vận dụng một hình ảnh rất phổ biến là con cò để đưa vào nội dung giáo dục trẻ em của mình. Nhưng mô tả loài vật với những khuyết điểm, dù nhỏ, mà nó không có cũng là một sự bất công. Việc con người dùng hình ảnh các con thú khác để mô tả những tính xấu của người mình không ưa, tôi cũng cho là một điều thiếu văn-hóa. Nếu con người nêu ra và tranh đấu cho nhân quyền thì ít ra cũng nên nghĩ đến thú quyền hay vật quyền nữa. Đây không phải chuyện chữ nghĩa đơn thuần mà là một sự thực: Con người sống trong một tổng thể cân bằng và sự mất cân bằng sẽ làm tổn hại đến mọi thành viên trong đó có con người. Hãy coi người ta dùng các phương tiện kỹ thuật để tăng năng xuất lúa (hoá chất chẳng hạn) đã làm hại đồng ruộng thế nào: những sinh vật nhỏ không còn nữa, cánh cò vắng dần trên đồng lúa, và sâu rầy thì có dịp sinh sôi ... Nhưng thôi, chuyện này không còn trong khung Ru nữa mặc dù Ru cũng bao gồm những điều vừa nói và thực ra còn rộng lớn hơn nhiều: Ru là nhân cách, là đạo lý, là văn-hóa!

Một bài ru khác cũng rất nổi tiếng:      
Bồng bồng mẹ bế con sang,
Đò dọc quan cấm, đò ngang quan chèo;
Muống sang thì bắc cầu kiều,
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thày.
Đây là lời ru cực kỳ khéo, không phải ai cũng hiểu hết ý của người đặt lời: Rất nhiều người trích hai câu sau làm phương châm cho cuộc sống; Bản thân tôi cũng từng tin như vậy. Nhưng rồi  mỗi lần đọc lại, cứ thấy có cái gì vương vướng. Chính là bởi hai chữ phải và lấy ở câu cuối: Yêu mà phải thì cơ cực, còn chữ lấy thì chua xót lắm. Tôi vốn giữ lòng kính trọng đối với những người đã dạy mình, dù ít dù nhiều. Mà trong văn học dân gian, câu này là một trong những câu hay nói về người Thày. Chắc nhiều người cũng nghĩ như thế nên cắt riêng hai câu cuối ra và sửa đi chút ít: Muốn con hay chữ thì yêu kính Thày. Cũng coi như là được đi nếu bỏ qua những tiểu tiết như chữ thì được lặp lại ở hai câu, rồi cả yêu lẫn kính xếp cùng một chỗ v.v.
Trở lại lời Ru: Cái khéo ở đây là sau khi tả cảnh quan cấm đò, tác giả đề nghị một giải pháp: Muốn sang bên kia sông thì bắc cầu mà đi; Cái thế của thơ văn là thế, vô tội! Nhưng nghe hoài rồi thì thấy cái gì đó u uẩn, không an: Làm sao đang bế con sang sông lại nghĩ đến chuyện yêu lấy thày? Cái cầu kiều và chuyện con hay chữ  thì liên quan gì đến nhau? Thực ra lời ru rất chặt chẽ và hợp lý: Người mẹ bế con nhỏ (còn chưa đi học!) về thăm cha mẹ bên kia sông (Có lấy thì lấy cách sông!); Thấy cảnh đò bị cấm (mà ông quan cấm đò chắc không phải người xa lạ, có ẩn tình gì ở đây chăng?), người mẹ không qua sông được, ngồi nghĩ về cơ ngơi nhà cửa của cái ông quan này: Nhà sang lắm, có ao thả cá, có cầu rửa chân v.v. Cầu kiều là thứ cầu các nhà quan xây cho sang như ông Tào Tháo bên tầu xây tới hai cái cầu lận, nối liền hai cái hồ để mà chơi!... Nhưng muốn thế thì phải làm quan, phải cho con đi học chữ, tức là phải yêu lấy thày!
Về chuyện làm quan cũng phải nói thêm rằng nó vốn là một ước mơ không phải nhỏ và không phải không chính đáng. Những người theo thuyết luân-hồi cho rằng người được làm quan là do phước lộc các kiếp tu hành trước mang lại; Người thì cho là do sự nỗ lực của bản thân trong tu dưỡng tài và đức, nhưng cũng có người cho là phải có một lý lịch gia đình thế nào đấy để tổ chức tiện sắp xếp. Quan thì mới sang, mới làm được những điều mình muốn. Ông Nguyễn Bính là một nhà thơ tình, khi thất tình ông nói dỗi thế này:
Mấy khoa thi cuối thày ơi,
Thày không thi đỗ để rồi làm quan;
Để rồi lắm bạc nhiều vàng,
...
Ta biết ông nói dỗi như vậy trong cái lúc bị phụ tình vì chính ở mấy dòng trên đó, ông rất hiểu gia cảnh ông và cuộc đời ông:
Còn tôi sống sót là may,
Mẹ hiền mất sớm, trời đầy làm thơ ...
Một người chan chứa tình cảm như thi-sỹ Nguyễn Bính không bao giờ trách giận cha, ông; Nhưng cái kiểu nói dỗi, nói lẫy, nói quá lên ta gặp nhiều ở thơ ông và việc “làm quan ... lắm bạc, nhiều vàng” thì cũng khá gần sự thật.

Trên đây là đôi bài trong nhiều bài Ru quen thuộc mà ai cũng từng nghe nhiều lần trong đời: nằm trong nôi, nằm trên chõng tre mà nghe, ngồi đâu đó mà nghe một người mẹ ru con, tự ru thầm trong lòng cho mình để mà suy ngẫm; Và cứ mỗi lần như vậy, ta lại thấy sáng ra một điều gì đó. Thế nhưng có những lời ru ta rất thích nghe, mà nghe mãi rồi vẫn không biết hiểu sao cho phải. Bài Thằng Cuội chả hạn: Thằng Cuội ngồi gốc cây đa thì đúng rồi; Nó bỏ trâu ăn lúa cũng còn hiểu được. Nhưng cha nó cắt cỏ trên giời và mẹ nó cưỡi ngựa đi mời quan viên thì là thế nào ? Cứ như thách đố, buồn đến bực mình, mà cứ muốn nghe, thích nghe! Tôi nghe đến chữ trên giời thì lòng dạo rực lên, cảm giác nóng ran truyền ra khắp người; Là vì chữ giời (bây giờ nói là trời) là chữ của một thời: thời thày mẹ tôi viết và nói như vậy, thời quanh quanh những năm 50 đấy.
Chỉ có những lời Ru mới giữ lại cho ta những gì tưởng đã trôi qua; Ta cảm ơn người nghệ-sỹ đã thấu hiểu điều đó và làm sự sống những lời Ru còn mãi với thời gian.

IV
Nhưng nhiều khi không chỉ có lời ru không cần giải thích. Có những bài nghe ai đó ru, ta tự hỏi: sao lại ru con như thế? ru để làm gì? trẻ có hiểu không? Nghĩ trong lòng như vậy thôi, nhưng không thể hỏi được: Người ru kia đang say sưa như ru mình, ru cho mình, nói lòng mình.
Tôi từng nghe Thày tôi ru em bằng bài Khóc Dương Khuê:
Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây tan tác, ngậm ngùi lòng ta ...
Tôi đã ở cái tuổi hết được bế ru, ngồi nghe như vậy và nghĩ: Bác Dương nào nhỉ? Bác đã đến chơi nhà mình lần nào chưa? v.v. Tha thẩn nghe, tha thẩn nghĩ như vậy cho đến khi em tôi ngủ lúc nào, Thày tôi đặt em nằm rồi đi làm gì ở đâu tôi cũng không biết. Còn tôi thì chạy đi chơi, quên bẵng luôn đi, quên tịt hết những cái vừa diễn ra trong đầu mình! Bây giờ Thày tôi mất rồi; Nhớ lại những ngày ấy, tôi mới hiểu ra rằng Thày tôi thường ru bài này có lẽ vì trong đó có những câu:
Ai chẳng biết chán đời là phải,
Vội vàng sao đã mải lên tiên?
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua, không phải không tiền không mua ...
Là nghĩ vậy thôi chứ không dám đoan chắc. Tôi đã hiểu cuộc đời của Thày tôi, nhưng e đi hết cuộc đời này, không biết mình có hiểu hết được lòng Người không, kể cả những điều Người thường gửi gắm trong những lời ru!
Trạng huống Ru như trên không phải cá biệt nếu chưa nói là phổ biến. Người ta ru cả một trường đoạn Truyện Kiều trong đó Thúy Kiều nhờ cậy Thúy Vân thay mình trả nghĩa chàng Kim để được nhắc đến câu:
Trăm năm chắp mối duyên thừa cậy em!
Người ta ru đi ru lại Thề Non Nước, Lỡ Bước Sang Ngang ... Và như thế, người ru tự đưa mình đến trạng thái cộng hưởng của tâm hồn và thể xác. Lúc này người mẹ ru con và đứa trẻ trong lòng đã hòa thành một khối và lời ru như một thứ chân khí truyền từ người mẹ sang con. Tác dụng của ru không chỉ nằm trong lời của nó; Nó được truyền cùng hơi ấm của vòng tay ôm ấp, cùng nhịp đập của trái tim người ru (thường là người mẹ) và đứa trẻ chìm vào giấc ngủ như chìm vào một giấc thôi miên; Mà thực sự đó là một kiểu thôi miên.
Cứ ru, cứ nghe, không phân trần, lý giải; Lời Ru in vào trí, thấm vào tâm thức, không rời khỏi ta trong suốt cuộc đời. Lời Ru vỗ về, lời Ru thôi thúc, lời Ru góp phần tu chỉnh đời ta. Cho nên, về một mặt nào đó có thể coi những bài Ru như một thứ kinh cầu  hay chú nguyện (**).

V
Có một câu tục ngữ nói rằng: Cuộc đời thì tiến lên trước theo năm tháng, còn kiến thức của ta thì lùi lại phía sau; Ý là con người muốn hiểu cuộc sống thì phải biết nhìn lại đời mình.
Ai nhìn lại thời thơ ấu cũng thấy lòng mình xao xuyến, cũng ước mong được về lại tháng năm xưa, để nhỏ bé lại mà cuộn tròn trong lòng Mẹ, để được ngủ vùi trong những lời Ru. Nhưng Bà ta, Mẹ ta đâu còn nữa! Ngày Người ra đi hoặc ta còn quá dại khờ (Bà chết cháu được ăn xôi ... !!! ), hoặc ta còn mải ngược xuôi bươn trải với đời, bóp trán vò đầu vì sự nghiệp! Ta chẳng biết rằng, từ phút giây Người ra đi ấy, lần thứ hai ta từ giã nguồn nhau! Lần đầu, khi cuống nhau được cắt, ta chào đời bằng tiếng khóc u ơ. Lần sau, khi Người trở về cát bụi, ta khóc thương Người mà cũng là khóc cho côi cút cuộc đời ta!... Ta chẳng biết trong phút giây đau đớn ấy, Người còn ưu tư cho ta biết nhường nào. Hôm nay, tóc đã pha sương, nhìn lại: Hình Mẹ ta hiện lên lồng lộng giữa đất trời! Và ta hiểu rằng ta chưa từng ra khỏi bàn tay kia, tấm lòng kia: Tấm lòng Người Mẹ!
Chín tháng mang nặng đẻ đau,
Ba năm bú mớm, cù lao chuyên cần ...
Qua ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi...  Qua một năm tướt mọc răng, hai, ba năm trốc lở... người Mẹ trông cho con tới sáu tuổi để đi trường:
Khó đi mẹ dẫn con đi,
Con đi trường học, mẹ đi trường đời!
Giáo-dục học xác định (***): Trẻ em cho đến 6 tuổi, nếu thông thạo ngôn ngữ nào thì ngôn ngữ đó là tiếng mẹ đẻ của nó. Điều khẳng định này không cần giải thích vì chữ Tiếng-Mẹ-Đẻ quá đầy đủ. Nếu cần nói cách khác cho khó hiểu hơn thì có thể nói như sau: Mỗi người có một ngôn ngữ gốc là thứ tiếng nói người đó được truyền dạy từ lúc lọt lòng và tới 6 tuổi là tuổi đi trường thì dùng nó một cách thành thạo.
Tiếng nói - Cái thứ xác định ta là một con người, cái thứ không có nó ta không sống trọn một đời - đã được Mẹ trao lại cho ta như thứ của hồi môn vô giá. Nước nào cũng gọi tiếng nói cả Dân-tộc mình dùng là Tiếng-Mẹ-Đẻ; Người Mẹ nuôi con lớn lên bằng bầu sữa của mình; Nhưng người Mẹ cũng nuôi con lớn lên bằng ngôn từ, bằng biển sóng tình cuộn chảy từ những lời Ru.

Chú Thích
* Ai đó ở đây chính là nữ-sỹ Xuân Quỳnh và hai câu thơ trên là trong bài thơ Chị viết ở Lĩnh Nam năm 1967. Biết được như vậy là do gần đây được đọc tập thơ của Chị do một người yêu thơ cho mượn xem; Và như vậy tức là tôi đã đọc bài thơ này từ khi nó được đăng lần đầu trên báo Văn Nghệ. Câu thơ để lại dấu ấn trong tôi trong suốt thời gian dài dù tôi đã quên hết bài thơ, quên cả tên tác giả. Nay những điều đó đã tìm lại được rồi nhưng tôi vận giữ đoạn mở đầu trên và viết thêm lời chú này để giữ lại một kỷ niệm về thơ.
** Ngâm thơ có tác dụng trị liệu đối với một số bệnh - Đó là kết luận của các nhà bác học. Thông tin này được đăng tải trên Internet của VNN, tiếc rằng tôi không còn giữ được bản tin này; Ở đây chỉ xin lưu ý là tác dụng của hát ru cũng như của ngâm thơ là rất lớn trong việc (sửa) chữa bệnh và hình thành nhân tính của mỗi con người.
*** Đây là ý trong bài giải đáp khoa học trên báo Phụ Nữ Việt Nam của một nhà khoa học giáo dục nữ.



Bài Số: VL-08
Xin đừng ngụy biện!
|
04:12:pm 03/07/09 | Đăng tại Chính Trị-Kinh Tế | Đọc tiếp »

Lời dẫn:
21:49, 2011-02-21
Những bài viết được đăng tải lại vừa có tính tư liệu nhưng cũng là kỷ niệm. Dẫu sao, chúng cũng ghi ra một số nhận thức cơ bản có thể cần được nhắc lại. Bài này cũng được Thông Luận biên tập và đăng tải dưới tiêu đề khêu gợi hơn: Cái lưỡi của nhà trí thức”; Nội dung không khác là mấy.
Ban Biên tập và ông Nguyễn Tường Tâm – Trân trọng ghi nhận sự quan tâm của một cây bút – có nhầm “Tân” thành “Tấn”; Nhưng cũng là ... kỷ niệm, nên giữ nguyên trạng.

Lời tác giả: Những suy nghĩ sau đây được tập hợp sau khi đọc bài trả lời phỏng vấn RFA của ông giáo sư Tương Lai. Trước hết xin lược kê các từ  khóa và chút ít dẫn giải.
Lời giới thiệu trên RFA rằng: “Giáo sư Tương Lai, cựu thành viên Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS)” đã cho tôi cảm giác kính trọng; Tôi đã “cúc-cần” (tra tìm trong Google) để rõ “trích ngang” của ông và thấy liệt kê 134 bài viết với những chủ đề quan trọng. Do không phải chuyên đề nghiên cứu tác giả, sau đây chỉ bàn về một số luận điểm của ông trong bài vừa đăng trên diễn đàn.
- Đảng Cộng sản Việt Nam,
- Hồ Chí Minh,
- Giải phóng dân tộc,
- Đổi mới,
- Dân chủ,
- Đa nguyên.
1. Tóm lược nội dung trả  lời phỏng vấn của GS Tương Lai

Về “đảng”, ông Tương Lai (TL) cho rằng Karl Marx quan niệm về “đảng ý thức” và “đảng tổ chức”; khái niệm này liên quan đến “giai cấp” mà ông Marx cũng cho nó biến động từ “vô sản” đến “người lao động”. Về tình hình thế giới hiện tại, ông TL cho rằng “đảng chính trị cũng bị tha hóa rất nhiều”. Thông qua ý kiến “ông Hồ Chí Minh” (nguyên chữ của TL), ông TL đề nghị bằng “cách nói uyển chuyển” rằng “đảng phải là đảng của dân tộc” để “giữ vững được sứ mệnh của mình là người lãnh đạo dân tộc”.
Về sứ mệnh “đại diện cho dân tộc” của đảng, ông TL xét cụ thể từng giai đoạn lịch sử  (“duy vật lịch sử”!). Trước 1975, ông khẳng định: “Thực tế Đảng đã thực hiện tốt vai trò giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đấy là sự thật lịch sử, có muốn bác bỏ cũng không bác bỏ được”. Không may, “từ 1975, (do) đi theo mô hình Xô viết, rồi chịu ảnh hưởng của Mao ít” nên “đảng vấp phải những sai lầm” 1 và “nó (tức là những cái “sai lầm” chứ không phải chính là đảng – người viết chú) đẩy đất nước đi vào chỗ bế tắc và đi vào khủng hoảng trầm trọng kéo dài”. Từ bối cảnh như thế “đảng ta” đạt được một thành tựu khác là “sự nghiệp đổi mới do đảng tiếp nhận được từ sức sống của dân tộc, của nhân dân, biến thành đường lối của mình, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Việt Nam”; Nay chỉ vì “một số đảng viên của Đảng thoái hóa biến chất” mà “vấn đề đặt ra như yêu cầu của chủ tịch Hồ Chí Minh là chỉnh đốn Đảng – là yêu cầu số 1”. Về “vấn nạn tham những”, ông TL khuyên rằng nên coi đó chỉ là 1 mặt của tấm huân chương thôi, vì nếu cả 2 mặt (toàn bộ) đều tham nhũng thì chắc chắn “tấm huân chương” này không ai đeo nữa (!)
Về dân chủ đa nguyên, ông giáo sư khuyên “đây là vấn đề nhiều khi không thể hiểu một cách cứng nhắc”. Nên (quên đi, đừng nói đến nó, và) chú ý đến“điều quan trọng, không có gì quý hơn độc lập tự do – đấy là mệnh đề xem như tuyên ngôn của Việt Nam trong thế kỷ 21 này”. Hai mặt đó, “độc lập” là hình thức và “tự do” là nội dung “trong đó tự do là cái ý chí của đảng viên” (!!!)
Ông Tương Lai là giáo sư, lý sự  (lý thuyết và sự việc ông dẫn ra) rất kín kẽ; muốn hiểu (“thủng”) ông phải thật là … tỉ mẩn!
2. Những điều ngụy biện
Trước hết, để bàn rõ về “đảng” như phần sau sẽ trình bày, bất kỳ tổ chức nào cũng được hình thành và triệt thoái theo yêu cầu và trong một điều kiện lịch sử cụ thể. Khi điều kiện lịch sử thay đổi, tổ chức đó hoặc không tồn tại tiếp, hoặc biến đổi thành một thứ khác không phải là nó như nguyên thủy nữa. Đảng cộng sản Nga chẳng hạn, ngày nay chỉ là một thành phần trong xã hội; nó có thể trở thành lãnh đạo hay giữ vai trò đối lập tùy theo sự chọn lựa của cử tri. Cái gọi là “cách nói uyển chuyển” chẳng qua là sự ngụy biện ngôn từ để “giữ vững sứ mệnh là người lãnh đạo dân tộc”. Tôi không cho rằng cụ Hồ Chí Minh nghĩ như thế. Còn “nói chung ở trên thế giới hiện nay thì đảng chính trị cũng bị tha hóa rất nhiều” là cách nói hàm hồ! Đảng nào chẳng mang ý nghĩa chính trị và có mục tiêu là quyền lực? Có điều các đảng trong các nước dân chủ đa nguyên phải thi thố với các đảng khác về phương sách lãnh đạo đất nước trong một điều kiện kinh tế, văn hóa, chính trị cụ thể và vị trí lãnh đạo của nó được xác lập thông qua lá phiếu của cử tri. Có tham nhũng; nhưng tham nhũng ở đó bị nhanh chóng phanh phui và đem xử lý mà không cần xem xét “nhân thân” để bao che!
Về cách mạng giải phóng dân tộc, “thực hiện tốt vai trò giải phóng dân tôc, thống nhất đất nước” là lối chơi chữ không nghiêm chỉnh! Chỉ có Lục Vân Tiên một mình bẻ cây, đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga đang bị trói mới có thể nói “thực hiện tốt vai trò giải phóng”. Công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập là kết quả truyền thống yêu nước của Dân tộc Việt Nam từ cả ngàn năm. Hãy nhớ lời cụ Hồ: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của chúng ta. Từ trước đến nay, mỗi khi đất nước bị xâm lăng thì tinh thần yêu nước đó lại kết thành làm sóng nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước. Xin nhắc lại là hãy nhớ lời đó của cụ Hồ Chí Minh để khỏi mất công ngụy biện như thể không còn có ai hiểu được thế nào là câu chữ và nghĩa lý. Không ai phủ nhận vai trò tổ chức và lãnh đạo chiến tranh giải phóng dân tộc của đảng Cộng sản Việt Nam với những tài năng như Võ Nguyên Giáp, Trần Độ, Hoàng Văn Thái, … Nhưng tất cả nằm trong tài năng, mưu lược và sự dấn thân hy sinh của toàn dân tộc. Võ Văn Kiệt được nhiều người nhắc đến vì đã nói lên điều đạo lý tự tâm can: Ngày giải phóng có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn! Đã là sự thật lịch sử thì không ai bác bỏ được, nhưng cũng không ai xuyên tạc được! Xin đừng ngụy biện để, như lời một nhà văn, ĂN MÀY DĨ VÃNG!
Còn “đổi mới” thì sao? Xin không nói lại về cái chuyện (như vô tình) “vấp sai lầm” nữa. Cần phải xem xét kỹ đóng góp của nhà trí thức Trường Chinh trong việc lắng nghe, suy nghĩ và kiên trì thực hiện những bước đầu tiên của Đổi mới. Lịch sử chưa xa và tình hình lúc đó là “đổi mới hay là chết”.
Cuối cùng là sự xuyên tạc tinh thần Hồ Chí Minh. Câu nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trong hoàn cảnh như sau: “Năm 1964, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Người động viên toàn thể nhân dân Việt Nam vượt mọi khó khăn gian khổ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Người nói: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quí hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. Trong hoàn cảnh khốc liệt như vậy (tôi là người ít tuổi hơn ông giáo sư nhiều mà vẫn còn nhớ được), câu nói đó đến đúng lúc như một ngọn cờ tiếp sức trong cuộc chiến giành độc lập để tiến tới tự do. TỰ DO là ước nguyện của con người và là QUYỀN được ghi trong Hiến Pháp – là tự do làm ăn, tự do đi lại, tự do tư tưởng và ngôn luận, … – là điều phổ quát cho con người trên thế gian. Nay ông giáo sư khẳng định “tự do là cái ý chí của đảng viên” là ý làm sao? Hơn nữa, còn là “tuyên ngôn trong thế kỷ 21” – còn 90 năm nữa lận! Hiểu một cách “uyển chuyển” thì đó là ý chí và quyết tâm của đảng đấy: Ý chí của đảng mở ra bao nhiêu, cho phép bao nhiêu thì trên đất nước này có tự do chừng nấy!? Tôi thực sự không hiểu tư duy trong giai đoạn này của một “nguyên thành viên IDS”?!
3. Đôi lời kết
Nguyên ban đầu tôi có ý định viết về “đảng trong một thể chế Dân chủ” để làm rõ cái sai trong việc trình bày sự “uyển chuyển” của khái niệm ĐẢNG. Thời gian biến đổi, hoàn cảnh biến đổi thì nhiệm vụ, cơ cấu cũng phải khác và các tổ chức phải biến đổi hoặc biến mất. Đức thánh Trần trong tư duy một nhà trí thức (Người không tham chiếm ngôi báu, quyền hành) đã nói: Thời chiến thì vua tôi một dạ, trên dưới đồng lòng; Thời bình thì KHOAN SỨC DÂN làm kế sâu rễ bền gốc – Đó là kế giữ nước. Hai thời hai kế sách; Và KHOAN SỨC DÂN theo tiếng nói ngày nay là THỰC HÀNH DÂN CHỦ đấy!
Tuy nhiên, vừa viết vừa nghĩ thì ngộ ra rằng: Một người học thức như giáo sư, việc ông ngụy biện là có chủ ý. Ta chỉ cần tự mình thấy và chỉ ra ít nhiều sự thực ông ẩn giấu là đã đủ. Những điều khác, ông dư sức biết. (Đúng như một bạn trên một diễn đàn đã nói rất hay về bài của ông Tương Lai: Đọc xong thấy đúng là mình rỗi hơi…) Cho nên chỉ xin làm phiền quý vị chút ít thời gian và hy vọng không phải là … vô tích sự.

© Bùi Tấn Phong

1 Phản hồi cho “Xin đừng ngụy biện!”
Nguyễn Tường Tâm says: 14/02/2010 at 00:50
Ông Bùi Tấn Phong viết, “Tuy nhiên, vừa viết vừa nghĩ thì ngộ ra rằng: Một người học thức như giáo sư, việc ông ngụy biện là có chủ ý… Những điều khác, ông dư sức biết…” Theo tôi thì ông Bùi Tấn Phong “hơi bị” lầm khi viết như vậy. Tôi đã thường xuyên theo dõi ý kiến của “hơi bị nhiều” những “Giáo Sư”, “Phó Giáo Sư”, “Tiến Sĩ” trên nhiều bộ môn và tôi thấy “hơi bị nhiều” những vị “Sĩ” và “Sư” của nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chẳng có kiến thức gì cả. Đại đa số đều là sản phẩm của một nền giáo dục èo uột và rồi ở lâu lên lão làng, nhiều tuổi đảng được “tặng” bằng cấp và tước hiệu thôi. Đã có lúc tôi copy từ các bài báo trong nước về những phát biểu cho thấy trình độ yếu kém của những vị Sư và Sĩ Xã hội chủ Nghĩa để làm tài liệu cho một bài phân tích về sự yếu kém của trình độ văn hoá và giáo dục của Việt Nam sau khi nước nhà thống nhất. Nhưng rồi tôi phải bỏ ngang ý định này vì “quá sức nhiều” những bằng chứng về sự thiếu trình độ của những vị như vậy. Bởi thế GS Tương Lai hay còn nhiều vị GS khác nữa có phát biểu chăng thì ngôn từ kêu rất to nhưng nội dung thì rỗng tuếch cũng là điều thông thường. Các vị đó KHÔNG BIẾT THỰC SỰ CHỨ KHÔNG PHẢI BIẾT MÀ NGỤY BIỆN HAY CHE DẤU ĐIỀU CHI ĐÂU. KHÔNG NÊN ĐÁNH GIÁ CÁC VỊ ĐÓ CAO QUÁ ông Bùi Tấn Phong ạ!

Kính,
Nguyễn Tường Tâm


Bài số: VL-07
Herta Müller – Văn thơ và cuộc đời
Bùi Tân Phong

LTS: Nhà văn Đức, bà Herta Müller (sinh năm 1953) nhận giải thưởng Nobel văn chương ngày 10.12.2009 tại Stockholm, thủ đô Thụy Điển. Tác phẩm làm nên giải thưởng Atemschaukel (Đung Đưa Nhịp Thở), do Hội đồng giám khảo quyết định từ ngày 8.10.2009, trong thời gian ngắn đến nay đã bán được gần 350.000 ấn bản, tái bản đến lần thứ 12. Tại Đức bình thường một tiểu thuyết hay ra mắt bán được 20.000 ấn bản là đã thành công. Từ ngày này những buổi nói chuyện về văn học của bà, được dư luận quan tâm thường không còn chỗ trống…

Lời giới thiệu
Kể từ năm 1901, khi giải Nobel Văn chương đầu tiên được trao cho văn sỹ, đến nay đã có 12 nhà văn nữ trong khi đã có 93 nhà văn nam được nhận được nhận giải thưởng cao quý này. Giải Nobel Văn chương năm 2009 được trao cho Herta Müller, nhà văn Đức sinh tại Rumania. Thông tin về tiểu sử và việc nhận giải của bà đã được đăng tải trên hầu hết các trang mạng lớn. Chúng tôi chọn dịch hai tác phẩm ngắn của bà và hy vọng đưa đến quý bạn đọc chút ít thông tin trong thời gian thư giãn.
Bài thơ Đôi bàn ủi lạnh
(Kalte Bügeleisen)
Bài thơ ngắn nhưng đã mô tả sống động hình ảnh đặc thù của một nhân viên an ninh trong chế độ toàn trị. Đọc, ta có thể liên tưởng đến hình ảnh thanh tra mẫn cán Javert trong Những Người Khốn Khổ của Victor Hugo; tuy nhiên ngay tại đây, ta phải xác nhận rằng nhân vật của Victor Hugo là những con người có tính cách và nhân cách. Xin được nhắc lại những dòng này: „Chuông nhà thờ Đức Bà vừa gõ một giờ. Chống khuỷu tay lên lan can cầu, Javert nhìn đăm đăm xuống dòng nước sông Seine âm u. Người tù khổ sai đó đã cứu ông ta, Javert! Và điều còn khó tin hơn là ông ta, Javert, đã cứu người tù khổ sai đó! Đó là điều có thể chịu đựng được không? Không. Và Javert bước qua lan can cầu.“ (Chương 10).
Văn chương cần tài năng mô tả và phục dựng; nhưng văn chương cũng là kiến tạo, mà là sự kiến tạo vĩ đại nhất: Nhân cách làm người.
Gối đầu I. Chuyện trở về
Tiểu đoạn này được giới thiệu như một phần trong đề cương cuốn sách làm nên giải thưởng của nhà văn: Đung Đưa Nhịp Thở (Atemschaukel) mới ra mắt mùa Hạ năm 2009. Bản thân cuốn tiểu thuyết là kết quả cộng tác tuyệt vời của hai văn sỹ thuộc 2 thế hệ khác nhau với những tính cách và phương pháp khá khác biệt: Oskar Pastior (20. 10. 1927 – 4. 10. 2006) hơn Herta Müller trên 20 tuổi. „Mặc dù khác biệt về tuổi tác và phương thức tiếp cận (cuộc sống) – ‚ông làm thơ, tôi viết tản văn’ – và tính cách (‚ông dồn nén, tôi bột khởi’); hai nhà văn đã có được sự cộng tác đầy hiệu quả cùng với lòng say mê khám phá“.
Dù việc tiếp cận với tác phẩm chính đang ở những bước ban đầu, đọc phác thảo đề cương của nó ta cũng hình dung được phần nào phong cách và nội dung các tác giả muốn thể hiện. Đề cương giới thiệu cho ta biết một con người vừa được phóng thích ra khỏi trại cải tạo để về với cuộc sống đời thường; nhưng những năm lao tù đã để lại trong tâm khảm người tù gánh nặng không thể nào thoái bỏ trong một sớm một chiều, nếu không nói là sẽ phải đeo nó suốt một đời người. Khi lần mò làm việc với từng câu chữ, đoạn văn, tôi không thể nào không nghĩ đến một tác phẩm khác – hoàn chỉnh, đau đớn và gần gũi hơn của Việt Nam: Chuyện Kể Năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Cũng những ngây ngây dại dại của một kẻ mới ra tù; Nhìn ai cũng thấy „quen quen, nhang nhác như đã gặp ở đâu“… Quả thật nỗi đau nhân loại là nỗi đau chung (Kein fremdes Leid)! Các nhà văn viết nên tác phẩm là bởi tài năng; nhưng nhà văn viết nên tác phẩm cũng là do biết chắt lọc (và phải trải nghiệm?) tất cả những ngọt, bùi, chua, cay, mặn, đắng của cuộc đời. Nếu người đọc chúng ta không biết trân trọng những điều đó, chẳng phải là ta quá vô tình và bạc bẽo lắm sao? Để rồi không thể chia sẻ với những người thanh xuân phơi phới đang phải vùi chôn cuộc đời trong chốn lao tù như Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định?... Để không thể hiểu tại sao sau 9 ngày tù giam, người mẹ trẻ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm) đã rơi lệ từ bỏ để về với con thơ chưa tròn 3 tuổi?
Văn học là Nhân học – Nhắc lại thêm một lần có lẽ cũng không dư.

Đôi bàn ủi lạnh (Herta Müller)
Nhỏ bé và xám ngoét – gã lượn quanh công viên. Vượt lên trong cây.
Nhỏ bé và xám ngoét – gã mang thiết hài như bàn ủi lạnh.
Nhỏ bé và xám ngoét – gã đi dạo với áo khoác nhàu bẩn, một con chó đói và hai chai sữa.
Nhỏ bé và xám ngoét – gã đứng lẫn dưới cây. Lắng nghe.
Gió lật tóc lên.
Gió đè tóc xuống.
Gió lật lên, đè xuống cái thứ trùm phủ sọ não gã đàn ông.

Gối đầu I. Chuyện trở về
Trích từ đề cương tiểu thuyết, tiêu đề "Đung đưa nhịp thở" (Herta Muller và Oskar Pastior)
Bảy năm sau khi rời trại giam trở về cố quán, tôi bắt đầu giở những cuốn vở của mình ra và viết. Người ta nói rằng cứ sau bảy năm thì mọi tế bào trong một con người đều được tân sinh; thân xác đổi thay, giống như quần áo. Có cả một bài hát với những âm giai: Đã mang thân xác bảy năm trời, / Ta chẳng dung mình lâu thêm nữa. Có thể ca những lời này; chỉ không thể kham nổi cái ý nghĩ rằng bây giờ ta là con người mới lạ. Mà ngay cả khi tin có điều như vậy, ta vẫn già đi thêm bảy năm trường. Thi nhân A-pôlin-nơ nói:
Cô hàng đổi thịt thay da,
Bảy năm trái thị -
Thật là khó tin.
[THÔNG TIN 51 TRANG 36]
Con chữ mới thích hợp làm sao; cả cái chuyến trở về cố quán của tôi cũng là một sự đổi thịt thay da. Tất nhiên là bảy năm trời sau tôi cũng ngộ ra cái chuyến hồi hương ấy là một lần buông thả tự do, vì tôi hiểu ngôn từ và ngôn từ cũng vận được vào tôi. Và khi ngôn ngữ đáo môn, nó liền cất tiếng: „trắng nợ hồi gia“; cũng lại có lời: "vô ưu nhập xứ“ và „bằng tiện phỉ nguyền“. Người ta vẫn ngờ ý nghĩa của những câu "vô ưu nhập xứ“ và "bằng tiện phỉ nguyền“. Có những câu chữ vận vào tôi với nghĩa nào cũng được. Đôi lúc có thể đặt thành vần điệu để cái điều bất nhẫn có thể rung ngân một cách khôi hài:
Qua đi
khoảng độ
ba năm lính,
dài như
bảy hạ
túm râu ngô.
Bảy năm sau chuyến trở về của tôi, nghĩa là các tế bào đã hoàn toàn được tráo đổi sau cuộc tân sinh, tôi đã đi trên đôi chân tự do qua hết bảy niên đời. Trong dòng thời gian xuôi, mỗi ngày có thể được dùng để làm việc hay ôm gối suy tư; nghĩa là giống y như thời nằm trong trại. Tôi đánh vần tửng chữ: Ngày chủ nhật - thứ hai - ba - tư - năm - sáu - bảy. Sau lần thoát trại, mỗi ngày đối với tôi là một ngày tự do ngoài chốn đọa đầy. Dù đi làm hay ngơi nghỉ, bình minh đối với tôi là bắt đầu „một ngày chắc hẳn tự do“ - làm việc hay nằm dài cũng rặt như nhau cả. Tôi là thợ đổ bê-tông công trường cầu đường nơi giòng Út-tra bên hoành sơn Các-pát. Tôi đổ móng những cây cầu và khi đợi cho bê-tông đông cứng, tôi vẫn còn cứ thấy ngỡ ngàng trước cái sự tự do chưa thể nào quen. Trong não bộ tôi vẫn còn ngự chiếm các khổ luật trại giam; tôi quen nếp với chúng một cách vô thức bởi 5 năm cưỡng chế đến mức không còn sống được hẳn hòi như một kẻ tự do! Tôi đã quen cách thức làm mình nhỏ lại trong đời sống tù giam; tôi đã uốn mình vào những bó siết của ngục thất. Đôi khi tôi đã sống lại cái nhỏ bé và bó siết đó và vì thế mà nhớ chúng như một thói quen. Tôi đã chịu đựng được cái đời tù của mình và còn có cảm giác an ổn trong đó. Tôi đã phó mặc cho trại tù quản chiếm để nó lo cho thân xác của mình. Tù lao gặm nuốt cuộc đời thật đã là điều cay đắng; nhưng chung hậu tôi cũng không thấy thiếu những cái nó không đem đến cho tôi. Ngay cả khi tôi có chết nhăn răng vì đói cũng chỉ đơn giản là tôi đã thiếu ăn và nguyên cớ cũng giản đơn bởi tôi chỉ gắn mình vào chuyện ăn với uống! Ngoài ra thì chẳng có gì; ngoài ra tất cả đều biến thoát khỏi nơi tâm tưởng. Ấy là bởi trại tù đã làm mọi thứ cho tôi; mọi thứ để giữ cân bằng giữa sống lay lắt và chết đói khát, giữa nóng nung và rét cực. Từ buổi hồi cố quán, tất cả đã không còn; tất cả vẫn lưu lại trong đầu và tôi thấy như thiếu mất. Cái sự ở trong nhà mình là cái không xác thực; tôi không thuộc chủng loại đó. Ngóc nghách nào trong thành phố này cũng nhơ nhởn toàn người lạ; tất cả lữ hành trông cứ như đóng gói trong thời khắc dừng phim. Cái nhìn vô thức, cặp má bóng hồng, cổ ngà núc ních. Đầu tôi hoang loạn, coi ngó chúng nhân như nhét họ vào trong óc; ngu đần đi vì cứ ở nhà mình. Họ đã nghĩ cái gì? Khác họ, tôi thử xem mình chịu đựng được bao lăm; Và tôi đã may mắn sống sót qua lần ấy. Tôi đã thành tựu: đã là chính nhân trong tâm khảm của mình - là kẻ chịu đựng không cần ai biết đến. Từ trên cao nhìn xuống, tôi quan sát cư dân của thành Héc-man này, những cựu cư lầm lũi nơi phố thị; tôi quan sát cái đời thường khiếp hãi, cái thân xác được đất đai vỗ cho phì nộn của họ. Được phóng thích vào chốn tự do, tôi biến thành cao ngạo do không kiềm chế được mình. Tôi nghĩ điều đó có ích; nhưng nó đã chẳng giúp được gì. Tôi bắt đầu những dòng viết của mình trong tình trạng oái oăm như thế.
Chương thứ nhất trong vở có tựa đề: "Lời nói đầu“. Sau một khoảng trống nhỏ là câu: „Liệu bạn có hiểu tôi không, dấu hỏi chấm“. Sau đó là cái tên Bea khác lạ mà tôi đã có thời yêu mến nhưng chăng có gì gắn bó; và tiếp theo là tên của một người đàn ông – Tur, rồi đến tên ga than Jasinowataja. Bảy trang kế tiếp được kết thúc bằng câu: „Buổi sớm mới rồi, sau khi rửa mặt gội đầu, một giọt nước từ trên tóc tôi chảy xuống, lăn dọc cánh mũi tới khóe miệng. Tuyết bay cả trong nhà tắm. Đầu tầu huýt còi. Trong gương soi hiện lên hình nhà ga chìm trong tuyết và tôi thì trượt lướt qua.“ Sau đó tôi viết thêm lời nói đầu dài hết ba cuốn vở; rồi gạch bỏ "lời nói đầu“ đi để thay bằng „lời nói cuối“. Trở về sống ở cái nhà của mình bây giờ, đối với tôi thật là một sự ê trề đổ bể nội tâm. Tại tư gia mà vẫn không thoát ra ngoài thói quen tù ngục; nơi có tuyết rơi trong nhà tắm và thân xác tôi trượt dài qua sự tân tạo tế bào.
Tôi dập lấp điều an ủi trong chuyến trở về sau lần đi trong toa chở hàng đến trại tiếp nhận ở Sighet là địa danh đầu tiên. Thâm tâm tôi hoảng loạn vì nỗi sợ hãi trước những thứ mà từ nay cuộc đời ngoài tù ngục đòi hỏi nơi tôi. Hoảng sợ vì phải tự lo tính chuyện đời ta sẽ sống ra sao. Oái oăm là làm sao người ta biết được cuộc đời khi chưa hề sống? Tôi đã chờ đợi suôt 5 năm cái sự thoát ra khỏi trại giam. Nhưng khi mà cái người ta đợi chờ năm năm ròng chợt đến, thì sự chia tay với chăn gối nhà tù lại là niềm sung sướng kinh hoàng.
Trở về: Đó là vào tháng Chạp 1949; tôi ngồi nơi cái góc của mình trong toa chở súc vật bên cạnh hộp máy hát và cái valy gỗ mới của mình - như nằm trong một cái túi lưới. Cửa toa không bị kẹp chì mà mở ra thông thống; rồi tàu lăn dần vào ga Sighet. Tuyết phủ một lớp  mỏng làm tôi chợt nghĩ đến đường và muối; các vũng nước đã đóng băng như những miếng gương lấm bẩn. Và trong khi cố nuốt trôi điều an ủi của mình, tôi tưởng tượng ngay ra hình ảnh Tur trong gương lúc đang cạo râu; nhưng liền đó, tôi nghe được âm thanh kỳ lạ không phải do người đang cạo râu kia nói, mà là của Bea chẳng hề có mặt nơi đây, rằng: "Hắn hổn hển, thằng ngu; hình như mình thấy hắn không kìm giữ được cái gì đang chan chứa.“

Bùi Tân Phong
* Các nhà văn nữ nhận giải Nobel Văn chương là:
2009 Herta Müller (Đức, sinh ra tại Rumani)
2007 Doris Lessing (Anh)
2004 Elfriede Jelinek (Áo)
1996 Wislawa Szymborska (Ba-lan)
1993 Toni Morrison (Mỹ)
1991 Nadine Gordimer (Nam Phi)
1966 Nelly Sachs(Thụy-điển,sinh ra tại Đức)
1945 Gabriela Mistral (Chile)
1938 Pearl S. Buck (Mỹ)
1928 Sigrid Undset (Na-uy)
1926 Grazia Deledda (Ý)
1909 Selma Lagerlöf (Thụy-điển)
* * *



Bài số: VL-06
Nghĩ về nguyên khí

Lời Dẫn
[22:47, 2011-02-11]

Năm 2009, tôi có dành thời gian thu thập và chỉnh sửa một số bài viết mình cho là lý thú lấy tiêu đề là: “Biên khảo và Tiểu luận 60”; Ý là sơ kết cho 60 năm. Có 10 bài là:
Nghĩ về nguyên khí
Suy nghĩ về viêc học và những người Thày
Người trí thức và lịch sử
Tìm hiểu tư tưởng bành trướng
Biên cương
Lịch sử: Hồi tưởng và hiện tại
Suy nghĩ về Bauxite Tân Nguyên
Tổ quốc có bao giờ nhục thế này chăng?
Nghĩ về “tri, thức”
Vầi trao đổi về vụ Đông La
Tất nhiên đó đều là kết quả của bệnh và thú của người học viết theo cái chuỗi: “tập đọc - tập viết”, “biết đọc - biết viết”, “thích đọc - thích viết”, “dám đọc - dám viết”; [Tập-Biết-Thích-Dám]. Nay, khi đang tập tọe bắt tay viết blog như một cái thú sống, tôi lại tìm về và nắn nót giãi bày; Cho mình thôi, nhưng nếu quý vị nào có điều kiện ngó ngàng đến mà chia sẻ cùng bảo ban thì thật là hân hạnh và mãn nguyện tâm can lắm.
Những lời chân thật này, xin coi như sự dẫn bài và ngỏ lời vậy.

Bài đầu tiên này có một số kỷ niệm:
Nguyên khí quốc gia” là chữ nổi tiếng gắn với Văn Miếu Hà Nội. Tôi lưu luyến nơi đây vì tại đó, một Cụ Tổ giòng Họ đã được khắc tên trên bia đá. Nhà thờ Họ còn có hai lá cờ (phục chế) ghi công hai cụ Tổ và Tộc phả cũng truyền lại danh ba Cụ. Việc này, kể ra đây chỉ để nêu một lý do thực có trong lòng.
Tài liệu, cuốn “Tam Tự Kinh” là do cụ Nguyễn Xuân Thực (Thân sinh đạo hữu Thiện Vũ), Hà Nội, cho.
Anh Đức Phú là biên tập viên của talawas mà tôi đã gửi tới và đã được anh hiệu chỉnh chỉn chu nên khi gửi đăng, tôi ghi tên anh như sự tri ân.


Dẫn nhập
Hiền tài là nguyên khí quốc gia – Đó là lời văn được khắc trên đá trong văn miếu Thăng Long. Lời văn ngắn gọn mang âm hưởng của tuyên ngôn, là lời giải thích, tổng kết và khẳng định, lại cũng là lời nhắn nhủ, động viên của người xưa dành lại cho hậu thế. Nếu nhận xét như vậy có thể chấp nhận được thì tự nhiên ta hỏi lại lòng mình: thế thì những lớp người sau đã hiểu câu nói đó thế nào và làm theo được bao nhiêu? Muốn có hiền tài phải dạy nhau và học nhau để khai thông trí tuệ và ứng dụng mà làm lợi cho cuộc sinh tồn, phát triển - của riêng ta và dân tộc Việt Nam mình. Nhưng hiện tại, nền giáo dục của Việt Nam đã và vẫn còn là nan đề, là vấn nạn được nhiều người quan tâm bàn luận. Bài viết sau đây mong được đóng góp ý kiến nhỏ nhoi mong soi dọi một số khía cạnh của vấn đề to lớn này.

Dạy và Học

1.
Thực tế, nếu tất cả con người sinh ra và sống còn đều phải học thì không phải ai cũng làm việc dạy với ý nghĩa là một nghề. Nhưng hai việc lại có thể đem ra bàn chung vì người dạy và người học muốn giao lưu được với nhau thì phải nói chung một thứ tiếng, tức là cùng đứng trên một bình diện ngôn ngữ. Không như thế thì có rắc rối, và những rắc rối ngày nay chính là không như thế. Nguyên thuỷ, tôi định viết ít nhiều về cái cách mình đã học thế nào, nhưng nghĩ lại thì thấy là bất tiện: những điều trình bày sẽ trở nên chủ quan và phiến diện. Nhân có một vị trí thức cao niên cho mượn cuốn Tam Tự Kinh do học giả Đoàn Trung Còn biên soạn, thấy có đôi điều tâm đắc, vậy mượn ý người xưa mà nói thêm đôi điều suy nghĩ của mình.
Ông Quang Minh, trong lời nói đầu lần in năm 1996 (nhà xuất bản Đồng Nai) viết: “Tam Tự Kinh là sách học vỡ lòng của con trẻ Trung Quốc và cả Việt Nam thời xưa, được soạn từ đời Tống (960-1279)... Nội dung của sách chỉ hơn một ngàn chữ (1000), bố trí ba chữ một câu có vần, do đó mà đặt tên là Tam Tự Kinh.” Giới thiệu như vậy là rõ ràng và chặt chẽ: sách vỡ lòng cho con trẻ thì viết ngắn và chia đoạn nhỏ. Nhưng “bố trí ba chữ một câu có vần” thì chắc chưa phải; đọc kỹ ta thấy mỗi mạch câu có sáu (6) chữ trọn đủ nghĩa và cứ hai câu sáu chữ liên tiếp thì hiệp vần với nhau. Tuy nhiên điều đó không quan trọng; điều muốn nói ở đây là trong “hơn một ngàn chữ” như vậy, ngoài việc dạy cho biết chữ, những người dạy học ngày xưa đã nêu đủ nội dung, phương pháp và cái đích người học cần nắm bắt được. Sau đây xin tóm tắt một số ý chính.
Về cái đạo dạy con thì (người mẹ) quý ở sự chuyên cần. Nuôi con mà chẳng dạy dỗ là cái lỗi ở người cha; dạy học mà chẳng nghiêm là sự quấy của ông thày”, v.v. Sau ít lời có tính “ổn định tổ chức” như vậy, sách hướng dẫn học trò đi từ đơn giản như số đếm, tên gọi, ngũ hành, ngũ thường, ngũ cốc rồi hướng dần đến Tiểu học, Tứ thư, Lục kinh... Tam tự kinh như vậy giống như một dàn bài, một bản tóm tắt chương trình để người dạy và người học có cái hướng mà chuyển dịch. Cũng có những gợi ý về phương pháp (“Miệng thì đọc, lòng thì suy; buổi sớm và buổi chiều cứ theo đó mà đọc và suy”), nhưng cái chính có lẽ là khuyên con người nên gắng học: “Lúc trẻ thì học, lúc lớn thì hành; trên giúp nên cho vua, dưới ra ơn cho dân, nổi lừng tiếng tăm, vẻ vang cha mẹ” - Suốt cả cái cuộc đời của một con người, toàn là nghĩa vụ! Tóm lại, qua đây ta thấy Nho giáo là một hệ thống đào tạo kín có cái trần là một ông vua, một triều đại. Cũng có những thành tố và quan hệ, những định danh và phương pháp, nhưng đều nhằm khuôn con người trong những thứ định khuôn đó.
Để mở rộng nhìn nhận, ta xem xét thêm một giáo lý cũng ảnh hưởng nhiều và sớm đến văn hoá của ta là Phật giáo – giáo lý Bút-đa.

2.
Trong Phật giáo (1), những hình thức chuyển giao vật chất hay tinh thần, tri thức được tóm trong chữ “bố thí” (Dâna, đàn-na); đó là một hạnh đứng đầu trong sáu hạnh của một người tu theo giáo lý này. Trong phép bố thí lại chia ra ba bậc cao thấp khác nhau, là:
– Bậc dưới (hạ phẩm): Tài thí là bố thí bằng của, đem của cải của mình cho giúp người khác;
– Bậc giữa (trung phẩm): Pháp thí là bố thí bằng cách nói pháp (cách thức tu tập) cho người ta nghe để hiểu biết về đạo và đời;
– Bậc trên (thượng phẩm): Vô-uý thí là giúp cho người ta hết sợ hãi, tự tin tự tại để sống bình đẳng, tự do.
Còn nhiều cách lý giải khác về bố thí, nhưng trên đây là cách thường được nhắc đến và bản thân người viết cũng cho là đáng chú ý nhất. Bố thí là hành động trợ giúp nhau cùng tồn tại mang tính người, đặc trưng của con người. Hình thức nào cũng là đáng quý nhưng phải phân hạng ra vì con người trong cộng đồng, trong xã hội có những mức quan hệ, nhu cầu, trình độ khác nhau; mặt khác, mà điều này có lẽ là chính, là có phân ra như thế, người ta mới thấy hết ý nghĩa những thứ mình nhận được để rồi trân trọng tiếp thu, gìn giữ. Hai phẩm đầu là những điều thường gặp: giúp của cải và hướng dẫn cách thức. Để cụ thể chúng, dân gian đã chuyển vào tục ngữ: “đồng tiền liền khúc ruột”, “Cho nhau vàng khối không bằng trỏ lối đi buôn”... Cách thứ ba là giúp người ta tiêu giảm lòng sợ hãi thì có vẻ ít được nói đến, nhưng không phải không nhận ra được. Bàng bạc trong lịch sử Việt Nam, từ hỗn mang đến trưởng thành, những con dân xứ này luôn đối mặt với những thử thách ghê gớm của thiên nhiên và đạo tặc. Những đám mây hắc ám bắc phương luôn điên cuồng vần vũ bao lần nhăm nhe trùm phủ giang sơn. Không có chí khí yêu tự do, không thấm sâu tinh thần “không sợ” vốn tự có và tự học được, thì không biết một dân tộc nhỏ bé, nghèo kém như chúng ta, ngày nay có còn được là mình nữa hay không?!
Cho nên nếu cho rằng việc dạy và học là một bản năng, một chức năng (nghĩa vụ, trách nhiệm) của mỗi con người trong một cộng đồng, một quốc gia, thì việc dạy cho đủ các cấp bậc như trên là hòn đá thử vàng của một nền giáo dục. Phải dạy cho con người biết sự vật, hiểu cách thức vận hành của sự vật (pháp) và trên hết hãy dạy cho họ có tinh thần biết sống và dám sống (vô úy). Hãy giốc hết tâm can cho hậu thế vì đó là cách sống còn của nòi, tộc. Ta nói học là một bản năng nghĩa là con người với não bộ của mình, luôn có khả năng, có nhu cầu và có một cơ chế tự tìm hiểu và học hỏi, không gì ngăn cản và phá hỏng nó được (may thay!). Tư duy là độc lập; cho nên bên cạnh những thứ “trong luồng”, còn có những thứ “ngoài luồng”, và nhất là những thứ “khác luồng”. Chính sự đa dạng này bảo đảm cho cân bằng sinh tồn mà ta cần hiểu rõ và chấp nhận.

3.
Từ những điểm cơ bản nêu trên, xin thử đem soi rọi vào thực tế để thấy rõ hơn ý nghĩa của chúng. (Nhưng cũng có thể hiểu rằng do những khúc mắc về hiện trạng mà cần tìm cho mình những cách lý giải khả dĩ chấp nhận).
Sau một thời gian thực hành nền kinh tế kế hoạch hoá xã hội chủ nghĩa, và nhất là sau một cuộc chiến tranh lâu dài, đau khổ, nước ta rơi vào bệnh trạng thiếu thốn hàng hoá vật chất và thiếu công bằng, dân chủ (điều này được cụ Hồ xác nhận qua câu “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng” – nghĩa là: “thiếu” thốn vật chất và “không công bằng” là hiện trạng đáng “sợ” ở ta). Lại sau cả chục năm “kiên trì” nữa, tình hình không khá lên được. Cực chẳng đã, người ta đành để dân “tự cứu”, tự lo liệu những cái còn thiếu để “giầu” hơn so với tình trạng đang nghèo đói lúc đó. Cánh cửa thoát hiểm bung ra (hay đã bị đẩy bật ra?) đã giúp con người sống dễ chịu hơn, nhưng cũng để trí tưởng tượng vốn rất “giầu” của họ cất cánh; thế là định hướng “dân giầu, nước mạnh” nảy ra và được nêu lên. Đã gọi là cửa thoát hiểm thì ta không nên trách nó: có “thoát” ra thì “hiểm” mới không làm ta chết được. Nhưng thoát hiểm thì không có nghĩa là cứ theo nó mãi rồi đợi “trời mỗi ngày mỗi sáng”, chờ trên cao kia rơi xuống, dù chỉ là một quả sung! Thực tế ngày nay ta đang đứng giữa mê đồ trận của sự “làm giầu”. Cái “đoản kỳ” thoát hiểm đã và đang làm hại cái “trường cửu” Rồng-Tiên ta mong đợi.
Rơi vào tình trạng đói thiếu, người dạy và người học không còn nói ngôn ngữ học đường giống nhau, dù vẫn hiểu nhau. Ngày vinh danh các nhà giáo đáng kính được gọi là “ngày hiến cam các nhà giáo”. Các ông cha bà mẹ yêu thương con (có ai không như thế?), sau bao đo đắn, đành mang lời xưa ra biến cải: “Muốn con lên lớp phải thăm viếng Thày” (!) Đó chính là hiện thân của bất đồng ngôn ngữ: trò thì vẫn muốn, vẫn phải học (để sau này vào đời thì biết cách mà sống) còn thày thì không còn có thể, không muốn làm việc dạy (vì hiện đang ở trong đời mà không biết sống làm sao) – nhưng phải chăng đó cũng chứng tỏ khả năng học hỏi và thích nghi tuyệt hảo của con người? Từ đó đến văn bằng rởm, đến tiến sỹ, giáo sư giấy (2) không còn là xa, không còn là lạ. Nhưng không chỉ có thế: định hướng làm giầu (nghĩa là giới hạn mục tiêu của cuộc đời trong cái “hạ phẩm” tài-vật) đã bó con người trong vòng hạn hẹp là “làm con-người cho bằng được”. Khi “làm giầu” được vinh danh, trở thành định hướng, khi ý kiến phê phán sự giầu bằng gian trá bị coi là cổ hủ, mặt bằng đạo đức, nhân phẩm của xã hội tụt xuống như sau một cơn xung động địa tầng: Làm quan để có điều kiện tham nhũng mà làm giầu, quan giầu rồi thì làm những thứ vô (luân) thường (như mua trinh chẳng hạn) để thể hiện sự giầu của mình (còn gì hơn nữa đâu? “no cơm ấm cật” rồi mà!), còn dân nghèo thì đành sẵn sàng bán những gì mà họ có (nếu mà nói là “có”), mà ở đây là trinh trắng (có khi theo sau sẽ là cả cuộc đời) của con trẻ, để được chia xớt cái sự giầu ô trọc ấy. Tiền lên ngôi, đĩ điếm cũng thành văn!... Sự dạy và học bị trôi buông theo đời, ấy là lúc Tâm con người không còn minh, không được phép minh nữa vậy! (3)
Tôi không bi quan, dù là có buồn cho hiện trạng. Bởi vì ngàn đời nay, và ngay cả bây giờ, trí tuệ con người Việt Nam vẫn đủ khả năng nhận ra cái gì là Thiện, cái gì là Mỹ, cái gì là Chân; tinh thần con người Việt Nam vẫn đủ tố chất vô-úy (dù có phải trải qua bao lần “uý thí”) bảo đảm sự tồn tại cho mình và Dân tộc. Một ngày nào đó, khi nhiều người thấy rằng nên hướng cái trí lực của mình vào việc làm cho “dân cường, nước thịnh” (4) thì mỗi người chúng ta sẽ hiểu nhau hơn và tiếng nói, mặt mũi của ta sẽ hay đẹp hơn trong đồng loại năm châu. Sự dạy và học (cũng như toàn xã hội) chỉ có đi theo hướng đó mới tìm ra con đường sáng.
Nguyên khí dân tộc kết tụ ngàn đời không thể một sớm một chiều mất đi hay mai một được!

Mấy lời cuối
Nguyên đây là phần đầu trong loạt bài tìm hiểu về Giáo dục, Trí thức và Cải cách được viết từ đầu năm 2005. Khi hoàn thành, chúng tôi có trao đổi với một số bạn bè thân quen và đã nhận được nhiều góp ý. Nhân dịp xem lại lần này, chúng tôi muốn bày tỏ lòng cảm tạ chân thành đến các bạn hữu, nhất là anh Đức Phú (Berlin), đã đọc và góp nhiều ý kiến quan trọng. Được khởi viết cách đây hơn 2 năm, bài viết không thể tránh khỏi những từ ngữ “quá đát”; nhưng nhận thấy tinh thần chung còn có giá trị nào đó, chúng tôi mạnh dạn gửi đến diễn đàn coi như một ý kiến đóng góp vào cuộc trao đổi chung.

Bùi Tân Phong
CHLB Đức

© DCVOnline


(1) Từ đây, trích theo: Đoàn Trung Còn, Phật học Từ điển, Sài gòn, 1963.
(2) Gần đây, tiếp xúc với một số người thực sự có trình độ học vấn nghiêm chỉnh, sau khi hoàn thành công trình nghiên cứu và bảo vệ luận án thì lúc trở về đã không còn nơi tiếp nhận, phải ra đi bán buôn kiếm sống, chúng tôi ngộ thêm ra rằng „mảnh bằng“ hay „bằng dỏm“ còn có nghĩa chúng không thực sự được coi trọng...
(3) Vì bàn về chuyện dạy và học nên ở đây chỉ nói chuyện “không minhh”. Thực ra người ta lợi dụng chữ “dân giầu” để biện minh che mờ nhiều chuyện, để dối người mà cũng để tự lừa mình. Lao đi kiếm tiền xứ người mà không thèm học, không tiếp thu được cái cách người ta làm ăn, chẳng khác gì bỏ vàng lượm cám!...
(4) Đây không phải vấn đề mới, lạ. Đường lối “hưng dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” được Cụ Phan Châu Trinh chủ trương từ những năm đầu của thế kỷ trước. Ngày nay, những động tác của người Tàu và người Nhật dù khéo léo, người ta cũng nhận ra là họ rất cố gắng động viên “dân khí”, nhất là “thanh niên khí”.

Bài số: VL-05

SUY NGHĨ VỀ BỐC-XÍT TÂY NGUYÊN



Lời dẫn cho lần đăng tải: 2011-02-09, 19:02
Bài này được đăng lên như cơ sở của một „Seite-Trang“ mới: Lý thuyết phát triển.
Nhận dịp này, xin chân thành cảm ơn anh Phạm Đình đã biên tập chu đáo và bổ sung hoàn chỉnh tư liệu cho những bài đăng trên Thông Luận.
[Văn bản được dowload từ internet]
Dinh Le

 Bài số: VL-04
Tìm hiểu tư tưởng bành trướng
Bùi Tân Phong
Đăng ngày 25/03/2009 lúc 00:00:00 EDT
baotoquoc.com/2009/03/25/tim-hiểu-tư-tưởng-banh-trướng
Ghi chú: Ngày 8 tháng Hai 2011, tìm trên Google thấy có 2 trang đang tải; Cũng thú vị, nên bổ sung cho ... vui!
Ngoài ra: Chữ "Lý thú" cuối bài có ý nghĩa rằng: Biển Đông có vị trí cửa ngõ chiến lược trên con đường bành trướng của Trung Quốc xuống Đông-Nam Á và ra thế giới giớng như thành Viên là cửa ngõ vào châu Âu của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ!



Tìm hiểu tư tưởng bành trướng Trung Hoa là nhu cầu thường trực và bức thiết của người Việt; tuy nhiên điều cần nói ngay là việc tìm hiểu này không nhất thiết dẫn đến chống đối Trung Quốc. Như cách nói thông thường: sống chung với lũ (lụt) – tìm hiểu tư tưởng bành trướng của người Tàu là để sống chung/còn với cái bệnh kinh niên của loài người từ thời dã man tranh tồn cùng muông thú. Do số lượng tài liệu về Trung Quốc khá lớn và việc trình bày cần nhiều thời gian, trong phần kế tiếp (coi như sự khởi đầu) chúng tôi đi vào một số nét đại cương về tư tưởng bành trướng và một trường hợp điển hình trong lịch sử ở một địa điểm và thời gian khác.
Với cách thức so sánh và quy chiếu, hy vọng có thể rút ra điều gì hữu ích.

1. Quốc gia và sự bành trướng (Expantion)
Khái niệm “bành trướng” được xác định như sau: Sự mở rộng phạm vi quyền lực quốc gia trực tiếp thông qua việc mở rộng lãnh thổ nhà nước hoặc gián tiếp qua việc thu nhận các vùng ảnh hưởng [1]Từ định nghĩa này, trước hết chúng ta buộc phải nhìn lại quá trình hình thành quốc gia nói chung trên các mặt lãnh thổ, văn hoá, v.v. để sau đó xem xét việc định hình và mở rộng nó. Xa hơn, để hiểu “cái bệnh kinh niên của loài người từ thời dã man tranh tồn cùng muông thú” [2], chúng tôi lược qua một số nét sinh hoạt của loài người.
Con người: bản năng và văn hoá
Con người thuộc giới động vật; lịch sử vài triệu năm của nó bắt đầu từ xứ Ethiopia châu Phi. Với não bộ khoảng một-ký-tư, nó phát triển tư duy để tồn tại. Kết quả quá trình phát triển đó, mà ngày nay chúng ta thừa hưởng, là ngôn ngữ, chữ viết cùng với các nền văn hoá, văn minh đồ sộ và đa dạng. Nhưng những bước ban đầu thì rất thô sơ. Trước hết nó phải nhận ra rằng để hái được một quả trên cao, cần có hai người công kênh nhau lên. Hành động đó, sau này, được ông Tố Hữu mô tả: Núi cao bởi có đất bồi, / Núi chê đất thấp, núi ngồi vào đâu?! Tuy nhiên ngay tại thời điểm ta đang quan sát thì dù tài tình đến đâu, Karl Marx cũng không thể bàn về giá trị thặng dư và bóc lột; và cũng chưa phải thời Nghiêu, Thuấn cho Khổng Khâu mơ suốt một đời. Để tới được các vĩ nhân này cùng với các tư tưởng và học thuyết của họ, con người phải trải qua những gian nan vất vả (nhưng có thể ít bị bệnh đau đầu như ngày nay) của thời kỳ săn bắt và hái lượm (“săn bắn” còn phải lùi lại phía sau).
Hoạt động săn bắt và hái lượm để lại những bản năng tốt cho chúng ta như những hoạt động thể thao thi thố trong các kỳ thế vận hội và khả năng kiên trì tìm chọn mua sắm đồ của phụ nữ mà ông tổng thống Hoa Kỳ Barak Obama đang mơ: khuyến mại, kích cầu kinh tế! Nhưng nó cũng có mặt không hay là xâm lược và bành trướng. Cái làm con người thoát ra và vượt trội khỏi đời sống muông thú là khả năng hợp đoàn và giao tiếp. Hợp đoàn đưa đến việc hình thành các cộng đồng dân tộc và cuối cùng là các quốc gia (mà người viết luôn quan niệm rằng đó là đơn vị cơ sở trong sinh hoạt của cộng đồng người); còn giao tiếp là mục tiêu và kết quả hoạt động của nó. Lịch sử loài người có thể thu trong hai hình thức giao tiếp: giao tranh và giao thương. Cùng với sự tiến triển của văn minh, giao thương tăng lên mà giao tranh giảm đi vì tốn kém và đau khổ. Nghĩa là chiến tranh và bành trướng gắn liền với dã man và thiếu văn hóa; nhưng hình như loài người còn chưa chán ngán trò chơi đổ máu! Chúng ta chỉ còn hy vọng vào thời gian chăng?
Bệnh bành trướng
Săn bắt và hái lượm dẫn đến kết quả là chăn nuôi và trồng trọt; tất cả đều dựa vào đất và nước. Với kiến thức thô sơ thời nguyên thuỷ, con người chưa thể thâm canh mà phải quảng canh: giữ và chiếm thêm đất! Có thể tưởng tượng công việc thâm canh của tiền nhân thời tiền sử gian nan và vô phương đến chừng nào, trong khi việc giết người và chiếm đất thì cũng giống như việc giết thú và tìm hang động vậy! Bao nhiêu đế chế trước khi tàn lụi đã để lại những công trình nguy nga mong chứng tỏ sức mạnh và chứng minh cho sự trường tồn. Tất cả đều là kết quả của hành động giết người và cướp của: chiến tranh. Victor Hugo từng cảm thán: Đi sau những đội quân chiến thắng là đội quân ăn cướp! [3] Cho nên ta không lạ những ý đồ cướp chiếm đất của những thế lực thấy và tự cho mình là hùng mạnh. Đánh được người mặt đỏ như vang, / Không đánh được người mặt vàng như nghệ. Cha ông chúng ta hiểu lắm, cái tâm lý của kẻ thua cũng nguy hại như sự hung hăng của kẻ thắng.
Vậy người Việt có biết đánh nhau không? Có, nhưng chắc chắn là không thích. Lịch sử cho thấy người Việt dám và biết đánh giặc để giữ gìn đất nước. Người Việt học hỏi, tiếp thu nhưng không đánh mất bản chất văn hoá của mình. Ai kia từng lấy chiến trường làm cõi hạnh, chỉ mong nằm xuống nơi chiến địa để “da ngựa bọc thây” [4]; còn người Việt rất ngại “chết đường, chết chợ” và chiến tranh chỉ là việc “giãi thây trăm họ, làm công một người” (Nguyễn Du, Văn chiêu hồn). Cho nên tôi nghĩ câu “Đời người được mấy giấc mơ, / chàng mơ chinh chiến, thiếp mơ bóng chàng” chỉ là một câu thơ dịch. Nhưng việc tìm hiểu bản chất văn hoá và quan niệm chiến tranh của người Việt (“tôn Văn, thượng Võ”) là một đề tài lớn cần được tìm hiểu sâu hơn. Sau đây chúng ta quan sát sự bành trướng và suy tàn của một đế chế ở một địa điểm khác, trong thời gian lịch sử khác.
2. Trường hợp nước Thổ nhĩ kỳ (Türkei, Türkiye) [5]
Sự hình thành vương triều Osman và sự trỗi dậy của một siêu cường (tới 1566)
Từ những điêu tàn đổ nát của triều đại Seldschuken (sắc Thổ) vùng Tiểu Á, vào thế kỷ 13 dưới triều Ốt-xman (Osman, danh hiệu Sultan đệ nhất, khoảng 1300-1326), tại trung tâm bán đảo (Tiểu Á) xuất hiện những động thái khởi nguồn cho một nhà nước Thổ. Những người kế thừa (các Ốt-xman) bành trướng nhanh chóng vương triều của mình; năm 1354 vượt qua Dardanellen, năm 1361 chiếm lĩnh Adrianopel, chiếm Serbien sau chiến thắng tại địa danh Amselfeld năm 1389, và năm 1393 thì chiếm Bulgaria. Thất bại của các Ốt-xman trước Timurs vào năm 1402 chỉ làm cho sự thăng trưởng ngắt quãng trong một khoảng thời gian ngắn. Với việc thu chiếm Konstantinopel vào năm 1453, Mohamet đệ nhị (1451-81) đã tàn huỷ đế chế Đông Rô-ma; và Konstantinopel trở thành thủ đô từ đó. Dưới triều đại của vị vua này và những người kế vị, Da-lim (Salim) đệ nhất và Duy-lai-man (Süleiman), Thổ nhĩ kỳ đạt tới đỉnh điểm thế lực của mình; lãnh thổ bao gồm Syrien, Mesopotamien, Arabien của châu Á, vùng Kaukasus của Tiểu Á, ở châu Phi là Ê-gúyp cùng các nhà nước nửa phụ thuộc vùng duyên hải bắc tới tận Maroko; tại châu Âu là toàn bộ bán đảo Balkan và phần lớn Hungaria. Như vậy, Thổ nhĩ kỳ cũng đã trở thành yếu tố quan trọng trong chính trị châu Âu dựa trên sự phồn thịnh thu được từ những cuộc chiếm lấn, dựa trên sức mạnh của các đội chiến binh Janitscharen và hạm đội của mình [6] thống lĩnh vùng địa trung hải mà năm 1571 đã thảm bại nặng nề tại Lepanto.
Sự tàn suy của Thổ nhĩ kỳ (1566-1920)
Cùng với sự suy tàn của triều đại sau cái chết của Duy-lai-man (Süleiman), sự tan rã của đế chế cũng bắt đầu. Bên cạnh các nhóm kiêu binh Janitscharen, các đại công thần (Wesire) cũng giành được quyền lực. Bước ngoặt quan trọng xuất hiện trong cuộc vây hãm thành Viên bất thành (1683) dẫn đến cuộc đại phản công của Áo dưới sự chỉ huy của ông hoàng (Hrerzog) Eugen von Savoyen. Chung cục, tại hoà nghị ở Kaelowitz (1699), Thổ nhĩ kỳ từ bỏ quyền chế tại Hungaria và xứ Siebenbürgen. Vào thế kỷ 18, cùng phía với đối thủ Áo còn có thêm Nga là nước nỗ lực vươn tới Dardanellen và hứa hẹn hỗ trợ những phần tử quy phục theo Christ giáo. Hoà nghị năm 1774 ở Kucuk Kaynaci làm cho Thổ mất nhiều lãnh địa và mở đường cho Nga tự do tiến tới Dardanellen. Ở châu Phi, Ê-gúyp gần như đã tiến tới độc lập dưới triều Memed Ali, còn ở châu Á là phần lớn vùng Arabien. Tại châu Âu, năm 1804 bắt đầu cuộc chiến giải phóng của các sắc dân Balkan Serbien và Hy-lạp theo Christ giáo với sự ủng hộ của các cường quốc. Diễn biến này của vấn đề Thổ dẫn đến sự đe doạ thường trực nền hoà bình châu Âu. Trong chiến cuộc Krim (1853-56), các thế lực quốc tế đứng về phía Thổ để ngăn cản cuộc bành trướng của Nga về phía Dardanellen. Kết thúc chiến cuộc Nga-Thổ (1872-88), tại hội nghị Berlin, các cường quốc châu Âu đã đưa ra những điều chỉnh mới cho vấn đề Thổ. Chính phủ phản động Abd ul-Hamids đệ nhị (1876-1909) đã thúc đẩy thêm tiến trình tan rã và trong lòng thời cuộc đã xuất hiện phong trào thanh niên Thổ (nước Thổ mới?) để đến năm 1909 thì lật nhào chế độ này. Những cuộc chiến Balkan (1912/13) đã làm cho phần châu Âu của Thổ thu hẹp thành vùng Thrakien Đông nằm giữa Adrianopel và Konstantinopel. Trong đệ nhất thế chiến, Thổ đứng về phía các thế lực trung gian. Sau sự sụp đổ của đế chế, trong hoà nghị Sèvres (tháng Tám 1920), Thổ bị thu lại trên vùng Anatolien; ngoài ra còn phải thừa nhận quyền thống trị của Hy-lạp ở Smyrna. Các nước Pháp và Anh thừa hưởng phần chiếm lãnh của Thổ tại Syrien, Palestina và Mesopotamien.
Vây hãm thành Viên [7]
Những hành động dũng cảm, những lầm lẫn tệ hại, những quyết định tài tình làm biến đổi đường hướng lịch sử trong chỉ một ngày duy nhất. Năm 1683, quân Thổ tiến đến trước thành Viên (Wien) đã làm cả châu Âu kinh hoàng. Sau 61 ngày bị vây hãm, dân trong thành đều thấy rõ tình thế là vô vọng. Chỉ có quân liên minh Ba-lan là còn khả năng cứu thoát Viên; nhưng liệu họ có kịp đến để phá vỡ vòng vây quân Thổ? Áo và đội liên quân này, hoàng đế Ba-lan Johan Sobieski phải tiến công, nếu không thì Viên coi như thất thủ. Nhưng quân Thổ cũng đã được cảnh báo tình hình.
Vào ngày 12 September 1683 Kara Mustafa [8] tập hợp tất cả các thợ mìn của mình; Chỉ còn một trái mìn nữa đặt xuống là thành Viên đổ sụp. Đối với hiệu lệnh tướng quân Michaelowitz chỉ còn lại ít giờ nữa để tìm cầu quân cứu viện. Tướng tư lệnh thành Viên Stachenberg tuyên thệ giữ thành đến giọt máu cuối cùng. Đối với người Ốt-xman, thành Viên chính là cửa ngõ tiến vào Hoàng hôn châu địa Christ giáo (châu Âu). Quân Thổ vây hãm thành Viên với 25 ngàn lều trại. Dân chúng thành Viên bị kẹp xiết không đường đào tẩu. Với một hệ thống hào chạy bao quanh sát tường thành, quân Thổ đã trói chặt thành phố. Từ các chiến hào này, quân Thổ đào hầm chui dưới thành bao để đặt mìn. Một khoảng thành đổ sụp là một cửa mở tuyệt vời để tràn vào thành. 140 thợ mìn như những con thỏ đất, ngày đêm đào dũi địa đạo và bất cứ lúc nào cũng có thể châm ngòi cho mìn nổ tung. Để theo dõi động tĩnh của quân Thổ, dân thành phố nảy ra sáng kiến tuyệt diệu là rải những hạt đậu trên mặt trống và quan sát động tĩnh của chúng.
Hình 1: Thành Viên là đột phá khẩu trên con đường bành trướng của Thổ Nhĩ Kỳ tràn sang Châu Âu
Istambul nằm bên bờ biển; trước đây nó có tên là Konstantinopel; năm 1453 những người Muslem Ốt-xman đã chiếm và đặt làm thủ phủ; đó là khởi đầu cho sự bành trướng khủng khiếp mà châu Âu không thể hãm kìm. Mỗi Sultan ban thưởng cho tướng chiếm thêm được một phần đất một quả táo vàng. Đối với những người Muslem thì thế giới được chia thành hai phần: phần của người Muslem và phần của những kẻ vô tín giáo (Ungläubigen). Trách nhiệm của mỗi người Muslem là chinh phục phần thế giới kia. 1683 là thời điểm Viên biến thành quả táo vàng của Muslem. Quả táo vàng là huyền thoại trong lịch sử Thổ nhĩ kỳ, biểu tượng cho giá trị của thành quả chiếm lấn... Từ Konstantinopel, Thổ đã mở rộng lãnh thổ lớn tới mức có thể sánh với đế chế Rô-ma từng hiện hữu. Nước Hung đã là chiếm địa; nhưng mục tiêu là châu Âu Christ giáo. Nằm giữa hai dặng núi Alpen và Karpat, Viên là cửa ngõ duy nhất tiến vào châu Âu. Quan sát về mặt chiến lược thì thành phố này chính là mục tiêu công phá chủ chốt của những người Ốt-xman. Ngay từ 1529 Sultan Duy-lai-man (Süleiman) đã vây hãm Viên lần đầu, nhưng ông ta thất bại. Juli 1683 bắt đầu cuộc vây hãm thành Viên lần thứ hai; lần này do Kara Mustafa thách chiến Habsburgen Áo. Nhưng không chỉ có hoàng đế Leopold đệ nhất coi những người Ốt-xman là thù địch mà còn cả nước Pháp nữa. Theo những kinh nghiệm sau lần bị vây hãm thứ nhất của quân Thổ, thành Viên đã được xây dựng để trở thành pháo đài hiện đại nhất châu Âu. Một vòng đai với 12 đơn vị và thành cao 16 mét làm cho thành phố trở thành bất khả công phá. Thêm vào là những hào cản rộng hai mươi thước. Các điểm trọng pháo bắn phá được xây nhô hẳn ra để huỷ diệt các cuộc công thành. Hoả lực từ đây phủ kín đường vào không chừa khoảng trống nào. Vào tháng Chín năm 1683, trên tường thành có 312 trọng pháo. Nhưng chống lại đội quân đánh mìn tiến chui lòng đất thì số vũ khí này trở nên ít ỏi.
Hiện còn lưu giữ được nhiều thư từ cầu viện binh từ trong thành gửi ra trong thời gian bị công hãm. Nhưng quân Thổ cũng thám sát công phu thành phố để biết rõ pháo đài được bố phòng như thế nào, bao nhiêu đại bác và đặt ở những đâu, nhất là biết được tại nơi nào thì tấn công vào thành trì tốt nhất. Dưới lòng chiến hào, quân Thổ đã có 61 ngày chuẩn bị cho cuộc tiến công; không phải trụi trần trên đất trống mà là những chiến hào dũi dần đến sát vùng tử địa. Pháo binh Thổ bắn phá vào thành; một chiến binh phải chống chọi với 15 quân Thổ. Tới ngày 12 tháng Chín đã có tới 50 cuộc công phá. Chỉ còn có 4 ngàn người bảo vệ chống lại 10 ngàn quân tiến chiếm. Những đội quân tinh nhuệ của kiêu binh Janitscharen tiến công hàng ngày tới tận chân thành. Tình thế thành Viên có thể coi tồi tệ hơn là vô vọng; những tử thi phải được chôn cất trong thành mà đến nay còn di tích. Không chỉ có những người chết vì pháo đạn mà còn bị chết do những nguồn nước bị đầu độc...
Gần 20 ngàn binh lính bao vây thành Viên dưới ngọn cờ mang hình trăng khuyết. Chỉ huy là Kara Mustafa, kẻ hám quyền và tàn nhẫn. Dân thành Viên quyết không chịu để chôn vùi dưới tro tàn đổ nát; nhưng họ còn chống giữ được bao lâu? Viên dường như không còn sức chống giữ nữa. Nhưng Kara Mustafa đã mắc phải sai lầm định mệnh: ông ta không nhận ra vai trò chiến lược của những cao điểm bao quanh thành Viên; nó cho phép quân đồng minh tiến công quân Thổ từ phía sau lưng. Họ có 65 ngàn quân của 3 đạo để tiến công. Có điều trong đêm trước của ngày 12, cánh quân Ba-lan vẫn còn trên đường hành tiến băng qua những cánh rừng trước thành Viên. Sự chậm trễ của họ làm hư kế hoạch chiến lược của liên minh.
Khi tổng hành dinh liên minh hạ trại ở Kahlenberg, tình hình có chiều bớt căng thẳng: đã có thể vạch ra kế hoạch tấn công; bây giờ thì không thể để tốn phí thêm chút thời gian nào nữa. Thư khẩn cứu được đưa đến hoàng đế Ba-lan là tổng tư lệnh liên quân; tổng tư lệnh phát lệnh khởi chiến. Với tổng lực của mình, họ sẽ phá tung vòng vây bao quanh thành Viên. Tại dinh tướng lãnh trong thành Viên nhóm họp hội nghị liên minh: từ Đức có các thủ lãnh vùng Sachsen và Ba-va-ria. Hermann von Baden cũng trong liên minh chống Ốt-xman, nhưng hoàng đế Leopold đệ nhất thì đang ở xa thành Viên, ông phong Herzog Karl von Lothringen làm chỉ huy Habsburgen và vị này đưa ra ý kiến tài tình: tiến công quân Thổ từ những cao điểm quanh thành Viên; nhưng tổng tư lệnh không phải ông ta mà là Johan Sobiêski. Cả giáo hoàng cũng ủng hộ liên minh thần thánh, chỉ có Pháp đứng ngoài: Ludwig 14 mong sự yếu đi của Habsburgen...
Hiệu lửa trên đồi đem lại hy vọng cho thành Viên và cảnh báo quân Thổ: họ phải chiến đấu trên hai mặt trận là hào luỹ phía trườc và liên quân ở phía sau lưng. Ngày 12 tháng Chín là ngày quyết định số mệnh, cả với Kara Mustafa. Mustafa dồn phần lớn số quân tinh nhuệ Janitscharen để công thành. Đó là những người lính đã được rèn quân kỷ từ khi lọt lòng. Hai cánh quân liên minh đã sẵn sàng khởi chiến, nhưng quân Ba-lan vẫn chưa vào vị trí; dẫu vậy, Johan Sobieski vẫn nắm quyền tư lệnh. Tin quân Thổ bắt đầu động binh làm cho mọi việc gấp gáp hơn lên. Sáng ngày 12, khi hai cánh quân liên minh đối diện với quân Thổ trên đồi Kahlenberg thì Johan Sobieski hành lễ trước toàn quân: không phải vì hoàng quân lãnh chúa, chúng ta xung trận vì thánh cả (Gott) trên cao. Cuộc chiến của liên quân cũng là cuộc thánh chiến. Karl von Lothringen kiên quyết mở trận ngay cả khi chưa có quân Ba-lan. Cánh quân này xông thẳng vào tiền quân của Thổ và đẩy lùi chúng về điểm xuất phát. Nhưng đến đây thì đối diện với lực lượng quân Ốt-xman vượt trội. Không có quân Ba-lan thì không thể giải phóng thành Viên - điều đó cũng có thể nhận ra từ vị trí quân Thổ. Kara Mustafa phải chiếm cho được Viên trước khi đội quân này xung trận. Sức mạnh quân Ốt-xman: 168 ngàn quân vây thành Viên mà chỉ có đại bác hạng nhẹ. Do vậy kế hoạch của Mustafa không dựa trên hoả lực pháo binh bắn phá dọn đường tiến vào thành Viên mà là trên sức mạnh của đội quân đặt mìn công phá với số lượng 5 ngàn lính. Mỗi trái mìn phát nổ là một bước tiến của quân Thổ đến gần thành. Cả một hệ thống đường hầm đưa dẫn 5 ngàn bộc thủ tới các hầm nổ kiến lập dưới chân tường pháo đài.
Người ta phải tỏ lòng kính phục đối với các bộc thủ Ốt-xman trong trận chiến dưới lòng đất. Chưa có giải pháp để chống lại đội quân này: chúng tiến đến đâu? Phát nổ bao giờ? Một khối nổ dẫn theo sự phát nổ của những khối khác. Thực sự là việc nổ mìn công phá đã có thể là hành động quyết định trong cuộc vây chiếm thành Viên. Các công trình thành quách ở thế kỳ 18 với chiều cao 25 mét và bề rộng 4 mét, người ta cần 500 cân đến 1 tấn thuốc nổ đen để phá huỷ. Với kết quả khảo nghiệm, người ta biết rằng lượng thuốc nổ do quân Thổ dùng thực sự đã có thể làm nổ tung thành Viên. Ngày 12 tháng Chín, thành Viên thực sự đứng trước đại thảm hoạ. Bằng mọi phương tiện hiện có, những người giữ thành cố sức làm cản bước tiến của bộc thủ quân. Cuộc chiến trong lòng địa đạo đã có lần thành công; nhưng giờ đây, ngày 12 tháng Chín có còn được như thế không? Vấn đề là có kịp thời phát hiện hành tích của bộc thủ quân hay không.
Đến trưa thì đạo quân Ba-lan tiến tới chiến địa trong khi hai đạo hoàng quân (Heeren) khác đang quyết chiến. Có phải họ đến kịp thời, hay là đã quá trễ? Nhân chứng Thổ đã có thể miêu tả sự hùng dũng của đạo thiết quân Ba-lan tiến vào trận chiến. Nhưng ban đầu, pháo binh Thổ đã có thể làm lùi bước của kị binh Ba-lan. Lính Ba-lan phải củng cố lại đội hình; mọi khả năng vẫn còn đang phía trước... Những bộc thủ Thổ cố sức để nổ mìn trước khi trời tối. Họ xây bao hầm nổ để sức công phá dồn hất lên trên. Tất cả đã sẵn sàng. Vào ngày 12 tháng Chín, tình thế diễn ra như đang đi trên kiếm sắc. Nếu khối mìn phát nổ, trái táo vàng thành Viên nằm trong tay người Ốt-xman; đột phá khẩu tiến vào châu Âu rộng mở. Mustafa đặt tất cả lên một ván bài: đội quân đánh mìn và trận chiến trên đồi. Có điều chiến lược của ông ta đã không trụ vững. Người của thành Viên đã đột phá được vào hầm nổ và huỷ ngòi nổ. Thành Viên đã thoát! Nhưng cuộc chiến trên mặt thành vẫn đang diễn ra với tất cả sự khốc liệt của nó.
Ngọn cờ đỏ với vầng trăng khuyết là sự khích lệ đối với binh lính Thổ. Tư lệnh mặt trận liên quân muốn lui cuộc quyết chiến vào ngày hôm sau, nhưng chính là ngọn cờ kia đã như sự thách chiến đối với họ. Cuối cùng thì tất cả các đạo quân liên minh đã kiên quyết diện chiến quân Thổ. Toàn bộ sức mạnh của thế giới Christ giáo đứng chung lại trong cuộc tổng phản công. Ngay cả Sobieski cũng quyết giải phóng thành Viên trong ngày 12 ấy. Đạo thiết kỵ Ba-lan tràn tiến vào quân Thổ trên một diện rộng. Quân Ba-lan làm xoay chuyển thế trận trên cao điểm Kahlenberg. Chiến lược của Mustafa không thành tựu; quân Thổ thất bại trong thế trận lưỡng đầu thọ địch.
Với sự kiện này, trị quyền của người Ốt-xman ở châu Âu bắt đầu triều thoái. Tài liệu lịch sử ghi nhận sự kiện này và ý nghĩa của nó là hoà nghị Karlovics. Sau khi giải phóng thành Viên, người Habsburg thu hồi lại phần đất do Thổ chiếm. Ở Serbien, người Thổ công nhận status quo quyền độc lập. Sau đó Hungaria cũng được tự trị. Kara Mustafa bị xử tử hình; Lời nói cuối cùng của ông ta là: Hãy dùng gươm mà chém ta cho đúng cách (Legt mir die Klinge richtig an)!

3. Đôi điều tạm kết
Ngày trọng đại
Như phần trên đã trình bày: có những giờ khắc mà hành động đúng đắn và dũng cảm của những con người trách nhiệm làm cho tiến trình lịch sử mang ý nghĩa đặc biệt. Những quyết đoán đúng đắn và sự đồng lòng của chỉ huy liên quân đã làm thất bại âm mưu tiến chiếm thành Viên và như thế, con đường bành trướng của người Thổ theo hướng châu Âu bị chặn lại. Bên cạnh sự tích này, tài liệu còn trình bày một sự kiện khác: đó là ngày công phá ngục Basti mà lệnh phát ra là từ lời nói của một người phụ nữ.

Hình 1: Biển Đông trên con đường bành trướng của Trung Quốc xuống Đông Nam Á và ra thế giới [9]
Ở Việt Nam, nơi bao đời nay đất nước và con người đã hứng chịu bao nhiêu cơn binh lửa nên không ít những giờ khắc tình thế như trứng để đầu gậy. Xin trích một đoạn rất ngắn sau đây trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim (trang 127, tập 1):
Ngột-lương-hợp-thai từ Vân-nam đem quân sang địa phận An-nam, đi đường sông Thao-giang tỉnh Hưng-hoá, xuống đánh Thăng Long.
...
Bấy giờ thế nguy, Thái-tông ngự thuyền đến hỏi Thái-uý là Trần Nhật Hiệu. Nhật Hiệu không nói gì cả, cầm sào viết xuống nước hai chữ “nhập Tống”. Thái-tông lại đi đến hỏi Thái-sư Trần Thủ Độ. Thủ Độ nói rằng: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, thì xin bệ hạ đừng lo!
Những truyện sử sách này, chúng ta đều thuộc, nên không nhất thiết trình bày dài mà chỉ muốn thêm rằng: Trong những giờ phút trọng đại, suy tư, lời nói và hành động của những người mang trách nhiệm chèo lái con thuyền quốc gia thật là vô cùng quan trọng; nó chứng tỏ người đó có đủ tâm dám xả thân vì nước, đủ trí thấu rõ tình thế, đủ dũng để gánh vác trọng trách hay không. Sự tồn tại của chúng ta ngày nay là công lao của liệt vị tiền nhân anh minh.
Con đường bành trướng
Cảm ơn sự phát triển của thông tin mạng nối toàn cầu. Nhờ phương tiện này mà những diễn biến an nguy tại quê hương đến với chúng ta không quá trễ và những suy tư tâm huyết của những con dân mang giòng máu Việt đang sống ở khắp mọi miền trên thế giới cũng nhanh chóng được chia sẻ. Người viết không dám trình bày nhiều về những kiến giải của mình; chỉ đưa ra ít dữ liệu lịch sử và hiện tại để cùng suy nghĩ.

Bùi Tân Phong
© Thông Luận 2009

[1] Bách khoa thư Brockhaus giản tập, II/V, trang 105 (tiếng Đức): Expantion: ... 4) Politik: die Ausweitung des nationalstaatl. Machtbereichs, entweder unmittelbar durch Vergrößerung des Staatsgebiets oder mittelbar durch Gewinnung von Einflußgebieten.
[2] Có lẽ cũng vì là „bệnh“, bản năng – có phần nào đó đối lập với văn hoá, nên người ta đã không dùng các từ như „học thuyết“, „chủ nghĩa“ đối với nó mà chỉ dùng „sự bành trướng“, „chính sách bá quyền nước lớn“, etc.
[3] Những người khốn khổ.
[4] Khẩu hiệu thời mới là kêu gọi phụ nữ “bất ái hồng trang, ái vũ trang“!
[5] Biên dịch từ Bách khoa toàn thư Enzyklopedia Brockhaus giản tập, V/V, tr.343.
[6] Người dịch nhấn mạnh.
[7] Như trình bày trong phần lịch sử Thổ nhĩ kỳ, chiến cuộc vây hãm và giải phóng thành Viên là bước ngoặt quan trọng không những đối với lịch sử Thổ nhĩ kỳ mà còn với cả châu Âu. Những ngày trọng đại (Tag X) là tài liệu truyền hình 3 tập trình bày 3 sự kiện quan. Đây là bộ tài liệu công phu với sự đóng góp của các chuyên gia lịch sử và quân sự. Chúng tôi thu thập và cố gắng „gỡ băng truyền hình“ để trình bày lại trong hình thức biên khảo; hy vọng được các bậc thức giả bổ khuyết, đính chính.
[8] Kara Mustafa (Mustafa “đen”) đại công thần Thổ (1676-1683); sinh năm 1634 ở Maryndscha gần Merzifon, bị giết ngày 25. 12. 1683 tại Belgrad. Năm 1683 bị đánh bại tại Viên; trong khi rút chạy bị Sultan sử tử chém.
[9] Lưu ý (không viết ra thì... ấm ách!): Vị trí con tàu Imppeccable là điểm rất nhạy cảm và... lý thú!


Bài số: VL-03
Tôn Văn – Nhận Thức Hồ Chí Minh
Tác giả: Tôn Văn, 25/05/2010, 12:57 chiều - 40 phản hồi
Chuyên mục: bình luận Thẻ: Hà Văn Thịnh > Hồ Chí Minh, http://www.talawas.org/?p=20686


Trao đổi cùng tác giả Hà Văn Thịnh sau khi đọc bài “Mấy suy ngẫm về Hồ Chí Minh”

1.

Thưa anh Hà Văn Thịnh,
Xin được gọi anh như trên để tỏ đồng tình với cảm xúc của anh trong bài viết về Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh. Phụ thêm, có thể giới thiệu rằng công việc chủ yếu của tôi là trên lĩnh vực kỹ thuật; Văn, sử chỉ là những say mê tiếp nối từ thuở học trò. Tôi không tôn thờ thần tượng vì nghĩ rằng “Mọi thần tượng đều lần lần sụp đổ, / Vàng son nào rồi cũng phôi phai…”; Nhưng với tôi, Hồ Chí Minh là tấm gương về tài năng, tư cách với trái tim nhân bản. Để tự giải đáp những vấn nạn phát triển, tôi buộc phải tìm hiểu lịch sử thời gian qua mà nhân vật để lại dấu ấn lớn nhất chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau đây xin trình bày một số nhận xét về bài viết của anh và trao đổi một số suy nghĩ của tôi.

2.

Một nhân vật lịch sử lớn như Hồ Chí Minh thì những nhìn nhận và đánh giá bị tán xạ hoặc không toàn diện là điều dễ hiểu. Muốn đưa ra “một cái nhìn khách quan và thỏa đáng” thực là điều rất khó. “Khách quan” là lý, “thỏa đáng” là tình. Anh nặng tình chăng, khi viết: “Bác Hồ không làm được […] bởi cái nguyên tắc ‘thiểu số phục tùng đa số’ […]. Giá như Bác có đủ ‘phẩm chất’ như…”?
Thưa anh, nguyên tắc “thiểu số phục tùng đa số” là nguyên tắc lựa (từ nhiều cái để) chọn (ra cái) tốt của cộng đồng người. Có phải ngày nay chúng ta đang đấu tranh để một thiểu số người không áp đặt sự lựa chọn của mình cho toàn cộng đồng Dân tộc? Chính do nguyên tắc đó mà, trên bình diện rộng lớn của trí tuệ và nhân văn, bất kỳ kẻ nào dù có “phẩm chất” kỳ quái đến đâu cũng không tránh thoát phán xét của lịch sử! Như vậy, phải chăng chính cái không “có đủ ‘phẩm chất’ như…” người khác đã làm nên phẩm chất Hồ Chí Minh?[1]
Nhưng thực sự thì TÂM (nguyện ước) và TẦM (trí tuệ) của Hồ Chí Minh đã để lại gì mà nay ta cần tiếp nối?
Tôi muốn tìm hiểu để viết về “Sỹ phu và Thời cuộc” như một sự nhìn nhận vai trò trí thức trong thời gian lịch sử vừa qua, nhưng đã không hoàn thành được trong dịp này. Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Cụ Hồ, tôi đã cố tóm tắt trong một phản hồi trên diễn đàn:
Những người chúng ta bàn đến ở đây …– Phan Châu Trinh và Hồ Chí Minh – thì, nói theo ý Lão-tử, thân xác đã thành quá vãng; Chỉ có lời nói của họ còn lại thôi. Tôi nghĩ rằng khi đánh giá hai vị này, ta đặt họ trở lại trong nhóm “Ngũ Long Paris” có lẽ có đôi điều sáng tỏ hơn. Cố gắng thành công của Hồ Chí Minh có lẽ sáng nhất là viết Bản Tuyên ngôn Độc lập 1945 cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tổ chức Quốc hội đa đảng và thông qua Hiến pháp Dân chủ đầu tiên ở Đông-nam Á. Cố gắng để “Việt Nam nằm trong Liên hợp Pháp” và quan hệ để đạt sự công nhận của nước Mỹ đã không kết quả. Cái HÌNH HÀI Đất nước mà Hồ Chí Minh cùng Dân tộc giành lại (một con người thì làm sao làm được việc lớn đó?) đã không biết chăm nuôi cái HỒN DÂN mà Phan Châu Trinh nhắn gửi!!!!!!!!!!!!!!!!!!!
Tại diễn đàn Dân Luận, theo sau bài của tác giả Lê Mai, tôi cũng ghi ý kiến:
Tôi tìm hiểu sự phát triển của Đất nước theo cách nhìn HỆ THỐNG và tìm hiểu lại NHÓM NGŨ LONG – Paris (tên gọi chung của nhóm là NGUYỄN ÁI QUỐC) trong đó có Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh và Phan Châu Trinh. Kết luận của tôi là: Ý tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Phan Châu Trinh là hai mặt CƠ-LINH của một hệ thống mà thiếu một thì hệ thống (Đất nước Việt Nam) sẽ không thể phát triển.

Thưa anh Hà Văn Thịnh,

Những bậc sỹ phu tiền bối trong nhóm “Ngũ Long Paris” – Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) – đã cảm nhận (tri thức) được hơi thở và bước đi của lịch sử và đã toàn tâm toàn lực phấn đấu cho ước nguyện của mình, nhưng thực tế cuộc sống đã không theo tâm nguyện. – Đó là nỗi đau nhân sỹ: Nguyện ước càng cao thì đau khổ phải gánh chịu càng lớn – trong cuộc sống công và cả đời tư! Có điều rõ ràng là khi ước nguyện chân chính thì chắc chắn sẽ được người sau nối tiếp để hoàn thành bởi bản chất con người là hướng thiện và vươn tới. Nhưng cũng lại nhớ lời Nguyễn Hữu Đang: Bước chân lịch sử đi không vội. Lịch sử đã cho ta cơ hội thực hiện mơ ước một bức tranh sáng đẹp cho Dân tộc và Đất nước hay chưa?

3.

Sử liệu nhỏ nhưng quan trọng xin chia sẻ cùng anh là “sự kiện Trần Dân Tiên” – Tôi rất mong được làm rõ hơn nữa. Cách đây khoảng 10 năm, tôi có nói chuyện với một vị cao niên: Em thấy văn cách Trần Dân Tiên không giống văn cách Cụ Hồ… Trả lời: Cái này anh có biết, nhưng nói ra là điều khó … Tôi sẽ không hỏi lại để làm khó thêm người mình kính trọng; tôi cũng không thể lấy cảm nhận để khẳng định điều gì; Nhưng khi sự việc đã hé lộ thì giải đáp thắc mắc cũng là điều hợp lý.
Một kỷ niệm khác cũng nên ghi lại: Khoảng cuối những năm sáu-mươi tôi có đọc được một bài trên báo Văn Nghệ (nhà tôi thường xuyên mua báo tháng các tờ Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Văn nghệ) do một văn nghệ sỹ kể lại, đại ý:
Đội văn công được vào phủ Chủ tịch phục vụ. Sau khi diễn vở “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài”, Bác Hồ bước lên sân khấu khen ngợi diễn viên; Rồi Người rút trong túi áo ra tờ giấy có ghi một bài thơ và đọc:
Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài,
Chữ tình đáng trọng, chữ tài đáng thương;
Chỉ vì ông già dở dở, ương ương,
Làm cho đôi lứa uyên ương không thành…
Ngừng lại một lát, Bác nhìn lên và đọc nhanh, giọng cương rắn:
Đánh cho phong kiến tan tành,
Do thời gian, tôi không nhớ đủ và rõ từng câu cũng như tên tác giả thuật chuyện; Nhưng vì bài báo rất ấn tượng nên tôi tin chắc nội dung hoàn toàn đầy đủ.
Chúng ta không quá bi lụy để thốt lên như Nguyễn Gia Thiều “Cái quay búng mãi trên trời…” [2] Nhưng quả thực những bước đi của Lịch sử thật lạnh lùng mà con người phải nhìn nhận và chấp nhận.

4.

Chủ thuyết Cộng sản là gì? “Thế giới tự do” của chủ nghĩa Tư bản là gì? Cái gì đã đẩy Dân tộc vào cuộc tương tàn nồi da xáo thịt?
Lại nhớ câu truyện nhà Phật:
Đệ tử hỏi:
Tại sao Phật đến giáo hóa xứ này?
Tổ trả lời:
Vì xứ này vốn có cái mầm Phật tính.
THIỆN hay ÁC đều có NHÂN và QUẢ. Chiến tranh như căn bệnh kinh niên tàn hủy loài người. Bánh xe lịch sử để lại phía sau triệu triệu mồ hoang, góa phụ. Bệnh cạnh “người lính già” không quên vinh quang giải phóng là người chiến binh cụt cùi lọc cọc nạng gỗ về lại nơi xưa, bới tro tàn mà tìm sinh niệm,… Thì thôi! Xin hãy nhìn nhận thương đau của cắt chia để cùng nhau về lại trong lòng Dân tộc, với nghĩa Đồng bào – hầu chung tay góp sức giữ cuộc tồn vinh cho khỏi uổng máu xương bao đời tiên liệt! Nếu cần một lời đủ lý tình để tựa nương thì có thể ghi lại ý này:
Trong chiến tranh giữ nước thì vua tôi một lòng, cha con một dạ (tập trung, chuyên chính); Khi hòa bình thì khoan sức DÂN (DÂN CHỦ) để làm kế rễ sâu – gốc bền!
Đó là lời một người Việt nói đấy: Thánh Trần Hưng Đạo mà Dân tộc tôn thờ là một vị Cha. – Không phải của “phương Tây” và càng không phải là Tàu! Bớt tôn vinh chinh chiến thì sẽ có hoà bình; Và chính một nền hòa bình trong hòa hợp là nền tảng cho xây dựng và phát triển đủ sức làm nguội lạnh tham vọng xâm lăng của kẻ thù truyền đời phương Bắc.[3]

Mong trí tuệ MINH lại sau dằng dặc HỐI!

Phụ ghi

Ý tưởng “Hệ thống Cơ-Linh tác hợp” (đoạn 2) rất giản dị: Nếu phỏng sinh học cho phép áp dụng những nguyên lý của các hệ thống sống vào kỹ thuật thì ở đây, ngược lại, ta tìm cách dùng nguyên lý kỹ thuật để khảo sát hệ thống sống. Từ nguyên tắc tương thích giữa Hardware và Software của PC để đem lại tương tác hữu dụng, ta xem xét sự tương thích và tương tác của cơ cấu xã hội (Cơ) và tư tưởng xã hội (Linh) rồi rút ra những điều cần thiết.

Trở lại bài chủ thì vấn đề là: Coi thể chế như Cơ của Đất nước thì nó chỉ có thể tồn tại và phát triển khi có một tinh thần dân tộc tự cường (Linh). Một ý thức quốc gia lành mạnh chính là kết quả tương hợp giữ Cơ và Linh. (Chắc chắn phải nghiên cứu lại chuyên đề “chủ nghĩa dân tộc” của talawas). Một lý thuyết chỉ có thể được nhìn nhận khi nó giải thích được thực tế và giúp tìm ra giải pháp thực hành. Mấy thí dụ đơn giản:
- Chúng tôi đã có lần nhắc đến việc triều đình nhà Nguyễn có nhìn ra và tìm cách mua sắm trang bị tàu thủy bọc đồng cho thủy quân, nhưng không có những cải cách xã hội tương ứng (mà những trí thức tâm huyết như Nguyễn Trường Tộ suốt một đời… rã họng đòi xin!) nên tất cả cuối cùng đã thành sắt vụn và triều đại tiêu vong.
- Xa hơn chút, hãy coi nhà Hồ với những tài năng cải cách kỹ thuật đáng nể bao nhiêu (Dùng tiền giấy, xây thành đá,…); nhưng vì “chính sự phiền hà, để trong nước lòng dân oán hận” mà cuối cùng non sông chìm đắm.
- Thiết thực hơn, xin dẫn một tin thời sự về việc Việt Nam trang bị vũ khí hiện đại; Lời Giáo sư chuyên gia Carl Thayer: “Thứ nhất là chi phí, tiếp đến là sự cân bằng. Bằng cách mua trực thăng của Pháp mà vẫn còn các máy bay từ thời Xô Viết, hay cố gắng lấy các phụ tùng thay thế cho các máy bay Mỹ mà Việt nam có được từ thời chiến tranh, có thể tạo nên một rắc rối khủng khiếp về hậu cần cho quân đội Việt Nam. Việt nam không thể trộn lẫn mọi thứ với nhau bằng cách mua mỗi nơi một ít vì nó sẽ tạo nên khó khăn lâu dài. Việc bảo vệ chủ quyền biển tất nhiên là ưu tiên hàng đầu, rồi bảo vệ biên giới. Thế nhưng trong tất cả những rủi ro thì Việt Nam phải tính đến, trong khi lên kế hoạch đưa vào một thế hệ thiết bị mới cho một thập kỷ tới hoặc lâu hơn nữa, thì đâu là những rủi ro chính trong một khoảng thời gian nhất định. Đó là một điều khó khăn cho người lên kế hoạch. Việt Nam phải cân nhắc việc các vũ khí có phù hợp với nhau không, rồi kể cả khi có vũ khí rồi thì làm thế nào để phối hợp nó trong cả một tổng thể để giúp quân đội hoạt động hiệu quả”.
Hệ thống khỏe là kết hợp được cơ sở vật chất tiên tiến và tri thức hiện đại tương ứng. Đất nước mạnh là biết dùng tài nguyên và một nhân dân có tinh thần tự do, phấn khởi và hòa hợp. Sức mạnh đất nước, trong đó có sức mạnh quốc phòng, cuối cùng là do Sức Dân, nằm ở Lòng Dân.

© 2010 Tôn Văn
© 2010 talawas

[1] Phan Bội Châu: Sinh vi nam tử yếu hy kỳ!
[2] Cung oán ngâm khúc.
[3] “Phương Bắc”, hay bất kỳ nơi đâu đều, cũng có tham vọng xâm lăng và ước nguyện hòa bình!



Bài số: VL-02
Tôn Văn – Vài trao đổi từ “Vụ Đông La”
Tác giả: Tôn Văn, 19/08/2009 2:09 sáng , 3 phản hồi
Chuyên mục: Tư tưởng, Văn hoá thứ ba Thẻ: Einstein > Nguyễn Huệ Chi > Đông La


Việc bài của tác giả Đông La bị rút xuống sau mấy giờ lên mạng đã dẫn đến cuộc trao đổi ồn ào và thu hút sự chú ý của người đọc. Nhận thấy đây cũng là cuộc bàn cãi của các nhà trí thức về chuyện thời sự, nên tôi muốn tham gia trao đổi.
Đọc tham luận của Nguyễn Huệ Chi
Bài viết của ông Đông La đề cập một bài cụ thể của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi; đó là bài “Tư duy phương Đông nhìn dưới ánh sáng học thuyết Einstein“. Tôi đã đọc bài này từ khi được công bố trên talawas. Tác giả Nguyện Huệ Chi đã viết gì?
Mục đích tham luận của tác giả Nguyễn Huệ Chi là từ “việc khám phá ra thuyết tương đối của nhà vật lý học Albert Einstein” chỉ ra: “ý nghĩa lớn lao của nó, theo tôi nghĩ, lại chính là sự tác động dây chuyền và có tính chất lâu dài trong suốt cả một thế kỷ, làm lung lay một phương pháp tư tưởng đã hằn sâu thành nếp, chiếm địa vị độc tôn trong nghiên cứu, có lúc gây bế tắc trì trệ cho nhiều ngành khoa học, không chỉ khoa học tự nhiên mà cả khoa học xã hội và nhân văn – phương pháp duy lý cổ điển của phương Tây.” (Chú thích: Từ đây trở xuống tất cả những chữ duy lý, lý tính dùng trong bài đều giới hạn trong phạm vi ngữ nghĩa chủ nghĩa duy lý cổ điển hay chủ nghĩa duy lý truyền thống.)Những chi tiết “không hề nói một câu nào về các nhà khoa học Âu Mỹ (trừ Darwin)“, “nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ“… là mô tả cái “phương pháp tư tưởng đã hằn sâu thành nếp, chiếm địa vị độc tôn” kia. Tất nhiên những kỷ niệm về đi xe, nhìn con kiến,… là những kỷ niệm thực, tạo không khí, rất sơ lược; nhưng khi tác giả viết: “về mặt khoa học, tôi biết những kiến giải của mình chẳng đâu vào đâu, vì tốc độ của một chiếc ô tô và một chùm pháo hoa đâu có phải tốc độ ánh sáng mà mong áp dụng được học thuyết tương đối Einstein. Hơn nữa, việc chú ruồi bay thảnh thơi trong khoảng không của ô tô không bị tụt lại phía sau nếu là do tác dụng của lực quán tính thì càng không có quan hệ gì đến thuyết tương đối” thì ta thấy ông thật “biết điều” và kín kẽ! Các đoạn 2, 3 và 4 nói về Lão tử và Phật giáo một cách đại lược nhưng cũng rất đầy đủ để đi tới kết luận ở đoạn 5: “Ý nghĩa của cuộc đấu tranh phát huy tương đối luận và giải lý tính Nho giáo của các trào lưu Lão học và Phật học còn để lại nhiều kinh nghiệm quý giá cho chúng ta hôm nay…” “Và chủ nghĩa Mác vẫn cần cho tư duy con người như mọi học thuyết triết học khác của nhân loại, miễn không biến nó thành một học thuyết chính trị xã hội độc tôn với những công thức ‘bao giờ cũng đúng’ như vô sản chuyên chính, đấu tranh giai cấp bằng bạo lực cách mạng…” Và cuối cùng: “Từ mấy thập kỷ nay rồi con người chức năng xã hội chủ nghĩa vô tình hay cố ý cũng tự phát tìm đến một liệu pháp giảm đẳng gánh nặng tâm lý bằng hành vi tiêu cực: ‘nói vậy mà không phải vậy‘. Không thể nói đấy là phương cách ‘giải lý tính‘ đúng nghĩa. Tuy nhiên, tự nó đã là một thách đố gay gắt đòi hỏi trước sau phải có lời giải.“
Như vậy, nếu ngày nay, sau gần 4 năm công bố tham luận, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi nhìn ra giải pháp (như ông Đông La dẫn, tôi không biết phần đầu có đúng nguyên bản không) “cần phải thay cơ chế hiện thời bằng bằng cơ chế xã hội dân chủ” thì phải nói là… hơi bị nhanh! Bản thân người viết cũng phải bỏ ra hơn 20 năm sống trong chế độ dân chủ châu Âu để thấy đó là cách sinh hoạt xã hội hiệu quả, ưu việt và rất “nhàn” cho “lãnh đạo”. Việc ông Đông La sau ngần ấy thời gian mới đưa ra phản biện rất khiếm khuyết, như chỉ ra dưới đây, có phải cũng… hơi bị chậm lụt chăng?
Xem lý luận của Đông LaKhi xem các bài luận biện ta thường chú ý đến hình thức dùng phép tu từ gây ấn tượng và lý luận phản bác. Bài viết của ông Đông La cũng gồm đủ 2 yếu tố đó. Phép tu từ ở đây là dùng các đại ngôn, các khẳng định “như đinh đóng cột”; thí dụ: GS Nguyễn Huệ Chi đã hiểu sai lý thuyết của Einstein khi viết:… Có rất nhiều điều GS Nguyễn Huệ Chi chưa hiểu và lầm lẫn… GS Nguyễn Huệ Chi cần phải hiểu… Do không hiểu, kiến thức Nguyễn Huệ Chi lượm lặt… “cái mênh mông hoang sơ”, nổ như cái pháo tép còn không xong… Thật tiếc xã hội mình…
Phép tu từ có tác dụng gây ấn tượng và lôi kéo; nó làm cái cảm xúc vượt trội hơn tư duy. Bản thân tôi cũng rất khoái hình ảnh “cái pháo tép” đem đối chọi với Big Bang. Chắc hẳn tác giả của nó vừa viết vừa tủm tỉm cười! Nhưng cái cuối cùng mà người viết phải trình ra và người đọc cần đến là lý lẽ luận kết.
Muốn có phản luận đúng thì phải hiểu lý luận của đối phương (Không phải “đối tác”!). Ông Đông La hình như (hay làm ra) không hiểu bài viết của GS Nguyễn Huệ Chi. Kể về hoàn cảnh tiếp thu lý thuyết Einstein, GS Nguyễn Huệ Chi muốn nhắc đến cái thời Chiến tranh Lạnh phân chia ta – địch / cộng sản – tư bản. Cho tới cuối những năm 1960 các trường phổ thông vẫn có “vườn cây Mit-xu-rin” ghép lê và táo; thuyết biến đổi gen là của “chủ nghĩa tư bản giãy chết”! Đoạn: “Từ phương trình trường đến hằng số vũ trụ, đến vụ nổ Big Bang, đến vũ trụ giãn nở rồi vũ trụ ổn định, rồi lại đến vũ trụ giãn nở gia tốc… sự hiểu biết về vũ trụ trong một thế kỷ đã tiến những bước thần kỳ làm cho nhiều người lo lắng thót tim” là muốn kể ra các lý thuyết mới mẻ thời đó mà người sinh viên được nghe là từ phía “bên kia” – được ông Đông La “bắt rễ, xâu chuỗi” vào nhau để phán: “Trước hết, người ta chỉ phát hiện vũ trụ đang ‘giãn nở gia tốc’ chứ vũ trụ không ‘giãn nở rồi ổn định rồi lại giãn nở gia tốc’ như GS Nguyễn Huệ Chi viết” và kết: “sự hiểu biết tiến những bước thần kỳ là hạnh phúc của nhân loại sao lại khiến nhiều người lo lắng thót tim?” Chắc ông khoái chí với cái “dở hơi” “giãn ra rồi… ổn định
vào như chơi” của vũ trụ; nhưng tiếc rằng đó chỉ là trí tượng của ông!. Nghĩa là những đòn “thâm hậu” rút ra từ những tri thức vật lý hiện đại của ông coi rất hoành tráng nhưng cuối cùng đều đánh trượt.
Bây giờ tạm coi mấy nét Đông phương học của Đông La; ông kể: “Trong bài trao đổi với GS Hoàng Ngọc Hiến…, tôi đã viết: ‘Trước đây vì khoa học chưa phát triển, các nhà nghiên cứu thường luận bàn về Đạo đức kinh như bàn về một tác phẩm thi ca có tính hàm súc như thơ tượng trưng vậy, vì ‘ý tại ngôn ngoại’ tất dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Bây giờ chúng ta thử khảo sát tư tưởng Lão tử theo ánh sáng của khoa học hiện đại, xem tư tưởng của Ngài sẽ ứng với những nguyên lý nào của khoa học, nghĩa là xem nó có gì có lý, có giá trị thực tiễn hay không…” Ý kiến này không phải dở, nhưng mỗi hệ thống triết lý đều có tính độc lập của nó, ta chỉ có thể so sánh để tìm ra những tương đồng hay dị biệt; lấy cái này làm quy chiếu để đánh giá cái kia là vô nghĩa. Tốt nhất là đi sâu vào các ngóc ngách lý lẽ của triết thuyết để hiểu cho hết. Cái gì là “trùng trùng duyên khởi” tại sao lại phải “vạn sự như lôi, vững tâm thiền định”? Tôi e cả ở đây, ông Đông La cũng chưa hiểu hết những gì GS Nguyễn Huệ Chi đã viết và muốn nói.

© 2009 Tôn Văn
© 2009 talawas blog
Phản hồi: 3 phản hồi (bài “Tôn Văn – Vài trao đổi từ “Vụ Đông La””)


Bài số: VL-01
Văn hóa đọc - từ một góc nhìn
4.11.2004

1.
Ðọc và viết là hai khả năng cơ bản của mỗi người. Ngay từ khi chưa hết thò lò mũi xanh, cắp sách vào lớp vỡ lòng đã bắt đầu „tập đọc tập viết“. Qua biết bao nhiêu thước kẻ vào đầu, roi quất lên tay mới „biết đọc biết viết“. Rồi lại qua bao nhiêu „cơm thày cơm cô“, ông bố hay bà mẹ mới dám qua nhà hàng xóm nói: Thằng bé, con bé nhà tôi đã „đọc thông viết thạo“. Lớn chút nữa thì việc đọc có giảm đi mà việc viết (tức là tập viết) tăng lên: Tập làm văn (môn này quan trọng!), tập làm thơ, tập làm báo tường, báo lớp, tập viết kiểm điểm... Lớn tiếp đi làm (cũng gọi là „đi thoát ly“) thì có thể hai việc „đọc-viết“ lại được gần nhau: „Nên đọc nên viết“, „được đọc được viết“, „phải đọc phải viết“ và cả ... „cấm đọc cấm viết“. Về cơ bản thì cái đoạn kế sau là do chữ mà suy chứ không phải từ nghĩa mà luận, nhưng cũng không phải không từng có trong thực tế.
Ðọc và viết là hai nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống con người, như đầu vào và đầu ra (input và output) của một hệ thống; nhưng hình như viết được để mắt nhiều hơn: Viết có lớp huấn luyện, khóa bồi dưỡng, có trường dạy, chứ đọc thì không. Việc đọc, nói cho to ra là văn hóa đọc, là một thành tố cơ bản thuộc về quyền (yêu cầu và quyền lợi) cá nhân. Thành tố cơ bản ở đây tôi nói theo nghĩa nó là tiên đề của hệ tiên đề: Là cái cần và đủ cho hệ thống văn hóa của một con người. Thật khó tưởng tượng một thế giới không còn việc đọc. Thật đau thương cho một con người suốt đời không biết đọc, không được đọc, không dám đọc!

2.
Về nguyên tắc, tất cả những gì nhận ra bằng mắt đều được gọi là đọc: Nhà khảo cổ học đọc những thông điệp của người xưa qua hình vẽ trong hang đá, người họa sỹ đọc lên niềm xúc cảm từ những gam mầu của một bức tranh; rồi những chàng trai, những cô gái đọc trong ánh mắt người tình những lời trìu mến mà đôi khi nguyên bản của tác giả cũng chẳng hay bằng... Nhưng cái đọc ta nói đến đây là đọc những ấn phẩm bằng chữ được viết ra, được in lên, được đao-lốt xuống (dowload). Nói về văn hóa đọc là nói đến những đối tượng này. Và điều cũng không kém phần lý thú là cái cách chúng ta đến với những ấn phẩm, cách chúng ta đi vào cái gọi là „văn hoá đọc“.
Những ấn phẩm đầu tiên một con người tiếp xúc chắc là cuốn „tập đánh vần“, tiếp sau là những „sách chữ to có tranh“, những báo tuần báo tháng, tạp chí, bản tin; nhưng phần lớn thì phải kể những cuốn sách giáo khoa mà thời chúng tôi, nhiều người phải mua lại của những đàn anh đàn chị lớp trước. Ðọc những cái đó, thuộc những cái đó và viết theo những cái đó, càng được nhiều càng tốt. Tôi có cái may là được nhà chiều, và nhất là Thày tôi có một tủ sách con, không nhiều nhưng cũng đủ cho tôi lục lọi. Ðạt trình độ „đọc thông“ rồi, tôi mò đọc Chinh phụ ngâm, Kiều... Ðã có thể thuộc từng đoạn đấy, nhưng không hiểu hết đâu. Ví như trong câu „Ðường rong ruổi, lưng đeo cung tiễn/ Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa“, tôi đã không hiểu cái „tiễn“ trước và cái „tiễn“ sau khác nhau thế nào. Nhưng cứ đọc mãi thì cũng thấm vào chút ít, nhất là cái không khí, cái thần của toàn câu chuyện. Hai cuốn sách khác cũng khá quan trọng đối với tôi, đó là tập sách giáo khoa Tự luyện thi cấp tốc bằng Tiểu học và một cuốn tóm tắt những kiến thức cơ bản và công thức toán học chắc dịch từ tiếng Pháp, đều được in từ thời cũ mà Thày tôi còn giữ được. Cuốn thứ nhất khổ lớn, chắc cỡ A4, giấy xấu, mầu xám ngà, còn cuốn thứ hai nhỏ bằng một phần ba, in giấy mỏng và tốt. Hai cuốn này là chỗ dựa, là bảo bối của tôi trong những năm phổ thông cơ sở. Chúng cho tôi những kiến thức mà các bạn cùng lớp không có được, nếu chỉ học theo sách giáo khoa. Viết ra như thế chỉ là muốn nói: Học trích giảng, đọc trích đoạn không giúp nhiều cho người học. Học là tự đọc, là tự sống trước cái đời ta sẽ sống, phải thật chăm chú và cẩn thận.
Nhưng đấy là những điều sau này nghĩ lại rồi rút ra thế, chứ lúc đó tôi chỉ thấy thích thú khi biết thêm những điều lạ, những điều hay ho nhận được qua sự đọc. Người Ðức có câu: Cứ ăn rồi sẽ thấy ngon (Appetit kommt beim Essen - Cái sự ngon miệng nó đến trong khi ta ăn). Nhờ tập đọc, tôi đã thích đọc và thích luôn cả việc tìm, chứa sách, cho mãi tới sau này. 3.
Năm tháng dần trôi, tuổi trời thêm nặng. Cái tính thích đọc, thích sách thấm vào người ta như ma túy, như bệnh nghiện. Nó làm ta nhiều khi phát cuồng, nhiều khi rã rời tưởng sắp về ... chầu Chúa. Những năm bảy mươi chả hạn, những „bài thơ sang sảng những tên người“ thấy ít viết ra và cũng thấy ít làm ta rung động hơn. Cô bạn cùng đoàn vào tiếp thu cơ sở kỹ thuật sau giải phóng, „tiếp thu“ nghiến ngấu những Vòng tay học trò, Một đời để hận... „Văn viết thế này thì hết chê luôn“ - cô nói dẻo quẹo giọng Xè-goòng mới tập! Anh bạn lớn tuổi thì hết Cô gái Đồ Long , Anh hùng xạ điêu, lại quay ra nạp cho cái máy hát mua nhặt ngoài phố mấy đĩa Khánh Ly, Chế Linh, Thanh Tuyền... nghe đi nghe lại đến nhức cả đầu. Tôi bán đi mấy tút Sài Gòn Giải Phóng được phân phối, lấy tiền lượm Gánh hàng hoa, Làm đĩ ... ở mấy quầy sách đường Lê Lợi; đọc rồi nhờ đem ra Hà Nội trước. Sau này khi hết „biệt phái“, tôi về thì chỉ nhận lại được mấy cái chậu nhựa, cái quạt bàn National, còn sách thì chắc người nào đó đang đọc dở.
Rồi thì túi bụi lao vào đề tài, săn hợp đồng... Báo chí thì đọc ở cơ quan, mà cũng khó kiếm: mấy vị hưu trí đi xếp hàng từ sáng sớm, mua về đọc hết hay chưa hết cũng đem bán lại cho mấy bà hàng ở Bắc Qua, chợ Ðuổi... làm giấy gói, cũng là một khoản thu. Thèm đọc thì ra ngã ba mượn mấy anh „xế-lô“ đang vắng khách. Mượn một tờ thôi, đọc xong rồi đổi, tờ kia phải để anh làm quạt đuổi ruồi hay che mắt cho dễ ngủ. Buồn thì tha thẩn đạp xe đi chơi, Hà Nội hồi ấy còn có thể đạp xe tha thẩn được. Chợ Xanh chỗ cao-xà-lá có ông già bán sách cũ, mua nhặt nhiều lần cũng đủ bộ Ðông Chu (không phải không có tiền mà vì ông ấy cũng không có sẵn, phải đợi kiếm dần). Những sách khác thì ông có nhiều, như dạy đánh cờ, tiền vận hậu vận, bói bài... nhưng mình cũng đã thấy rồi, không ham lắm nên đọc không vào mà làm theo cũng không được. Thằng bạn tôi thì khác, nó say nhất là những sách kiểu chỉ tay giản yếu, tâm lý đàn bà... Nó lắm người nhờ nhưng cấm có khi nào xem cho tôi hoặc những người chúng tôi quen biết.
Thế rồi rộ lên sách dịch. Người ta khoe nhau: Tớ đã có Ka-ta-rin-na, sắp ra Bà Bô-va-ry, Thằng bé đấy... Thế rồi „ào ào đổ lộc rung cây“ với những Tôi và chúng ta, Tướng về hưu, Mùa lá rụng ... Ðọc thì có thấy hay, nhưng vợ vẫn không khỏi được cái bệnh thỉnh thoảng lại nhăn mặt lại, mắt trợn ngược lên (chẩn đoán nói là mắc bệnh viêm màng túi mãn), hết bảo đi xếp hàng mua dầu lại sai đem sửa cái vành xe đạp đảo. Bạn bè phiêu dạt, đứa đi Phi châu thử sức ruồi vàng, đứa sang Nga làm chân hợp tác. Ðọc quên, văn hóa cũng quên luôn!
Từ ấy đến nay, tính năm cũng đã trên cái số mười lăm của nàng Kiều, biết bao dời đổi! Sự đọc cũng khác đi nhiều. Sách báo bây giờ in ra đủ loại, giấy tốt, hình đẹp. Và nhất là internet: nhấn chuột mấy cái thì xem được đủ thứ, từ khắp mọi nơi trên cõi nhân gian. Cho nên bây giờ nói văn hóa đọc thì cũng gần như là nói văn hóa internet: tiện, nhanh và đầy đủ. Và có phải nhờ cái „mạng tin liên quốc“ này mà việc đọc lại phục hưng chăng?

4.
Nói rằng internet nhìn chung và văn hóa đọc internet nói riêng là bước tiến dài của văn minh thì đúng rồi, không ai phản đối. Nhưng không phải nó không có cái đáng lo, không phải không có cái cần bàn; thậm chí nhiều người còn lo, còn sợ internet, mỗi người mỗi kiểu. Tôi thì thấy hình như cái văn minh đọc internet có tiến bộ mà cái văn hóa đọc internet thì không khá hơn nhiều. Nói văn minh là nói tiện nghi kỹ thuật, nó tràn đầy ở số lượng vô kể những trang web, ở sự đa dạng các hình thức trình bày. Còn nói văn hóa là nói cái nội dung nó truyền tải, cái ta đọc được, cái „đầu vào“ cho hệ thống tri thức của cá nhân ta. Có thể nói mỗi người đọc đều có cái „gu“ (gout) riêng của mình; tìm cho được những web mình thích, những bài mình đọc được cũng phải mất chút ít thời giờ. talawas là một trong những trang tôi vào thường nhật.
Tôi tìm web theo cách ông chú tôi đi mua hàng. Cần mua cái ấm pha trà chẳng hạn, ông đi từ đầu chợ đến cuối chợ, hàng nào có ấm cũng vào xem, cũng hỏi giá. Ông bảo ấm mua được là cái có lỗ chặn đủ cho nước trà chảy ra mà bã trà thì giữ lại, cái vòi phải cao để nước không tràn khi đặt trên bàn còn nắp và miệng ấm thì tròn khít mà không vênh váo. Ông xem khắp chợ rồi cuối cùng về chỗ hàng có cái ưng nhất để mua. Tôi nghĩ rằng ông làm thế không phải vì cầu kỳ hay khó tính; ông làm và nói ra thế là ông muốn thể hiện cái thú của mình trong việc uống trà, ông muốn chia sẻ. Ðọc internet tất nhiên là khác, nhưng không phải không có những tương đồng với việc mua ấm, uống trà của ông chú tôi, cũng phải cầu kỳ. Nói ra thì e có người kêu khó tính, thượng đế ở đâu chứ ở ta thì biết cái gì là „thượng“ cái gì là „đế“, lúc nào là „thượng“ lúc nào là „đế“, mà đòi ! Nhưng đã gọi là cái „đầu vào“ thì cũng nên xem xét chứ đâu phải là chuyện bỡn?
Ðọc văn đọc báo, ngoài cái nhu cầu biết thêm, biết mới, còn cái nhu cầu quan trọng là thưởng thức cái hay, cái đẹp. Nội cái câu văn, cái dấu chấm dấu phẩy thôi, nhiều khi không khéo cũng bực mình. Lấy một bài gần đây chẳng hạn, làm thí dụ; câu mở đầu như sau: „Cho đến nay, đã 65 năm kể từ ngày mất của mình, qua nhiều cuộc hội thảo, nhiều công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước, những giá trị của nhà văn Vũ Trọng Phụng ngày càng được khẳng định.“ Ðọc rồi, tôi hoang mang lắm: nếu „những giá trị“ của ai đó lại có „ngày mất“ tính ra năm tháng được thì... tỉ mỉ quá, mà cũng khó tính ra được nữa. Tất nhiên là hiểu ý, tất nhiên là bài viết có nhiều thông tin hay, nhưng làm sao dám hiểu ra ngoài cái ý không thành... ý của người viết?
Xin kể thêm về dấu chấm dấu phẩy („.“, „,“) và chữ viết tắt cho vui. Dấu phảy để ngắt một ý trong câu, dấu chấm để kết thúc một câu trong một đoạn, một đoạn trong một bài; chữ viết tắt gồm chức danh, danh hiệu, học vị ở đầu và giữa câu, chữ „vân vân“ ở cuối câu. (Những cái này thì rất „abc“ rồi, viết ra chẳng qua để có chung „cái nhìn quy chiếu“!) Theo đó thì những chú thích ảnh thường không phải là một câu trọn vẹn nên không bao giờ cần một dấu chấm để kết thúc nó. Vậy nhưng nhiều trang web lớn vẫn đề dưới ảnh: „Anh A. trong vườn - chấm“, „Chị B. giữa chợ - chấm“... Trong khi nhiều trang thơ thì người đọc cứ phải theo mạch mà bỏ dấu lấy. Cái này, tôi tự nghĩ, chắc có nguyên do của nó: Chữ và văn quốc ngữ của ta mới có ít trăm năm nay thôi; nó khác chữ Tây và nhất là chữ Tàu là cái nguồn ta thấm từ lâu. Chữ Tàu theo tôi thấy thì nó không có „chấm, phẩy“ gì, vậy nên khi ta viết văn ta mà không có cái mẫu trước nên thành ra khó! Nhưng chữ sau đây thì e là đã có mẫu rồi, là chữ „vân vân“. „Vân vân“ thường được đặt cuối một câu liệt kê nhiều thứ cùng chủng, cùng loại mà người viết không muốn viết hết ra và cũng đủ để người đọc hiểu được. Có hai cách là: dùng „vê chấm vê chấm“ (v.v.) hoặc „ba chấm“ („...“). Trong các văn bản chữ latin, các chữ „et cetera“, „und so weiter“... hoặc chữ viết tắt của chúng: „etc.“, „usw.“... cũng được dùng như vậy. Chữ viết tắt thường là một chữ cái đầu từ và một dấu chấm đi liền sau, được thống kê ở đầu hoặc ở cuối các cuốn từ điển. Khi đọc nhiều trang web của ta, thấy nhiều „vị“ dùng rất lung tung: „vê chấm chấm chấm, vê chấm chấm chấm“, „vân vân và vân vân“... Xem tình hình như thế, tôi suy ra rằng người Tàu cũng không hoặc chưa có chữ „vân vân“ này.
Những điều trên là nhỏ, rất nhỏ. Nhưng điều thú vị là khi đọc talawas tôi đã không gặp cái „chấm nạn“ này. Tôi tò mò hỏi đùa Ban biên tập: Quý báo có một người làm hay sao mà ít lỗi vậy? Thì được trả lời: Vấn đề bạn đề cập là một vấn đề lớn; có thể nói là vấn nạn của tiếng Việt: Không có một tiêu chuẩn nào cho chính tả cả, ai muốn làm gì thì làm. Còn việc biên tập ở talawas thì theo một bản quy chế gồm hàng chục điểm cần lưu ý cho mọi biên tập viên. Mỗi bài đăng trên talawas đều phải qua biên tập hết. Bất kể của ai, tác giả đã nổi tiếng hay người mới bắt đầu viết...
Tất nhiên đó chưa phải là tất cả những cái thuận tiện mà talawas đem đến cho người đọc. Thí dụ cái cách trình bày một bài tôi thấy cũng đơn giản, sáng sủa và nhất là tiện dụng. Ðọc báo điện tử có cái hay là bài nào mình thích thì có thể kéo nó ra, lưu vào rồi đọc kỹ lại sau. Ở talawas, mỗi bài tôi chỉ cần làm một lần „select – copy – past“; những web khác thì tiêu đề một lần, dòng „cập nhật ...“ một lần, đoạn tóm tắt một lần rồi tên người viết v.v., mỗi thứ lại một lần, hơi nhiều. Rồi đoạn tóm tắt (Summary, Zusammenfassung), cái này thuộc về kỹ thuật giản đơn của người viết, nhưng lại quan trọng đối với người đọc, nó giúp ta nắm sơ qua nội dung bài viết để đọc tiếp hay bỏ qua. Gọi là việc giản đơn vì ai làm xong bài tốt nghiệp cũng phải thực hiện. Nhưng nói thực là tìm được cái „xam-mơ-rai“ hay cũng hơi bị... hiếm. Hay những cụm chuyên mục, tủ sách... của talawas, chắc mới đang thời kỳ xây dựng, nhưng cũng tiện cho người muốn đi sâu vào một chuyên đề.

5.
Là người đọc, tôi suy nghĩ và thấy đằng sau mỗi bài mình đọc được là bao nhiêu công sức và tâm huyết của nhiều người đã bỏ ra. Làm ra được cái gì có tính văn hóa thì bản thân người làm cũng phải có lòng yêu văn hóa, cũng mang ít nhiều cái chất văn hóa trong người, cũng nên cố để có được cái „thư đồng văn“ (tạm hiểu là bài viết ra phải có cùng một quy tắc văn phạm)! talawas đã cho ra những bài đọc hay. Xin cảm ơn quý báo.


München, mùa Thu
© 2004 talawas



1. Vương Văn Quang nói: 24/08/2009 lúc 7:50 sáng Vài bổ sung từ “vụ Đông La” Bài viết “Vài trao đổi từ ‘vụ Đông La’” được tác giả Tôn Văn tiến hành viết rất cẩn thận, những thao tác nhằm so sánh hoặc chỉ ra những điểm đúng, điều sai đều rất thấu tình đạt lý. Và đáng trân trọng hơn nữa, khi Tôn Văn viết bài với thái độ đúng mực, lịch lãm, điềm đạm, nhẹ nhàng, từ đầu tới cuối (mặc dù, nhiều điểm, nhiều cách dùng từ của “bài phản biện” rất dễ khiến người viết không giữ được bình tĩnh). Luôn giữ được một thái độ điềm đạm từ đầu chí cuối như vậy đối với một bài viết không hề thiếu những điểm, những chi tiết chẳng hề dễ chịu thì quả là tác giả Tôn Văn hoàn toàn xứng đáng “điểm 10 cho chất lượng”, mặc dù (hình như) anh chưa đi… bán dầu ăn bao giờ. Nhưng có một điều khá bất công, đó là đối tượng được thụ hưởng sự lịch lãm kia tỏ ra không mấy xứng đáng. Đối tượng ấy chính là nhà phê bình, kiêm nhà văn, kiêm nhà thơ, kiêm nhà hóa học, nhà vật lý, kiêm nhà khí động học, thiên văn học, triết học và đôi khi kiêm luôn cả nhà… chính trị. Nhân vật có tên rất nhiều “kiêm” kia chính là Đông La (theo nhà văn Nguyễn Việt Hà, Đông La rõ ràng là khác với Bắc Thét, Nam Gào và… Tây Ngọng). Tôi kém nhà multipurpose Đông La tới gần hai chục tuổi, ấy thế mà chẳng hiểu ma dẫn lối quỉ đưa đường thế nào mà có một thời (cũng may là phúc tổ nhà tôi còn vượng lắm, nên thời gian đó không kéo dài) được nhà phê bình Đông La (từ đây sẽ chỉ gọi là nhà phê bình cho tiện) quan tâm để mắt tới. Nói vậy cho oai, thực ra sự để mắt của nhà phê bình với tôi chỉ là thi thoảng kêu tôi đi… nhậu thịt chó (sorry, so sorry… con chó). Trong các cuộc nhậu, nhà phê bình cũng có nhã ý “bồi dưỡng kiến thức văn chương, triết học” cho tôi, nhưng chỉ số IQ tôi không cao lắm nên chữ thầy giả thầy bằng sạch. May thế! Sau này nghĩ lại tôi hú hồn hú vía. Có lẽ mả tổ nhà tôi táng ở nơi chẳng phải hàm rồng thì cũng là những nơi kha khá, bởi vậy nên tôi chẳng phải thấm nhuần bất kể thứ kiến thức nào từ nhà multipurpose này. Nhưng có một thủ pháp phê bình mà nhà phê bình Đông La đã không dưới đôi lần thì thào thẽ thọt vào tai tôi trong những cuộc nhậu, và có lẽ vì vậy nên tôi đã nhớ chúng như in. Nhớ một cách vô thức, dù chưa bao giờ mang ra áp dụng. Lạy thánh mớ bái, tôi có gan dạ như anh Lê Văn Tám thì tôi cũng quyết chẳng bao giờ mang cái thủ pháp phê bình ấy ra mà ứng mà áp mà dụng. Đọc tới đây, thể nào khối vị cũng mẩn rôm, nổi sẩy vì tò mò. Thôi thì tôi tiết lộ ngay lập tức đây: Thủ pháp của nhà phê bình Đông La là, chỉ phê, chỉ “đánh” những đứa tầm cỡ, có hạng, có máu mặt trong mọi lĩnh vực. Còn các cái loại lèng èng thì quên đi, nhá. Không có rỗi hơi mà đi “đánh” bọn này. Chưa kể vô phúc vớ phải thằng nội lực thâm hậu hơn, nó oánh giả thì có mà lỗ vốn nặng. Trong khi “đánh” bọn có tên có tuổi có số có má, chẳng may có thua cũng chả làm sao. Vì nó tài, nó giỏi. Chuyên gia nước ngoài như… ông Môngsto người Úc, anh Trymhoi người Hàn, bà Lôngsnack người Ý, cô Dytscong người Urugoay còn chịu thua bảy tám phần,, huống gì mình… Đấy, đại khái cái thủ pháp ấy nó là như thế. Bằng chứng rõ như ban ngày, tôi xin kể sơ sơ cho đỡ mất thì giờ các quan bác nhé: nhà phê bình Đông La toàn “xử” cỡ hàng hiệu như cụ Cao Xuân Huy, bác Cao Xuân Hạo, ông Nguyễn Huệ Chi, v.v., cỡ thứ cấp mà nhà phê bình Đông La “sờ” tới tệ cũng phải cỡ Lữ Phương, cỡ Mai Thái Lĩnh hay Hà Sỹ Phu… đám văn nghệ sĩ dạng èng èng mà khiến Đông La xuống tay thì cũng phải tầm cỡ nhà thơ “mỏng như rơi nghiêng” Trần Đăng Khoa, hay Đỗ Minh Tuấn, hoặc nữ văn sĩ li khai Dương Thu Hương, hoặc nhà văn cấp tiến có máu mặt Phạm Thị Hoài, tệ lắm, “khan hàng” lắm thì Đông La mới xử tới dạng lìu tìu như Nguyện Việt Hà hay nhà văn mới phất như Đỗ Hoàng Diệu (riêng Đỗ Hoàng Diệu thì Đông La không những chưa kịp đánh mà còn mời đi ăn trưa tại một nhà hàng sang nhát Sài thành, món ăn cũng đắt nhất trong mơnu, là Cá Bống Mú chưng tương hẳn hoi tử tế nhá). Ai không tin, cứ hỏi thẳng Đông La. Cũng có khi buồn tình, nhà Đông La quay qua ca “xử” cả mấy vị mon men làm chánh trị. Nào Hoàng Minh Chính, nào Trần Khuê, nào Lê Công Định… Ấy thế nhưng đã gọi là thủ pháp, thì bao giồ nó cũng có môt vài mẹo hay nguyên tắc nhỏ. Trong cái thủ pháp phê bình của Đông La, cũng có một nguyên tắc nho nhỏ xinh xinh. Đó là: Tuyệt đối không bao giờ sử dụng thủ pháp này với những đối tượng đang quá nhiều uy tín hay đang nắm những trọng trách. Cũng có vài biệt lệ, nhà phê bình Đông La chẳng những không “xuống tay” mà còn tỏ ra vô cùng ưu ái: - Vì ông ấy truyền bí kíp [hay y bát gì đó?] làm thơ cho tôi;
- Vì bà ấy công nhận tôi là nhà thơ vừa có tài vừa thông minh… gần nhất quả đất;
- Vì ông ấy công nhận tôi là cây viết văn xuôi số 2 của TP, chỉ sau ông ta. Nhưng tôi nói rất thật lòng, dù sao, đối với tôi, Đông La cũng là một văn nghệ sĩ có tài. Bằng chứng là khi talawas còn là bộ cũ, không hiểu Đông La đã tấu màn gì, mà giữa đêm giữa hôm, một nữ độc giả đã phải đi cấp cứu vì xem/nghe/đọc Đông La. Cô ấy đã cười tới mức rách âm hộ.

2. Phùng Tường Vân nói: 19/08/2009 lúc 6:33 sáng Một chế độ làm tha hoá con người, làm sa đọa nhân cách. Tôi thật tâm không có ý muốn “ném đá” ông Đông La, bước hụt gần đây nhất của ông (chống NHC, đụng VC) đã và đang làm cho cuộc đời ông tơi tả thêm, rất đáng thương và cũng rất đáng trách, khó lòng biện hộ cho ông được, tuy nhiên tôi rất muốn được nhìn vụ việc của ông một cách khoan dung hơn. Gần đây chia sẻ với nhà báo Hồ Bất Khuất nhân ông này cho công bố một tư liệu hiếm về “100 hạt giống đỏ”, Đông La phát biểu: “Họ (những “hạt giống đỏ”) không thể trở thành những yếu nhân có tầm ảnh hưởng lớn hơn bởi họ còn thiếu thủ đoạn. Mà chính sách cán bộ nước mình còn chưa công minh (công bằng và minh bạch), sự chạy chọt, dắt díu nhau… rất nhiều. Trong một truyện ngắn tôi đã viết: “Một xã hội ai cũng ngồi vào đúng chỗ của mình chắc sẽ phát triển nhanh lắm.” Tiếc rằng nước mình chưa được thế, đó chính là nguyên nhân chính của sự tụt hậu và tệ nạn hôm nay. Tôi không là “hạt giống đỏ” nhưng là “hạt giống lương thiện”, cũng từng là nạn nhân của tình trạng trên. Từng làm ở một viện nghiên cứu, chúng tôi cũng bị trói bởi đủ thứ cơ chế và quan hệ nhùng nhằng rồi không làm gì được ra hồn cả. Xông vào lãnh vực văn chương cũng lại vậy”. Không có gì mới nhưng quả là có chút ít biết mình, biết người không đến nỗi tệ phải không ạ, vậy mà tại sao ông ta cứ liên tiếp đánh những quả thối không ai ngửi được, nhận không biết bao nhiêu rìu búa của rất nhiều phía khác nhau như vậy, tôi nghĩ quả ông ta là một nạn nhân điển hình của cái chế độ mà ông ta lớn lên, hít thở, học tập, trưởng thành…: xã hội Việt Nam dưới chế độ cộng sản, một chế độ có đủ các yếu tố làm tha hoá con người, làm sa đọa nhân cách bắt đầu từ Nhân Văn – Giai Phẩm, qua cải cách ruộng đất và kéo dài cho đến hôm nay và cũng chưa thấy có dấu hiệu gì nó sẽ chấm dứt trong một tương lai có thể nhìn thấy được. Tự nhận mình là một “hạt giống lương thiện”, cũng có chút ít đầu tư sở học, vậy mà đợi mãi không thấy mình được đặt ngồi vào một chỗ có chút bờ xôi ruộng mật mà ngày tháng không đợi người, có lẽ cái đó giải thích thái độ quay quắt không ngớt của ông ấy chăng. So với Đông La thì một Nguyễn Công Hoan chửi thẳng cụ Phan Khôi bằng những ngôn từ hạ cấp nhất: “Văn chương đ.m. thằng cha bạc
Tiết tháo tiên sư cái mẽ ngoài
Lô-gíc trước toan làm kiếp chó…” và một Chế Lan Viên thấy cụ Phan lịch kịch dọn nhà mà đứng chửi đổng: “Giống ấy thì mặc xác nó hỏi đến làm gì” (Hồi ký NĐM), thì nhân cách của hai cây đa cây đề sau này tệ mạt hơn nhiều chứ phải không ạ?

3. ChieuAnh nói: 19/08/2009 lúc 3:43 sáng Sau khi lướt qua Đông La blog, tôi đề nghị chi bộ của ĐL khẩn trương họp để nghiêm khắc phê bình đối tượng này. ĐL dùng vụ Luật sư Lê Công Định như một răn đe. Tuy nhiên, hành động trên phơi bày kiến thức rất hạn hẹp của ĐL về lịch sử Đảng! Trong hơn 50 năm qua, lịch sử Đảng chỉ rõ rằng không phải những người Đảng lên án là có tội với Tổ quốc, điển hình qua các đợt cải cách ruộng đất (xem nghiên cứu của Giáo sư Đặng Phong), vụ Nhân văn Giai phẩm, án gián điệp dành cho Nguyễn Hữu Đang, v.v. hay những người Đảng đề cao là có công với đất nước, điển hình là mối quan hệ “4 tốt”, “16 chữ vàng” hiện thời! Ngoài ra, một vấn đề đơn giản như thế mà không nắm vững thì có thể nào tranh luận về Einstein và Lão Tử!!!