THƠ II: GIỌT TÌNH

 GIỌT TÌNH
  
 Thơ Tình Hoàng Thư

Lời Mở
00:14, 2011-03-10

Soạn lại cho ra tấm ra miếng, để gặp một người nào ... lớ ngớ, thì ... chia sẻ! Mà cũng thật khó viết, vì xao xuyến quá. Chắc phải để đọc và sửa cho gần (gọi là) xong, thì cái tâm mới định; Thì mới ... “gói tròn” lại được!
Nhưng ngay đây cũng nhớ lại lời Thày - Người sinh thành ra tôi, khi Người đèo tôi trên chiếc xe đạp mượn của ai trong xóm để đưa tôi xuống tỉnh tập trung đi học. Đó là lần hai Cha-Con gần nhau cuối cùng; Và cho đến những bước cuối của cuộc đời này, tôi mới ngộ rằng: Thày tôi, NGƯỜI-SINH-THÀNH ra tôi, là TÌNH YÊU LỚN và DUY NHẤT trong đời mà tôi có được. Tôi không thể nhắc đến MẸ, vì Mẹ đã mất đi trước khi tôi đủ khả năng ghi nhận Người trong tâm khảm; Cũng không nhắc đến BÀ NỘI là người thay Mẹ cho tôi ngậm vú tới khi lớn, bởi vì tình yêu của Bà với tôi gói trùm trong tình yêu của Người với các con và cháu chắt.
Buổi đó, Thày tôi nói nhiều; Khi đã qua sông Lạng (Hoàng Long), ngang núi "Hốt", Thày chỉ nhắc một câu thơ Nguyễn Du:
Tu là cõi hạnh, tình là dây oan!
Sống qua ngần ấy tháng năm, nhớ Người, xin ghi đôi chữ như “lời mở”:
Vị ngọt Tình yêu – Trái đắng Cuộc đời.

München (Mu-nich), ngày Giáp Tý mồng Sáu tháng Hai Tân Mão

Lorelei, Mainz 1998

Mục Lục Thơ II: Giọt Tình

Đề bài (36)
Ngày viết - Gửi đăng
Lời Mở

Lòng Mẹ
Đón Em
Hoa Thị Thành
Em
Đi Gánh Nước
Đôi bờ
Chiều Vàng
Xa Cách
Người Không Quen; Đừng Hỏi
Muốn Đi
Trời Cứ Mưa Hoài
Nếu Mai Ngày...
Nhớ Petofi
Cửa Lò
Xuân Tình
Chiều Nơi Xứ Lạ
Không Đề
Rằm Tháng Giêng
Xuân Xa Quê
Giao Thừa
Nghĩ Về Hạnh Phúc
Suy Tưởng
Một Tuần Qua
Những Ngày Này
Đồng Bào
Còn Đâu
Hạt Mưa Thu
Em Ở Đâu?
Trái Hồng Tặng Em
Tình Dâm
Thôi Đừng Chờ Đợi
Gửi Người Trên Net
Yêu
Một Đoá Hồng
Hà Nội Trong Tôi
Cõi Thương Người Mẹ
00:14, 2011-03-10

Tháng Sáu 1971
Dịch ngày 28 tháng Bảy 1973
Phố Đại La, tháng Năm 1976,
1975-76
Bạch Mai, tháng Chạp 1977
1977
Viết cho Tân, và ...
Thüringen, 1978
Tháng Ba 1981
Tháng Năm 1981
Tháng Năm 1981
1981
1981-82
Nghệ An, 1986
Bính Dần, 1986
Eibenstock, tháng Chạp 1988
Eibenstock, tháng Chạp 1988
16 tháng Giêng, đêm
Eibenstock, tháng Hai 1989 – QH
Karl-Marx-Stadt, 1990 – QH
Kỷ niệm một thời (1990-98)
Hradec, Tiệp Khắc – QH
Zirndorf, tháng Ba 1993
Fürth, cuối năm 1997
Fürth, tháng Sáu 1998 – QH
Deutschland, 2001
Thu 2001-02
2006
Tháng Một 2006
Tháng Một 2006, tổng quan ... đời sự
Tự tình, 2006 – 2007
Thời tình Chát, 2006
Đáp lời, 2007
Tháng Năm 2007, tặng Nhan
Nước Đức, tháng Chạp 2007 – QH
Olympia Parkt Mu-ních, 24.05.2009 - DL



Ghi chú: Các ký hiệu viết tắt

BVN – Trang nhà Bauxite Việt Nam;
DCV – Trang mạng online Đàn Chim Việt – Info;
DL – Trang online Dân Luận
QH – Tạp chí onleine và giấy của Bộ phận “Người Việt Nam ở nước ngoài”, Bộ Ngoại giao;
talawas – Trang nhà online;
TL – Tạp chí online Thông Luận;




Lòng Mẹ
Tháng Sáu 1971

Có hạnh phúc nào hơn hạnh phúc,
Được ngồi ngắn nghía đứa con yêu;
Hai tay ghì sát con vào ngực,
Dịu dàng tha thiết biết bao nhiêu.

Mặt mẹ cháy hồng mầu nắng gió,
Mắt con ngời sang ánh tương lai;
Như cây măng nhỏ bên tre mẹ,
Vươn mình lớn dậy giữa ban mai.

Ôi nói làm sao cho hết được,
Lòng mẹ thương con suốt cuộc đời;
Rừng bao nhiêu lá, sông bao nước,
Chẳng bằng công mẹ dạy nuôi tôi.

Trong vòng tay mẹ con đã lớn,
Con đã đi lên giữa cuộc đời;
Dưới vành nón lá hình đất nước
Nắng mưa nào quản, mẹ yêu ơi.

Ta cảm ơn ai chụp tấm hình,
Khơi dậy trong ta cả khối tình;
Cho ta hiểu rõ thêm lẽ sống,
Tận nguồn lòng mẹ, thuở sơ sinh...

<img src="https://www.facebook.com/photo.php?fbid=151096686068070&set=pcb.2358556571026287&type=3&__tn__=HH-R&eid=ARAEraltbUltqVBhgtR582z0hL95xmQyDyjCfrE1iEJNXVaU3JO8lP3APQZIqm5lBeGa2HbSe0JyBDUF" width="n" height="n" />

Đón Em
Dịch [1] ngày 28 tháng Bảy 1973

Trong bình có một bông hoa,
Bông hoa hồng thắm, đó là phần Em;
Hoa đang thao thức ngày đêm,
Bao giờ ... trên cánh tay Em, nở hồng.

Những buồn thương lạnh tê lòng,
Những nao nao của ước mong, đợi chờ;
Và bao giây phút ngẩn ngơ,
Anh không kể nữa, những giờ bên Em.

Những câu, những chữ nhẹ êm,
Dành Em, chỉ có dành Em thôi mà;
Những câu, chữ ấy bây giờ,
Chẳng còn mỏng nhẹ như là phong thư.

Lòng anh như khoảng trời thu,
Em là ánh sáng chiếu từ vầng dương;
Đôi chân Em bước nhẹ nhàng,
Rừng cây dường cũng vấn vương, bồn chồn.

Quán cà-phê nhỏ bên đường,
Hương thơm tỏa khắp một vùng cỏ hoa;
Bầu trời xanh rộng bao la,
Đàn chim én nhỏ đang là là bay.



Hoa Thị Thành
Phố Đại La, tháng Năm 1976,

Tím tím mầu hoa giữa lá xanh,
Từng chùm nở thắm tận đầu cành;
Gió mai nhẹ nhẹ, hoa tươi vẫy,
Như đón như đưa khách bộ hành.

Đưa đón muôn người khách lại qua,
Mà sắc hương kia chẳng nhạt nhòa;
Bằng-lăng, dân phố quen tên gọi,
Ta gọi em là Thị-thành-hoa...


Em
1975-76

Em như vầng dương giữa bầu trời,
Nơi cao kia, thân thương mà xa lạ;
Gặp gỡ bao lần, bao lần tâm sự,
Tưởng rất gần mà vẫn quá xa xôi!

Ta và em mỗi đứa mỗi nơi,
Mà đã rất gần trong thương nhớ;
Trái tim ta là căn phòng nhỏ,
Duy nhất hình em soi sáng đêm ngày.

Những cách ngăn của cuộc đời này,
Không giam giữ trái tim yêu được;
Nguồn sinh lực của ta là nguyện ước,
Đi cùng em trọn kiếp nhân sinh.

Cho địa cầu quên giá lạnh mùa đông,
Cho cuộc đời tình yêu lên hương ngát;
Xin hiến dâng những gì yêu quí nhất,
Cho chung đời và cho riêng em.


Đi Gánh Nước
Bạch Mai, tháng Chạp 1977

Sương đêm ướt lạnh đôi vai áo,
Em đi gánh nước bước nhanh nhanh;
Nước có tình chi mà tung tảy,
Rắc ngọc bên đường dẫn bước anh?


Đôi bờ
1977

Con sông nhỏ
đôi bờ
xanh sắc cây
Bên ấy - bên đây
chia cắt bởi một dòng nước  biếc
Sông đơn chiếc
chia đôi bờ
đơn chiếc
Chung một dòng
mà quá xa xôi ...

Tháng năm trôi
Rồi một ngày
chiếc cầu đơn sơ
ai bắc
Hai bờ bỗng gần
trong gang tấc:
Hai bờ của một dòng sông.

Anh và Em
biết nhau đã mấy mùa đông
quen nhau qua mấy mùa hoa nở
Mà chưa một lần tâm sự
chưa một lần sánh bước bên nhau
Đợi chờ chăng
ai đó
bắc cầu
Sông vẫn chảy
chia đôi bờ đơn chiếc
Đợi chờ
có khác chi là chết
Không biết sống cho mình
Không dám sống cho ai!

Tự nhiên là những dòng sông
Cắt chia là bởi tự trong lòng người
Một dòng, chỉ một dòng thôi
Nối liền là bãi, chia đôi là bờ...


Chiều Vàng
Viết cho Tân, và ...

Buổi chiều vàng xuống, anh đau,
Nỗi đau trong dạ, nỗi đau ngoài đời;
Bâng khuâng không nói nên lời,
Âm u như trước khi trời bão dông ...

Như chiếc bách cuối cùng rệu rã,
Giữa mênh mông sóng cả, gió to;
Mịt mùng nào biết đâu bờ,
Buông xuôi cho những bất ngờ, rủi ro.

Còn đâu những ngày giờ ngạo nghễ,
Buồm dương cao, nước xé mũi thuyền;
Còn đâu buổi sáng mai lên:
Ánh dương in bóng ta trên nền trời ...

Còn đâu nữa, một thời oanh liệt:
Sống là cho, nào biết thiệt hơn;
Thanh gươm kia với cây đàn,
Nước non in dấu đôi bàn chân ta ...

Ôi cái thuở ta là ta ấy,
Lòng hỏi lòng: được mấy giấc mơ;
Thanh xuân, đời đẹp  như thơ,
Nào ai biết được ngày giờ trôi nhanh!

Nào ai đã một lần tính sổ,
Nợ đời và đời nợ bao nhiêu:
Lòng riêng chỉ nguyện một điều:
Đã yêu xin hiến tình yêu trọn đời...

Nay bóng xế chiều rồi, mộng vỡ...
Đâu thời gian mà gỡ cho ra?
Bỗng nhiên, bốn biển không nhà,
Bỗng nhiên côi cút thân ta, một mình!

Còn đâu kẻ tâm tình sớm tối,
Còn đâu người chắp mối tâm tư.
Bấy lâu ... mà bỗng bây giờ,
Oán ai? Ai oán? Và ngờ cho Ai?...


Xa Cách
Thüringen, 1978

1
Vắng Em, anh hút thuốc nhiều,
Vắng Em, anh nghĩ bao điều vẩn vơ;
Đời người được mấy giấc mơ,
Vắng Em, đời tựa bài thơ không vần.

2
Thông rừng ai nhuộm mà xanh,
Tuyết kia ai trải trắng tinh khắp đồng;
Thiên nhhiên tươi đẹp vô cùng,
Mà sao ta vẫn thấy lòng buồn tênh?

Bâng khuâng một bóng một hình,
Vắng Em, tất cả đều thành hư không!


Người Không Quen
Tháng Ba 1981

Em cười má lúm đồng tiền,
Tươi duyên chi lắm cho phiền lòng anh?
Đi không nỡ, ở chẳng đành,
Xa nhau không gặp thì thành tương tư...


Đừng Hỏi
Tháng Năm 1981

Đừng hỏi vì sao anh cứ đến,
Nói dăm câu chuyện để rồi đi;
Tất cả tưởng như là phù phiếm,
Tưởng như tất cả chẳng có gì!

Nhưng tất cả chỉ là thế đó:
Gặp em để được nói đôi câu;
Để được nghe em và giữ mãi,
Rất nhiều rung động những ngày sau ...


Muốn Đi

Muốn đi mà lại chẳng đi,
Sợ làm xao động những gì bình yên;
Chần chừ rồi cũng thành quen,
Thành quen nếp nghĩ về em ngày ngày ...


Trời Cứ Mưa Hoài
Tháng Năm 1981

Cớ chi trời cứ mưa hoài,
Tháng dài rồi lại ngày dài, cứ mưa?
Buồn chi buồn mãi trong ta,
Đi hoài mà vẫn chưa qua nỗi buồn!

Vẫn chưa hết những gì là vô vị,
Vẫn chưa hết những gì ta hoang phí;
Nửa cuộc đời tuổi trẻ nhuốm ưu tư,
Nửa đời người không xếp trọn vần thơ.

Mà trời vẫn cứ mưa thôi,
Mây đen đen xám, chắc trời còn mưa,
Buồn đời đâu thể vui ta,
Đất cằn cây có trổ hoa bao giờ?

Thì thôi cứ sống cho tròn kiếp sống,
Trăm năm như khoảng khắc, chóng thôi mà;
Rồi đến lúc trở về đất Mẹ,
Sẽ chẳng lo gì mây xám với trời mưa!



Nếu Mai Ngày...
1981

Nếu mai ngày nhớ đến ta,
Bạn ơi xin hãy bỏ qua mọi điều,
Những là nắng sớm, mưa chiều,
Những là nay ghét, mai yêu, ... Những là  ...

Thời gian như nước trôi qua,
Ngọn đèn khuya tỏa sáng ra tâm hồn;
Đêm dày, dày cả nỗi buồn,
Tiếng trùng trong đất mỏi mòn khóc than.

Sao đêm nhập nháy vô vàn,
Như hy vọng của ngày tàn rắc lên;
Càng nghe rộn rã trong tim,
Tiếng ngày xưa lại cất lên bồi hồi:

Sống ngay thẳng ở trên đời,
Không tô vẽ, chẳng phô lời văn hoa;
Dẫu rằng đạm bạc rau dưa,
Thông xanh xin mãi hát ru gió ngàn.

Mai ngày, Bạn hiểu ta chăng?


Nhớ Petofi
1981-82

Anh và Em
đi trên chiếc xe
Đôi bò kéo
đường dài bước một ...
Mùi cỏ rơm
thơm thơm ngọt ngọt
Hương đồng quê
thoang thoảng ngây ngây

Bàn tay ai
để trong bàn tay
Cặp mắt ai
nhìn vào cặp mắt

Những vì sao trên cao lấp lánh
như thiên thần tinh nghịch dõi nhìn.

Anh muốn hái những vì sao xinh
cho Em
cho
Chúng mình, hai đứa...

Đôi bò vẫn đi
bốn bề
êm ả
Không gian say
hơi thở say nồng ...

Lắng trong ta như khúc tâm tình
không phải trời đêm Âu
không phải làng quê Hung
không phải thời nào xa lạ

Tình yêu là của hồi môn cho tất cả
Cho Anh và Em
giữa Trời-Đất đêm nay ...


Cửa Lò
Nghệ An, 1986

Lò đâu và cửa ở đâu?
Đến đây chỉ thấy con tầu buông neo;
Mênh mang con sóng biển chiều,
Gửi vào bờ cát thật nhiều tâm tư...


Xuân Tình
Bính Dần, 1986

Trời đầy xuân sắc,
Đất tràn xuân hương;
Lòng ta man mác,
Xuân tình vương vương.

Người đi đâu đó,
Xuôi ngược trên đường;
Phải vì chúa xuân,
Làm say lòng chăng?

Gốc đông gày guộc,
Trổ nhành hoa xuân;
Trải bao giá buốt,
Mà cánh vẫn ngần!

Tay nâng ly rượu,
Hương nồng trên môi;
Hoa xuân rượu xuân,
Hồn xuân chơi vơi.


Chiều Nơi Xứ Lạ
Eibenstock, tháng Chạp 1988

Rì rào con suối chảy bên đường,
Tuyết lạnh trời mờ, chiều dần buông;
Lạc gót phong trần nơi xứ lạ,
U hoài, lòng trạnh nhớ quê hương.

Xa lắm rồi ư, những phố xưa:
Hàng sao Lò Đúc, liễu Bờ Hồ;
Tím đẫm bằng-lăng đường qua Vọng,
Đỏ đèn hoa gạo ngõ Bách Khoa.

Trăng Thanh-Xuân bắc, đèn Nguyễn Trãi,
Xe chiều đôi chuyến mải về đâu?
Kim Mã tàn ngày, hàng vắng khách,
Cuối phố leng keng tiếng chuông tầu...

Tất cả bây giờ xa quá đỗi,
Bây giờ tất cả gợi sầu đau;
Bên đường suối chảy về đâu nhỉ?
Nặng trĩu lòng ta một buổi chiều.


Không Đề
Eibenstock, tháng Chạp 1988

1

Xuân sang, cây cỏ đâm chồi,
Chơi xuân lòng lại bồi hồi, xót xa:
Xuân bao nhiêu tuổi không già,
Riêng mình năm tháng sương pha mái đầu.

2

Đi hết rừng xanh, hết bụi bờ,
Một mình gọt mãi một vần thơ;
Chim hót vu vơ thành nhạc khúc,
Thơ chẳng nên bài - Buồn ngẩn ngơ ...

3
Anh đi vào rừng - rừng xanh vời vợi,
Anh đi lên núi - suối chảy rì rào;
Suối-Rừng muôn kiếp bên nhau,
Mà anh đơn lẻ, sầu đau một đời!



Rằm Tháng Giêng
16 tháng Giêng, đêm

Tựa:
Đẹp chỉ thành vẻ đẹp,
Khi có ta say đắm nhìn vào.

Trăng Rằm tháng Giêng
treo trên bầu trời
gió lùa mây cuốn
mà trăng vẫn ngời

Eibenstock
chìm trong lặng yên
hôm nào xa lạ
nay thành thân quen

Những cây đèn đường
tỏa từng vầng sáng
nhòe đi trong sương...

Trăng và đèn
đèn và trăng
mờ ảo
cho bóng ta
nghiêng theo trăng
ngả xuống đèn

Trăng trên trời kia
đèn dưới đất này
còn có nghĩa gì
khi hồn chẳng say?

nếu chẳng được say
trong mắt Em
tròn đầy
sáng ngời
hiền dịu
thì vũ-trụ và trần gian
với ta
chỉ là
vĩnh hằng địa ngục

Trăng Rằm tháng Giêng,
say hồn viễn xứ...


Xuân Xa Quê
Eibenstock, tháng Hai 1989

Giờ này đất nước vào xuân,
Pháo nổ giòn theo chân người trảy hội;
Gái trai đi hái cành lộc mới,
Đem xuân về chúc phúc Mẹ, Cha.

Giờ này nơi phố phường, thôn ấp,
Nhà nhà đoàn tụ,
Thắp nén hương thơm tưởng nhớ cội nguồn,
Yên lặng bên nhau nguyện cầu hạnh phúc;
Và hẳn có lúc nào
Thảng thốt
Tiếng ai nhắc tên người đi xa...

Giờ này đất nước vào xuân,
Giờ này quê nhà đón Tết;
Vạn cây số đường xa,
Năm năm dài đất khách.

Buồn, vui?
Thôi phó mặc thời gian;
Xin dành phút giây hướng lòng về Đất Mẹ.

Ôi, đất nước đói nghèo,
Quặn đau đến thành hình thể;
Thành hình chớp lóe:
Căm hờn và thương yêu!

Nào ai muốn cắt chia?
Mà vẫn phải hơn một lần ly biệt!
Cúi đầu, tưởng là số kiếp,
Chong đèn, cuộc sống vần xoay!

Từ buổi Lạc Long quân xuống biển, Âu cơ lên rừng;
Từ buổi nhà rông, ngang trời sấm động.
Quặn đau biệt ly:
Non nước Cao Bằng,
Đêm bắc Âu buốt lạnh,
Ngày Phi châu ruồi vàng...
Đó đây những đứa con phiêu dạt,
Hướng lòng về quê những lúc giao-thừa!

Xuân này con vắng cha,
Tết này chồng vắng vợ;
Giao thừa này mẹ già tựa cửa,
Giọt nhớ giọt sầu nhòe trong mưa rơi.

Mà xuân thì cứ sang,
Mà thời gian cứ theo giòng trôi mãi!

Xuân đến rồi,
Giờ này mình ngồi với nhau,
Trong ngôi nhà bè bạn;
Thắp nén hương tưởng niệm,
nâng chén rượu nồng,
cạn chén sầu,
và khóc một chút thôi cũng được;
Để rồi cùng với mùa xuân,
Mình sống với mình chân thật.

Nâng ly mừng xuân quê hương!
Cạn chén mừng đời, mừng bạn!


Giao Thừa
Karl-Marx-Stadt, 1990

Mồng Một thì ở nhà Cha,
Mồng Hai nhà Mẹ, mồng Ba nhà Thày.
Ca dao

Đất Mẹ ơi, con xin lại khóc một lần,
Xa xôi lắm, và nhớ thương lắm lắm;
Côi cút trong cõi đời bụi bặm,
Con vẫn giữ trong lòng hình Mẹ thương yêu.

Không cuộc sinh thành nào sóng lặng trời yên,
Đẻ con làm người, Mẹ một lần dứt ruột;
Mẹ xa đời sớm ...
Công sinh thành ghi tạc một đời con.

Lo cho con thành người lòng Cha những mỏi mòn,
Miếng khoai tháng Ba dành con khúc giữa;
Ôm con vào lòng tránh gió lùa khe cửa,
Bàn tay vẩy rô còn ngái mùi bùn ...

Đất Mẹ ơi, con xin lại khóc một lần,
Khi nhớ ngọn roi Thày và những lời nhắn nhủ:
-"Sức thằng nhỏ còn đi xa nữa".
Con chưa đi hết lòng mong, tầm mắt của Thày!

Qua những thăng trầm, qua những đắng cay,
Bám vào quê hương, nắm tay bè bạn -
Nguồn sinh lực chẳng bao giờ mòn cạn,
Bốn ngàn năm giòng máu chảy trong người.

Mùa xuân, mùa xuân, mùa xuân lại về rồi,
Thời gian, thời gian... thời gian vô tận;
Vũ trụ chuyển vần với đôi vầng nhật nguyệt,
Gió bụi phong ba âu cũng chuyện đời thường!

Giao thừa con thắp nén hương,
Trên bàn thờ Mẹ, gửi hồn về quê...


Nghĩ Về Hạnh Phúc
Kỷ niệm một thời (1990-98)

Từ đã lâu
Mẹ hiền nằm dưới đất sâu
cũng từ lâu
Cha già khuất núi
đời ta chỉ còn hờn tủi
và sầu đau ...

Rồi một ngày Anh gặp Em
như buổi mai Đất-nước gặp Mặt-trời

mình về với nhau
năm tháng
đơm hoa đậu trái
hờn tủi, sầu đau
lặn vào con tim
chìm trong mạch máu
nắm bàn tay
nhìn cặp mắt
hôn làn môi
và biết hạnh-phúc là có thật

Hạnh-phúc là có thật
khi đặt tay
lên mái tóc Em
lên bờ vai
lên làn da trắng mịn

Hạnh-phúc là có thật
khi mua được can dầu
bìa đậu
mớ rau
ngày cuối tháng

Hạnh-phúc là có thật
khi mỗi sớm mai
rời ngõ hẹp
còn cảm thấy hơi ấm sau lưng
chút vui vô cớ trong đầu
và niềm tin đủ lạng cân
trong cạp-lồng-nhôm nhỏ

Hạnh-phúc là có thật
khi giặt xong chậu tã
khóa vòi nước lại
gió lùa mây che ánh trăng tà

Hạnh-phúc là có thật
khi được làm chồng
khi được làm cha

Hạnh-phúc giản đơn như thế đó
khi chưa có nhạc xập-xình và khói hông-đa


Suy Tưởng
Hradec, Tiệp Khắc

1

Xa rồi, đất nước, quê hương,
Những gì yêu mến, thân thuơng xa rồi;
Lặng ngồi ngắm cánh tuyết rơi,
Thấy cô đơn giữa đất trời hoang vu.

Châu Âu đây, một bến bờ,
Bao con thuyền đã ghé vô, buông chèo;
Ra đi từ những quê nghèo,
Vào nơi "tiên cảnh" vẫn nhiều ưu tư ...

2

Em như nàng Tấm đẹp xinh,
Cho anh thơm áo, ngọt canh ngày ngày;
Bàn tay cầm lấy bàn tay,
Còn nghe chai sạn những ngày tháng qua.

Tóc xanh phây phất gió lùa,
Còn nghe nồng cả một mùa nắng hanh.
Một đời nương bóng mái tranh,
Bao nhiêu đói rét, tảo tần bấy nhiêu ...

3

Ra đi từ mái tranh nghèo,
Tấm thân đâu khác cánh bèo nổi trôi?
Đồng tiền đổi giọt mồ hôi,
Còn thêm cả ánh mắt người khinh khi!

Vì nhà phải bước chân đi,
Vì đời phải uống cả ly rượu sầu.
Thức khuya cho bạc mái đầu,
Muốn làm một nắm đất mầu quê hương...


Một Tuần Qua
Zirndorf, tháng Ba 1993

Một tuần qua, hai tuần qua,
Em đi nhà vắng, cây hoa cũng buồn;
Đất trời như thể lạnh hơn,
Hàng cây trụi là, gió vờn lắt lay.

"Ngày qua ngày, lại qua ngày",
Nhớ em mái tóc, bàn tay, nụ cười...
Mấy năm vất vả lần hồi,
Trở về vẫn cứ là người long đong!

Em về trời có lặng không?
Mẹ Cha vẫn khỏe, phố còn đông vui?
Cách xa đã mấy năm rồi,
Nước non đôi ngả, một trời nhớ thương.

Con thơ chắc đã đi trường?
Bạn xưa hẳn vẫn gió sương với đời?
Bao nhiêu kỷ niệm đầy vơi,
Biết em còn nhớ đến người phương xa?

Một tuần qua, hai tuần qua,
Em về ta gửi lòng ta theo cùng.


Những Ngày Này
Fürth, cuối năm 1997

Vì con người cần lý tưởng, niềm tin,
Đức Jesus đóng mình trên tháng giá;
Trong nhốn nháo hận thù và gian trá,
Bằng trái tim thương ta sống những ngày này.


Đồng Bào
Fürth, tháng Sáu 1998

Có gì thân thương hơn hai tiếng Đồng Bào:
Một bọc Âu-cơ và một trăm trái trứng;
Một khoảng trời Nam với núi cao, biển rộng,
Sóng Thái-bình-dương vỗ lớn những Tiên, Rồng.

Những Bùi, Nguyễn, Hoàng, Lê, những Huỳnh, Võ, Bạch, Trần
Từ Động Đình hồ tới thành Gia Định;
Việt là vượt, Nam là định mệnh,
Cơ ra đi cho Duyên lại tụ về.

Mỗi cuộc đời đều có một miền quê:
Rau đắng nấu canh, ầu ơ tiếng hát;
Trăng đêm sáng, hương đồng quê ngan ngát,
Mái chùa cong im đậm một khoảng trời ...

Tình quê hương không nói hết thành lời:
Mái tóc bạc, lưng còng, lòng day dứt;
Đời viễn xứ mòn chân đất khách,
Gặp dáng người, nghe tiếng nói đã thân thương!

Dòng máu tiên-rồng dù đi khắp mười phương,
Vẫn thổn thức hồn thiêng Âu-Lạc;
Vẫn giữ trong tim ảnh hình non nước,
Yêu thương nhau trong hai tiếng Đồng-Bào.


Còn Đâu
Deutschland, 2001

Tình yêu khi đã cúi đâu,
Còn đâu vẻ đẹp, còn đâu tự hào;
Niềm tin khi đã đổ nhào,
Công trình chàng Dã tan vào bể khơi!...


Hạt Mưa Thu
Thu 2001-02

Ta đi lượm lá vàng rơi,
Tìm thơ cuối hạ, tìm người ta thương;
Trôi lăn qua mấy nẻo đường,
Áo vương cát bụi, lòng vương tình người.

Tình người như hạt mưa rơi,
Hạt rơi cuối bãi, hạt rơi đầu ghềnh;
Mưa rơi tưởng thật vô tình,
Ai hay muôn nỗi phong hàn mới nên!

Lá vàng rơi đã bao đêm,
Tim ta sống với hình Em bao ngày;
Mùa thu cơn gió thoảng bay,
Hạt mưa rơi xuống bàn tay lạnh lùng...


Em Ở Đâu?
2006

Em ở đâu rồi, em ở đâu?
Để ta cô quạnh giữa địa cầu!
Để ta mòn mỏi trong thương nhớ,
Ngắm mảnh trăng thu lạnh buốt sầu.



Trái Hồng Tặng Em
Tháng Một 2006

Tặng em một trái hồng này,
Để cùng nhớ lại những ngày đã qua;
Mùa hồng, mùa bưởi, mùa na ...
Quê hương nay đã cách xa ngàn trùng.

Đêm sâu, gió lạnh hơi sương,
Xe đi mà tưởng trên đường không ai;
Mà quên cả những dặm dài,
Lòng rưng rưng nhớ một người là em.

Nhớ bàn tay, ánh mắt hiền,
Nhớ đôi má lúm đồng tiền thật yêu;
Nhớ em đi giữa chợ chiều,
Gió lay tà áo, xiêu xiêu bóng gầy...

Em đi giữa chợ quê người,
Bao nhiêu hàng quán, ghé rồi lại qua;
Rằng chi cũng đẹp,... nhưng mà,
Ở mình chắc rẻ đến ba, bốn lần...

Mắt đăm chiêu, bước tần ngần,
Đã qua mà tưởng đôi chân chưa dời;
Thương em, lòng lại bồi hồi:
Sáng nay em mới thăm người về quê...

Từ ngày cất bước ra đi,
Bao mùa đông, bấy tái tê nhọc nhằn;
Nỗi riêng, riêng chịu một mình,
Biết ai người thấu tấm tình này đây?

Tặng Em một trái hồng này,
Để cùng nhớ lại những ngày thu qua;
Mùa hồng, mùa cốm quê ta,
Là mùa đôi lứa mặn mà yêu thương.


Tình Dâm
Tháng Một 2006, tổng quan ... đời sự

Nằm xuống đi em, nằm xuống bên anh,
Da liền da cho dịu lửa tình;
Mắt soi mắt để hồn giao hợp,
Môi kề môi hoà chảy lương dinh.

Và yên lặng, thời gian như lắng đọng,
Những búp tay nồng ấm quyện vào nhau;
Và đôi tim rung trào nhịp đập,
Đưa ta về những chốn cao sâu...

Vũ trụ là chi, nhân bản là chi,
Là chi đây, những lập trường, quan điểm;
Là chi nữa lẳng lơ, đĩ điếm,
Khi cỏ khâu phủ mọi nấm mồ?

Rộng cánh tay ra, dang cửa mình ra,
Cặp tuyết lê, đôi gò bồng đảo;
Anh trao hết nguyên dương ngọc báu,
Tràn vào em, hoá kiếp trong em.

Tình dâm là nguồn cội sinh linh,
Ta sống cho ta, vì ta trước đã;
Không đo đắn, không ưu tư vay trả,
Sống hết cho mình, sống hết cho nhau.

Hào hoa nào lẫn được ai đâu,
Và gian dối cũng lộ hình tất cả;
Khi cánh chắp, cành liền, lòng hai ngả,
Là khi tình đã rất xa xôi...

Thôi!


Thôi Đừng Chờ Đợi
Tự tình, 2006 – 2007

Thôi đi đừng đợi,
Thôi đi đừng chờ;
Thôi đi tất cả,
Đời nào như mơ!

Em về với bạn,
Ấm những ngày đông;
Ta đi trong gió,
Nhớ bếp lửa hồng.

Ta đi trong đêm,
Trên con đường cũ;
Bao nhiêu ấp ủ,
Đều thành chua cay...

Thương lắm bàn tay,
Khô bên lửa đỏ;
Và đôi chân nhỏ,
Lội tràn tuyết sương...

Bao nhớ bao thương,
Bỗng thành xa ngái;
Chẳng là vụng dại,
Chẳng còn ngu ngơ!

Thôi đi đừng chờ,
Thôi đi đừng đợi;
Em say tình mới,
Ta tròn tứ thơ...


Gửi Người Trên Net
Thời tình Chát, 2006

Thế giới ảo nhưng con người lại thực,
Trò chơi thôi mà cũng chính cuộc đời;
Muốn lời ta đến với trái tim người,
Chỉ có đường khởi từ tim ta vậy!


Yêu
Đáp lời, 2007

Đã yêu, yêu đến hồng than lửa,
Còn chút tàn tro vẫn chẳng nguôi;
Tình hết, lạnh lòng như băng đá,
Kỷ niệm vùi chôn trọn kiếp người.


Một Đoá Hồng
Tháng Năm 2007, tặng Nhan

Chiều Đông bóng ngả trên thành cổ,
Ta bước cùng Em giữa nắng vàng;
Du khách dập dìu như trảy hội,
Thiên nga dỡn sóng giữa mênh mang...

Khu vườn bách thảo hoa còn vắng,
Gió lạnh cho lòng bỗng bâng khuâng...
Phút giây hội ngộ trong chiều muộn,
Gửi gắm tâm tư một đoá hồng.


Hà Nội Trong Tôi
Nước Đức, tháng Chạp 2007

Tôi yêu Hà Nội lắm, người ơi!
Yêu từng con phố, những cuộc đời...
Dù quen, dù lạ, dù chưa biết,
Đều như máu thịt ở trong tôi.

Hà Nội nuôi tôi sống những ngày,
Đạn bom tàn phá, gạo ăn vay;
Ngọn đèn đêm vắng soi tâm thức,
Tôi lớn khôn lên giữa đất trời.

Giòng máu ngàn năm vẫn cuộn dâng,
Lửa Đống Đa xưa, sóng Bạch Đằng, ...
Mỗi tấc giang sơn là tấc máu,
Là hồn Dân tộc, sức Cha, Ông!

Dẫu có còn xa, dẫu mãi xa,
Hà Nội trong tôi vẫn chẳng nhoà;
Sống – nhịp lòng ta cùng Hà Nội,
Chết – hoà thân xác với quê xưa!


Cõi Thương Người Mẹ
2009-05-24/05:26

Tặng Nguyễn Thị Minh Thư và những bà Mẹ

Bao nhiêu năm trường
Em chăm nuôi
Tình yêu ấy
Tình yêu khôn lớn
THÀNH NGƯỜI.

Tình yêu đứng đi
Tình yêu ăn nói
Tình yêu học hành
Tình yêu trưởng thành
Từ CÕI THƯƠNG NGƯỜI MẸ.

Ôi bao tháng năm
Thức khuya dậy sớm
Tảo tần
Nhân gian tồn tại chăng?
Vũ trụ tồn tại chăng?
- Tất cả là không
Không phải cái “không” Nhà Phật
Cái không của Em có thật
Vì Em mang một tình yêu.

Từ cõi thương Người Mẹ
Từ cái không trong lòng Mẹ
Lớn lên một con người
Và nhân loại cũng tồn sinh, lớn lên từ đó!




[1] Thơ Ulrich Grasnick  Zu Deinem Empfang